Vào chủ nhật 1 tháng 5 vừa qua, nhiều cuộc biểu tình bùng nổ tại nhiều thành phố, từ Sài Gòn đến Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Bình và Hà Nội, trong đó, riêng tại Sài Gòn và Hà Nội, có hàng ngàn người tham gia diễn hành một cách ôn hoà. Nội dung chính của các cuộc biểu tình đều tập trung vào nạn cá chết trắng bờ ở bốn tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Các khẩu hiệu bao gồm từ những lời hô hào chung chung như “Chúng tôi muốn sống”, “Toàn dân Việt Nam cứu biển”, “Tôi yêu môi trường và tôm cá”, “Trả lại biển sạch cho dân” đến những yêu sách cụ thể hơn như “Formosa hãy rời khỏi Việt Nam”, “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, “Yêu cầu Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi Trường từ chức”. Có cả khẩu hiệu viết dưới hình thức thơ lục bát: “Miền Trung đang rất gian nan / Bốn vị lãnh đạo lang thang chỗ nào?” v.v…
Nhìn chung, có thể nói các cuộc biểu tình rất thành công.
Thành công dễ thấy nhất là ở số người tham dự. Không hề có lãnh đạo cũng như không hề có tổ chức nào đứng phía sau, chỉ thông qua các diễn đàn mạng, chủ yếu là facebook, hàng ngàn người đồng loạt đổ xô xuống đường. Trừ các cuộc biểu tình chống việc Trung Quốc mang giàn khoan HD-981 vào thềm lục địa Việt Nam vào giữa năm 2014, chưa có cuộc biểu tình nào lớn như lần này.
Chính thành công ấy dẫn đến thành công thứ hai: có lẽ vì quá đông người, chính quyền không dám mạnh tay đàn áp. Cũng có vài vụ xô xát, đặc biệt tại Sài Gòn, nhưng nhìn chung, các cuộc tuần hành diễn ra một cách khá suôn sẻ.
Thành công thứ ba là các cuộc biểu tình đã gây một tiếng vang đáng kể. Tin tức được cập nhật nhanh chóng trên các diễn đàn mạng để bất cứ người nào, dù ở xa đến mấy, cũng đều biết. Hơn nữa, chúng cũng thu hút cả sự chú ý của người ngoại quốc qua các bản tin đăng trên các tờ báo và hãng thông tấn lớn ở khắp nơi.
Với ba thành công ấy, các cuộc biểu tình vào ngày 1 tháng 5 là một biến cố quan trọng và đầy ý nghĩa. Chúng cho thấy người Việt Nam không hoàn toàn vô cảm trước những vấn đề nghiêm trọng trên đất nước của mình. Đã đành con số vài ngàn người ấy so với dân số trên 90 triệu người không phải là lớn. Nhưng có cuộc cách mạng nào lại không được nhen nhúm từ một thiểu số? Trong các youtube quay cảnh biểu tình được tung trên facebook, người ta thấy nhiều người đi đường bày tỏ thiện cảm và sự ủng hộ của họ đối với những người đang biểu tình. Nó khác hẳn với những ánh mắt lạnh lùng và hờ hững trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc những năm về trước.
Các cuộc biểu tình cũng cho thấy người dân không khiếp sợ. Người ta biết là có thể sẽ bị chính quyền trấn áp nhưng người ta vẫn không sợ. Điều đáng chú ý là, qua các hình ảnh trên youtube, người ta thấy thành phần tham dự biểu tình khá đa dạng: nam có nữ có; người lớn tuổi có, thanh niên cũng có. Tất cả đều chấp nhận đối đầu với công an để bày tỏ thái độ của mình trước vấn đề môi trường Việt Nam.
