Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng hôm 31/10 hội đàm với Chủ tịch kiêm Tổng bí thư Đảng của Trung Quốc, Tập Cận Bình, tại Bắc Kinh, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định ưu tiên phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện nhưng cũng thừa nhận những vấn đề tồn tại giữa hai nước.
Ông Trọng đang ở thăm Bắc Kinh trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi kết thúc Đại hội Đảng 13 của Việt Nam hồi đầu năm ngoái và là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được Chủ tịch Tập đón tiếp sau Đại hội Đảng 20 của Trung Quốc.
Truyền thông chính thống của Việt Nam đồng loạt đưa tin rằng Trung Quốc đã bắn 21 phát đại bác chào mừng ông Trọng, người đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ 3 chưa từng có tiền lệ, hôm 31/10. Tại đây, ông Trọng được ông Tập, người vừa trúng cử nhiệm kỳ 3 cũng chưa từng có tiền lệ ở Trung Quốc để lãnh đạo Đảng Cộng sản ở nước này hôm 22/10, tiếp đón theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Hai nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam và Trung Quốc sau đó đã có cuộc hội đàm tại Đại lễ đường, theo các báo trong nước.
Tuổi Trẻ dẫn lời ông Tập bày tỏ vui mừng được gặp lại Tổng bí thư Việt Nam sau 5 năm và khẳng định sẽ trao đổi sâu sắc với Việt Nam về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc cũng như quan hệ hai đảng, hai nước.
Ông Tập gặp ông Trọng tại Hà Nội khi thăm chính thức Việt Nam năm 2017 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông ngay sau khi Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc, trong đó ông giành được nhiệm kỳ 2 lãnh đạo đảng này.
Trong buổi hội đàm hôm 31/10, ông Trọng nói rằng Việt Nam luôn coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc. Theo Thanh Niên, ông Trọng khẳng định với ông Tập rằng Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, đều là nước xã hội chủ nghĩa do đảng cộng sản lãnh đạo.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc cũng đề cập đến những vấn đề có tranh chấp giữa hai quốc gia.
Hai tổng bí thư cùng cho rằng vấn đề trên biển “là vấn đề tồn tại” trong quan hệ hai nước và rằng việc duy trì hòa bình, ổn định trên biển “có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của cả hai đảng, hai nước”, theo Tuổi Trẻ.
Tranh chấp Biển Đông là xung khắc nổi cộm nhất trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong nhiều năm qua. Việt Nam, trong gần một thập kỷ qua, thường phải lên tiếng phản đối các hoạt động quân sự hóa và khai thác tài nguyên của Trung Quốc trong vùng biển có tranh chấp mà Hà Nội cho là vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Vấn đề biên giới và lãnh thổ cũng được ông Trọng và ông Tập đề cập đến trong cuộc hội đàm hôm 31/10. Theo Tuổi Trẻ, hai bên nhất trí tăng cường quản lý hiệu quả đường biên giới theo các văn kiện, thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên.
Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam và Trung Quốc còn “đi sâu trao đổi” về hợp tác và phát triển trong một loạt các lĩnh vực từ kinh tế cho tới giáo dục.
Nói với tờ Nhân Dân, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho rằng chuyến thăm của ông Trọng “có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc; củng cố tin cậy chính trị giữa hai đảng, hai nước, góp phần đưa quan hệ song phương bước sang giai đoạn phát triển mới”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là nguồn nhập khẩu chính cho nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của quốc gia Đông Nam Á, bao gồm các nguyên liệu thô và máy móc cho ngành sản xuất quan trọng. Thương mại hai chiều giữa hai nước tăng 10,2% trong 9 tháng đầu năm nay lên 132,38 tỷ USD, theo dữ liệu chính thức của chính phủ Việt Nam. Gần 70% trong đó là giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Dù Việt Nam và Trung Quốc có một lịch sử về sự bất tín và tranh chấp lãnh thổ lâu dài nhưng đảng cộng sản của hai nước vẫn chính thức giữ mối quan hệ thân thiết. Việt Nam và Trung Quốc là hai trong số 5 quốc gia do đảng cộng sản cầm quyền cuối cùng trên thế giới, cùng với Cuba, Lào và Triều Tiên.
Theo nhận định của tờ The Diplomat, chuyến thăm của ông Trọng theo lời mời chính thức của ông Tập “không chỉ là minh chứng nổi bật về mối quan hệ đặc biệt giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam mà còn là tín hiệu tích cực về sự tiến triển vững chắc của quan hệ Trung-Việt”.