Nhiều người Việt Nam ở Đài Loan và các nhà tranh đấu biểu tình ở Đài Bắc hôm 20/6, đòi tập đoàn Formosa chịu trách nhiệm về thảm họa môi trường biển do chất thải công nghiệp độc hại mà nhà máy thép Formosa-Hà Tĩnh gây ra tại miền trung Việt Nam.
Những người biểu tình tập trung bên ngoài khách sạn Sunworld Dynasty ở Đài Bắc, nơi công ty Formosa tổ chức cuộc họp các cổ đông. Đám đông hô to: “Formosa Plastics phải chịu trách nhiệm về mặt xã hội,” theo kênh tin tức Đài Loan CNA.
Tôi hy vọng người Đài Loan sẽ quan tâm hơn tới vụ việc này và thúc giục chính phủ gây sức ép lên Formosa Plastics để mang đến công lý cho người Việt Nam.Nguyễn Văn Hùng, Linh mục
Những người biểu tình yêu cầu công ty thép Formosa-Hà Tĩnh phải theo dõi mức ô nhiễm trong môi trường biển và công khai thông tin cho dân chúng biết.
Formosa đã từng bị ngừng hoạt động trong một năm sau thảm họa biển vào tháng 4/2016. Tháng 6 cùng năm đó, Formosa-Hà Tĩnh thừa nhận trách nhiệm trong vụ gây ra nạn ô nhiễm trên 200km đường biển của Việt Nam. Công ty thép này, một chi nhánh của tập đoàn Formosa Plastics, thừa nhận đã thải các chất hóa học gây ô nhiễm ra biển.
Công ty này chỉ thừa nhận như vậy sau khi bùng nổ nhiều cuộc biểu tình của người dân trong nước và chính phủ Việt Nam kết luận rằng Formosa-Hà Tĩnh có liên quan tới thảm họa ô nhiễm ở 4 tỉnh miền Trung, làm cá chết hàng loạt.
Formosa Hà Tĩnh sau đó đã lên tiếng xin lỗi và hứa đền bù 500 triệu USD cho những nạn nhân ở các tỉnh miền Trung, nơi người dân hầu hết sống bằng nghề đánh cá và du lịch. Tuy nhiên, sau hai năm người dân ở khu vực này vẫn đang phải gánh chịu những hậu quả về môi trường, kinh tế, chính trị và tâm lý mà thảm họa này để lại.
“Tôi hy vọng người Đài Loan sẽ quan tâm hơn tới vụ việc này và thúc giục chính phủ gây sức ép lên Formosa Plastics để mang đến công lý cho người Việt Nam,” một linh mục Công giáo ở Việt Nam được CNA trích lời nói trong một tuyên bố được đọc tại buổi biểu tình.
Linh mục Nguyễn Văn Hùng, một trong những người biểu tình, đã đọc bản tuyên bố do một linh mục ở tỉnh Quảng Bình soạn. Linh mục này cùng ba người khác đã bị chính quyền Việt Nam cấm không được xuất cảnh tới Đài Loan để dự cuộc biểu tình hôm 20/6.
Theo LM Hùng, nhiều người Việt Nam đã bị chính quyền đàn áp vì đã bày tỏ lo ngại về thảm họa môi trường biển và bức xúc về chuyện những nạn nhân không được đền bù. Những người biểu tình phản đối Formosa hay đăng tải những thông tin về thảm họa này trên mạng xã hội cũng bị đàn áp và bắt giữ, theo vị linh mục đang giúp đỡ những công nhân nhập cư và gia đình của họ ở Đài Loan.
Trong số những người đã nhận án tù do lên tiếng về thảm họa do Formosa có Hoàng Đức Bình, người bị tuyên án 14 năm tù với cáo buộc ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ và ‘chống người thi hành công vụ’ và Nguyễn Văn Hóa, bị tuyên án 7 năm tù với cáo buộc ‘tuyên truyền chống phá nhà nước’.
Người dân địa phương vẫn lo ngại không biết cá có an toàn để ăn hay không và các chất độc hại có ở trong cá hay không. Chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ bằng chứng gì để chứng minh rằng biển miền Trung đã an toàn.Paul Jobin, Viện Xã hội học thuộc Học viện Sinica Đài Loan
Truyền thông Việt Nam đưa rin rằng hầu hết phần tiền đền bù đã được trao cho các nạn nhân tuy nhiên những nhà hoạt động ở Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ Đài Loan khẳng định điều đó không đúng với sự thật.
Một số người Việt nói với các tổ chức phi chính phủ Đài Loan rằng họ chịu tổn thất rất lớn về kinh tế vì thảm họa môi trường biển mà chỉ nhận được một khoản tiền đền bù nhỏ. Những thông tin này được CNA trích dẫn từ các cuộc phỏng vấn trong một video trình chiếu tại một buổi hội thảo về vấn đề này ở Đài Bắc hôm 19/6.
Paul Jobin, một nhà nghiên cứu của Viện Xã hội học của Học viện Sinica ở Đài Bắc đã tới thăm khu vực bị ô nhiễm ở miền Trung Việt Nam đầu năm nay, và cho CNA biết người dân địa phương vẫn lo ngại không biết cá có an toàn để ăn hay không và các chất độc hại có ở trong cá hay không. Ông nói chính phủ Việt Nam vẫn chưa đưa ra bất cứ bằng chứng gì để chứng minh rằng biển miền Trung đã an toàn.
Nhà nghiên cứu này nói thêm rằng Tập đoàn Formosa ở Đài Loan có trách nhiệm trong vụ này, và họ nên yêu cầu chính phủ Việt Nam cùng với các nhóm quốc tế tiến hành nghiên cứu về độ độc hại của môi trường để đưa ra những kết luận mà người dân có thể tin cậy.