Lý do khiến người ta hết vô cảm và không khiếp sợ có thể dễ dàng được giải thích: Việc công ty Formosa thải chất độc xuống biển gây ra nạn ô nhiễm làm chết cá hàng loạt trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. Xin lưu ý: mọi người. Không phải chỉ có các ngư dân và người dân ở mấy tỉnh miền Trung mới bị ảnh hưởng. Ngay cả dân chúng ở những vùng khác cũng bị ảnh hưởng lây. Vì lòng tham, nhiều thương lái thu gom cá chết mang vào miền Nam hay ra miền Bắc bán. Cá chết cũng có thể được dùng để chế biến thành nước mắm rồi tung ra thị trường. Hơn nữa, vì nước biển bị nhiễm độc, muối cũng bị nhiễm độc theo. Mà muối thì cũng có thể được bán ở khắp nơi. Đó là chưa kể trường hợp các hoá chất độc hại do Formosa tiếp tục thải ra càng ngày càng nhiều, theo các dòng hải lưu, có thể lan đến tận miền Bắc và miền Nam. Đến lúc nào đó, không có vùng biển nào là an toàn cả.
Nhiều người đặt vấn đề: Dường như dân chúng chỉ hết vô cảm và khiếp sợ khi quyền lợi của chính họ bị vi phạm. Công an đánh chết dân: Không có mấy người xuống đường biểu tình. Chính quyền cướp nhà và đất của dân: Chỉ lèo tèo vài chục người phản đối. Đảng độc tài và chà đạp lên nhân quyền: Mọi người đều nín thinh. Ngay cả việc Trung Quốc đe doạ chủ quyền của Việt Nam trên biển và đảo cũng như khuynh loát kinh tế và xã hội Việt Nam, người ta dường như vẫn dửng dưng (trừ vụ giàn khoan HD-981 vào giữa năm 2014).
Cách đặt vấn đề như vậy dĩ nhiên là đúng. Nhưng chỉ đúng một phần nhỏ. Cốt lõi của chính trị bao giờ cũng gắn liền với quyền lợi cụ thể của mọi người. Ngoài ra, dưới một chế độ độc tài toàn trị như Việt Nam, tất cả mọi hành động phản kháng, dù chỉ là phản kháng vụ chặt cây xanh ở Hà Nội hay điều tra vụ cá chết ở miền Trung, đều có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Chúng bắt chính quyền phải nghe tiếng nói của dân chúng. Và buộc họ phải có những hành động thiết thực và cụ thể.
Tất cả các cuộc xuống đường biểu tình của dân chúng, vì bất cứ lý do gì, cũng đều có hai tác dụng lớn: Một là nó thể hiện thái độ bất tuân dân sự (civil disobedience) và hai là góp phần hình thành các loại hình xã hội dân sự (civil society), hai yếu tố căn bản để xây dựng một xã hội dân chủ. Với hai tác dụng ấy, cuộc biểu tình nào cũng là một cuộc diễn tập dân chủ.
Có thể nói một cách vắn tắt, không thể có dân chủ nếu dân chúng không có ý thức về quyền của mình và không dám chống lại quyền lực của chính phủ để bảo vệ quyền lợi của chính mình. Trong các cuộc tranh đầu như thế, người ta sẽ dần dần gặp gỡ nhau, sau đó, tụ hội với nhau thành các nhóm, thoạt đầu nhỏ và rời rạc, sau, dần dần lớn và có quan hệ chặt chẽ hơn. Đó là điều chúng ta có thể chứng kiến tại Việt Nam hiện nay: Đã xuất hiện, đây đó, các nhóm xã hội dân sự. Họ còn yếu. Nhưng họ có mặt ở mọi nơi. Họ hỗ trợ cho nhau không những về tài chính hay tinh thần mà còn cả về phương diện pháp lý: Hễ có người nào bị công an bắt, họ la toáng lên và đến tận các cơ quan công quyền để “đòi” người. Khi có người nào đó bị mang ra toà xét xử, họ cũng tập trung lại để ủng hộ cho nạn nhân. Khi một tù nhân lương tâm nào đó mãn án, họ lũ lượt kéo nhau đi đón rước. Tôi cho đó là những dấu hiệu tốt.
Tương lai chính trị Việt Nam nằm ở những cuộc diễn tập dân chủ và những tổ chức mới manh nha như thế.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.