Đường dẫn truy cập

RSF lên án bản án của nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa


Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa (BBG photo)
Nhà hoạt động môi trường Nguyễn Văn Hóa (BBG photo)

Phóng viên Không biên giới RSF ngày 27/11 loan báo kế hoạch tiếp tục chiến dịch kêu gọi chấm dứt đàn áp nhân quyền tại Việt Nam sau khi một blogger kiêm ký giả công dân 22 tuổi bị tuyên án nặng nề tại Hà Tĩnh.

please wait

No media source currently available

0:00 0:04:23 0:00
Tải xuống

“Chúng tôi hết sức quan ngại trước tình trạng Việt Nam ngày càng gia tăng đàn áp những tiếng nói bất đồng,” bà Margaux Ewen, Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, nói với VOA Việt ngữ cùng ngày.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền có trụ sở chính tại Pháp nêu rõ bản án 7 năm tù, 3 năm quản chế về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’ dành cho anh Nguyễn Văn Hóa trong phiên xử kéo dài 2 tiếng rưỡi đồng hồ hôm 27/11 đã đưa nhà hoạt động trẻ này vào danh sách dài gồm các blogger bị đàn áp tại Việt Nam.

Báo điện tử Hà Tĩnh của nhà nước Việt Nam nói anh Hóa đã sử dụng Facebook để gieo rắc tuyên truyền phản động chống lại chính sách của đảng cộng sản và nhà nước thông qua các bài viết, video, và hình ảnh có nội dung tiêu cực.

Nguyên nhân chính khiến nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa bị bắt đầu năm nay là do anh tường thuật về phản ứng của dân chúng trước việc Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung và làm kiệt quệ đời sống của hàng ngàn ngư dân Việt, theo RSF.

Blogger này đã dùng kỹ thuật camera trên thiết bị bay điều khiển từ xa để ghi hình các cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng phản đối Formosa rồi đăng tải lên các trang mạng xã hội.

“Chúng tôi mạnh mẽ lên án bản án hoàn toàn bất xứng này,” ông Daniel Bastard, trưởng phụ trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương trong RSF cho biết trong thông cáo báo chí cùng ngày.

“Ngay cả gia đình anh Hóa cũng không được thông báo về phiên xử. Động thái triệt để đó càng cho thấy Việt Nam nhất mực không dung chấp bất kỳ một tự do tường trình nào cả. Các đối tác thương mại của Việt Nam nên rút ra kết luận tương ứng,” ông Bastard nhấn mạnh.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng về nhân quyền Việt Nam và đề cập vấn đề này với các đối tác làm ăn với Việt Nam như EU và Mỹ,” Giám đốc Vận động và Truyền thông của RSF, bà Ewen, cho VOA Việt ngữ biết.

Việt Nam lâu nay nhất mực khẳng định không có gì là bất hợp pháp khi tống giam các nhân vật bị Hà Nội xem là ‘phạm nhân’, là ‘vi phạm luật pháp’, những người mà quốc tế gọi là tù nhân lương tâm, những nhà hoạt động cổ súy cho dân chủ-nhân quyền một cách ôn hòa.

Giám đốc Vận động và Truyền thông của Phóng viên Không biên giới, nói: “Có những quy chuẩn quốc tế rằng dân chúng được quyền loan truyền tin tức và bày tỏ ý kiến một cách tự do, theo điều 19 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Chính quyền Việt Nam nên nhớ rằng trong nhiều năm qua, họ xếp gần chót bảng trong Chỉ số Tự do Báo chí của RSF. Nếu họ muốn cải thiện điểm số này, họ nên đối xử với blogger bằng sự tôn trọng, cho phép blogger truyền tải tin tức, vốn là điều rất hữu ích cho dân chúng Việt Nam.”

Cũng lên tiếng về thảm họa môi trường Formosa, tháng 6 năm nay, blogger Mẹ Nấm (Nguyễn Ngọc Như Quỳnh) đã bị Việt Nam tuyên án 10 năm tù về cùng tội danh, ‘tuyên truyền chống nhà nước.’

Luật sư của Mẹ Nấm, ông Võ An Đôn, vừa bị Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên xóa tên chỉ 4 hôm trước phiên phúc thẩm dự kiến diễn ra ngày 30/11 tới đây. Hành động đó, theo RSF, nhằm ngăn không cho luật sư Đôn truyền tải thông tin về vụ án.

Phóng viên Không biên giới cho biết trong khuôn khổ chiến dịch kêu gọi nhân quyền cho người dân Việt Nam (#StopTheCrackdownVN) do RSF và các tổ chức phi chính phủ khác tiến hành nhằm phản đối các vi phạm về tự do báo chí, một phái đoàn vận động hôm 22 và 23/11 đã gặp các thành viên Nghị viện Châu Âu tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về số phận của các blogger tại Việt Nam và khả năng Nghị viện Châu Âu có thể ra nghị quyết khẩn về tình trạng Việt Nam.

Trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2017 do RSF thực hiện, Việt Nam xếp gần chót, ở vị trí 175 trên 180 quốc gia được khảo sát.

VOA Express

XS
SM
MD
LG