Hồi đầu năm nay, Bộ Tư pháp Nam Hàn cho biết, đến cuối 2023 có hơn 226.000 người ngoại quốc đang dùng visa du học để cư trú tại Nam Hàn, so với 2022 thì đến 2023, tỷ lệ du học sinh tăng gần 15%. Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lương du học sinh ở Nam Hàn với hơn 80.000 người. Kế đó là Trung Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Miến Điện, Nhật, Nepal, Indonesia, Nga , Bangladesh và Ấn Độ (1).
Việt Nam là quốc gia dẫn đầu về số lượng du học sinh đồng thời cũng là quốc gia dẫn đầu về số lương du học sinh bỏ học để ra ngoài tìm việc làm và trở thành cư trú bất hợp pháp (2). Trong 26.000 người đến Nam Hàn bằng visa D-4-1 để trau dồi Hàn ngữ nhưng bỏ học, cư trú bất hợp pháp, người Việt chiếm đa số (gần 23.000 người), lớn hơn khoảng 20 lần so với nhóm nhiều thứ hai (Uzbekistan - khoảng 1.100 người) và lớn hơn khoảng 28 lần so với nhóm nhiều thứ ba (Mông Cổ - khoảng 800 người). Không phải tự nhiên mà Pusan National University (PNU) lưu ý: Công dân các quốc gia châu Phi, Việt Nam, Mông Cổ và Uzbekistan nên dùng email liên lạc với Điều phối viên của khu vực để biết có thể nộp đơn hay không (2). PNU khó có thể có lựa chọn nào khác khi có những bằng chứng rõ ràng cho thấy du học sinh Việt Nam có thể trở thành một loại “tai bay, vạ gửi”!
Tình trạng vừa kể không chỉ xảy ra ở Nam Hàn. Đầu tháng này, chính quyền tiểu bang South Australia của Úc loan báo “tạm dừng nhận học sinh từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đến học bậc trung học và một số lĩnh vực khác trên toàn bang này” (3). Thông báo vừa kể là quyết định thuộc loại “chẳng đặng đừng” sau khi có năm du học sinh Việt Nam đến South Australia học trung học đột nhiên “mất tích”.
Cảnh sát South Australia tin rằng đó không phải là “mất tích”. Họ khẳng định đó là “chủ động lẩn trốn chính quyền”! Ông Lê Đức Minh - một luật sư chuyên về di trú ở Úc – bảo với Radio Free Asia (RFA) rằng: Úc chưa bao giờ hành xử như thế với bất kỳ quốc gia nào! Về mặt luật pháp và với tư cách là một luật sư, tôi không chấp nhận hành động rõ ràng là phân biệt đối xử như thế nhưng trong hoàn cảnh hiẹn tại, cơ quan di trú của Úc khó có biện pháp nào tốt hơn nhằm chấm dứt ngay lập tức việc đưa người tại các tỉnh này sang Úc bất hợp pháp! RFA đã tổng hợp tin tức từ hệ thống truyền thông Úc và cho biết thêm, trong khoảng từ tháng 12/2023 đến thàng 1/2024, có ít nhất mười học sinh, sinh viên từ Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình đột nhiên “mất tích” sau khi đến South Australia học tiếng Anh hay kỹ thuật!
Trò chuyện với RFA, một du học sinh Việt Nam phán đoán: Thường thì du học sinh chỉ bỏ trốn để ở lại Úc làm việc bất hợp pháp khi visa du học đã gần hết hạn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp này - vừa đến Úc đã trốn ngay thì nguyên nhân có thể là do không đủ khả năng tài chính để đóng học phí và mục đích đến Úc không phải để học mà là đi tìm việc làm.
Luật sư Lê Đức Minh lưu ý: Tình trạng người ngoại quốc đến Úc du học rồi bỏ trốn, ra ngoài tìm việc làm, ở lại quá hạn là điều khá phổ biến. Tuy nhiên việc Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu về việc công dân vi phạm luật di trú của Úc sẽ để lại nhiều hậu quả tai hại cho những người Việt muốn đến Úc học hành, làm việc và du lịch trong tương lai (4).
***
Cuối năm ngoái, Nam Hàn công bố một thống kê về người ngoại quốc (5), theo đó, trong năm 2023, trên 50% người ngoại quốc đến Nam Hàn làm việc nhận được từ 1.540 Mỹ kim/tháng đến 2.310 Mỹ kim/tháng. Ngoài ra có 35,8% (1/3 người ngoại quốc) có thu nhập trên mức này. Với thu nhập như thế, họ chi 11,8% cho chỗ ở, 39,4% cho sinh hoạt, 23,2% cho kiều hối, 15,7% để dành. Số người ngoại quốc ở Nam Hàn từ 15 tuổi trở lên đã tăng 1,43 triệu (9,9%) so với cùng kỳ. Nếu tính theo quốc tịch, người Việt tăng nhiều nhất (32.000 người). Cứ đối chiếu những số liệu này với tình hình kinh tế - xã hội tại Việt Nam ắt sẽ hiểu vì sao, mà cả viên chức cấp xã, giáo viên tại Việt Nam lẫn những đứa trẻ vùa hoàn tất trung học phổ thông đã quyết định bỏ học đại học, kể cả khi đã được những đại học hàng đầu tại Việt Nam tiếp nhận để tìm đường sang Nam Hàn làm thuê (6)!
Có một điều đáng chú ý là khác với trước đây, ngoài việc xoay xở để có visa ra ngoại quốc làm thuê, thanh niên Việt Nam, kể cả trẻ con đã mở thêm một lối khác – khai thác con đường... du học. Vì sao lại thế? Dường như bởi visa làm thuê khó khăn hơn do số lượng có hạn mà nhu cầu quá cao nên rủi ro bị từ chối không nhỏ và đặc biệt là chi phí quá lớn. Cho dù “tăng trưởng kinh tế - xã hội” có sự phụ thuộc đáng kể vào việc biến công dân của mình thành hàng hóa để xuất khẩu nhưng khi thực thi “chiến lược” này, chính quyền Việt Nam vẫn tổ chức vét cả... cặn. Còn gì tàn tệ hơn khi Nhật không thu đồng nào nhưng để được đến Nhật làm thuê, thanh niên Việt Nam phải vay mượn để trả từ 130 triệu đồng đến 190 triệu đồng/người triệu đồng cho các doanh nghiệp độc quyền “xuất khẩu lao động”, cao hơn Philippines từ sáu đến tám lần (7).
Phải trả quá nhiều để có thể từ Việt Nam đi làm thuê ở ngoại quốc vốn chẳng có gì mới! So sánh của tạp chí Luật khoa như vừa dẫn chỉ giúp dễ hình dung hơn tại sao người Việt luẩn quẩn trong bế tắc. Hết bế tắc về sinh kế, về tương lai ở nơi “chôn nhau, cắt rốn” đến bế tắc về chuyện nên chọn sống hợp pháp hay bất hợp pháp trên xứ người. Làm sao có thể chọn sống hợp pháp khi nợ nần chồng chất, lãi mẹ đẻ lãi con?
Người đứng đầu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền đẩy nhiều triệu người Việt đến chỗ bế tắc, thậm chí ngay cả những đứa trẻ cũng phải khai thác visa du học, biến Việt Nam thành xứ sở cung cấp cư dân bất hợp pháp cho nhiều quốc gia khác như thế vừa lên tiếng cho biết ông ta... “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng” (8)!
Chú thích
(2) https://www.koreatimes.co.kr/www/nation/2024/02/113_360839.html