Cuộc đời qua ống kính Nguyễn Ðức Cung

  • Nguyễn Trạc

Nguyễn Ðức Cung

Ansel Adams (1902-1984), một bậc thầy của ngành nhiếp ảnh, từng bảo: “Nhiếp ảnh, như một phương tiện đầy mãnh lực để diễn tả và truyền đạt, nó cống hiến vô vàn hình thái khác biệt cho sự nhận thức, giải thích và thực hiện.”

Nguyễn Đức Cung đã làm quen với phương tiện ấy từ hơn 50 năm qua.

Sinh quán Hưng Yên, lớn lên ở Hà Nội, di cư vào Nam năm 1954, học Trung Học Nguyễn Trãi và Chu Văn An, tốt nghiệp Luật khoa, trong thập niên 60 Nguyễn Đức Cung đã có viết một số bài bình luận và phóng sự cho các báo Chính Luận, Ngôn Luận… nhưng nhiếp ảnh vẫn là mối đam mê lớn nhất của ông với cái máy bắt đầu sử dụng từ khi học Trung học.

Dòng đời chìm nổi trôi qua. Sau khi chế độ Cộng sản thiết lập trên toàn cõi Việt Nam, gia đình ông đến trại tỵ nạn Fort Chaffee, rồi về ở Orange County, Nam California.

Lìa bỏ quê hương cũ, định cư trên đất mới, đi học lại, tốt nghiệp khoa Kinh tế, Đại học UCI, nhưng thỉnh thoảng lại thấy ảnh Nguyễn Đức Cung trên bìa các nguyệt san, tuần báo: Văn Nghệ Tiền Phong, Tự Cường, Nhân Chứng, Đời, Đất Nước Tôi, Sài Gòn Nhỏ…trong phụ bản các tập thơ Tình của Du Tử Lê, Tuyển Tập Nhìn Xuống Cuộc Đời của Quyên Di, hình bìa tập thơ Swimming The Quick Sand của Arthur Winslow.

Những tấm ảnh làm chúng ta thấy thế giới, thay vì chỉ nhìn nó. Nguyễn Đức Cung đã nhìn, thấy, và vẫn tiếp tục chụp ảnh đến nay.

Slideshow đưa lên YouTube mà quý bạn sẽ xem sau đây gồm 97 tấm ảnh chọn trong hơn 200 tấm của Ngyễn Đức Cung mà chúng tôi có, mở đầu bằng những hình ảnh quê hương, chấm dứt bằng tấm ảnh chiếc lông chim nhẹ hều nổi trôi trên dòng nước. Sự lựa chọn này để dễ kể chuyện là từ nhận thức chủ quan của chúng tôi – “trong vô
vàn hình thái khác biệt của nhận thức mà nhiếp ảnh cống hiến” - như ông thầy Ansel Adams phát biểu.

Khi mở YouTube ra xem, đề nghị quý bạn bấm vào ký hiệu ở góc phải để xem hình full screen, và cũng nên đặt âm thanh tốt để nghe nhạc nền, gồm hai bản:

1. Con ternura



2. Buena vida của nhà soạn nhạc Kenny Vehkavaara.

Sau hết, cũng còn câu phát biểu giản dị của một nhiếp ảnh gia vô danh mà nhiều người theo nhiếp ảnh thuộc lòng: “I always thought good photos were like good jokes. If you have to explain it, it just isn’t that good” - “Tôi luôn nghĩ những tấm ảnh tốt đẹp đều giống những câu chuyện tiếu lâm thú vị. Nếu còn phải giải thích, thì nó không hay đến thế.

Ảnh Nguyễn Đức Cung không cần đến lời giới thiệu này. (NBT)

http://www.youtube.com/embed/5G-6d5Q-oaw