In Retrospect, Nguyễn Văn Trung nhìn lại

GS Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969. [nguồn: album gia đình Nguyễn Quốc Linh]

Một hành trình trí thức lận đận

“… những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ như thế mãi mãi…” [Cùng bạn độc giả, Lược Khảo Văn Học I] [1]
Nguyễn Văn Trung

Ngô Thế Vinh

Trái, Nguyễn Văn Trung, Đại học Văn Khoa Sài Gòn 1969; phải, Nguyễn Văn Trung 50 năm sau, Montréal tháng 8/2019. [nguồn: trái, album gia đình Nguyễn Quốc Linh, phải, photo by Phan Nguyên]

TIỂU SỬ

Nguyễn Văn Trung sinh ngày 26-9-1930, tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; còn có bút hiệu là Phan Mai và Hoàng Thái Linh. Xuất thân trường Dòng Puginier và chủng viện Hoàng Nguyên trước khi chuyển qua học Chu Văn An, Hà Nội. Từ 1950 đến 1955 ông được gửi đi du học Âu châu, ban đầu ở Pháp rồi qua Bỉ, đậu cử nhân triết học Đại học Louvain, Bỉ. Năm 1955 về Sài Gòn dạy trường trung học Chu Văn An, và sau đó là Đại học Huế.

Năm 1961 ông trở lại Bỉ, trình luận án tiến sĩ về Phật Học cũng tại Đại học Louvain với đề tài: “La Conception Bouddhique du devenir, Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda.

Về nước ông dạy Triết và Văn ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn và Đại học Huế. Tại Đại học Văn Khoa Sài Gòn, ông là Trưởng ban Triết Tây phương, có thời gian được bầu làm Khoa trưởng Đại học Văn khoa Sài Gòn (1969).

Sau 1975, không được trở lại giảng dạy, ông chỉ có thể làm công việc nghiên cứu văn học và triết học tại Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp TP. HCM, với một chuyển hướng quan trọng, ông tập trung vào nghiên cứu văn hoá miền châu thổ Sông Cửu Long với thành quả là bộ sách Lục Châu Học, ông cũng có công phát hiện cuốn sách quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản, do cơ sở J. Linage Saigon xuất bản năm 1887, tiến tới phủ nhận tác phẩm Tố Tâm xuất bản năm 1925 ở ngoài Bắc bấy lâu vẫn được xem là áng văn quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Mười tám năm sau 75, từ cuối 1993 Nguyễn Văn Trung đã cùng với gia đình rời Việt Nam, sang đoàn tụ với người con trai lớn Nguyễn Quốc Bảo là boat people đang định cư tại Montréal, Canada. Và sau đó, Nguyễn Văn Trung vẫn có những chuyến về thăm Việt Nam, sang Mỹ và Pháp.

*

Trái, Nguyễn Văn Trung, và Trần Thị Minh Chi, Sài Gòn 1960s; phải, vợ chồng Nguyễn Văn Trung nửa thế kỷ sau, Montréal Hè 2019. Chị Minh Chi Nguyễn Văn Trung thì nay cũng đã mất. [Nguồn: trái, từ album gia đình Nguyễn Quốc Linh, phải, photo by Phan Nguyên, E.E.]

Trong loạt bài Nhìn những chặng đường đã đi qua, khi đã qua khá xa tuổi “cổ lai hy”, Nguyễn Văn Trung viết: “… tôi sống một đời sống ít nhiều khắc khổ, một cách tự nguyện, không nghiện rượu, thuốc lá, cà phê, chỉ nghiện hay say mê một thứ: cầm bút viết, không hẳn vì người đọc mà trước hết vì chủ yếu tôi sống thì phải viết, như phải ăn phải thở, thế thôi.” [3] Nhu cầu viết với Nguyễn Văn Trung như một phong cách sống, chỉ có điều những tập “Nhận Định” 8- 9-10 và những trang viết của ông về sau này, do tuổi tác đã không còn những nét sắc sảo cuốn hút như phong độ của tuổi thanh xuân.

Ở miền Nam giai đoạn 1955-1975, Nguyễn Văn Trung không chỉ là một nhà giáo, một nhà nghiên cứu phê bình mà ông còn là một nhà báo, viết mấy trăm bài báo đủ mọi thể loại, là một cây viết phân tích bình luận nổi tiếng về chính trị, xã hội và văn hoá; rất có ảnh hưởng trên tầng lớp tuổi trẻ thanh niên sinh viên, cùng các bước nhập cuộc với các hoạt động xã hội và dấn thân.

Trong giới trí thức Công giáo, nổi trội có ba người là Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung và Nguyễn Ngọc Lan được xem là nhóm Công giáo khuynh tả, phản chiến, kêu gọi hòa bình, hòa hợp và hoà giải dân tộc – cụm từ thời thượng gọi họ là Thành phần thứ Ba. Nguyễn Văn Trung đã cùng một số đồng nghiệp tham gia tuyệt thực đòi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trả tự do cho các sinh viên tranh đấu – trong đó có cả đám sinh viên cộng sản nằm vùng và ông cũng từng là thành viên trong Chủ tịch Đoàn Ủy ban vận động cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam (1970).

TÁC PHẨM

Nguyễn Văn Trung có một sự nghiệp trước tác phong phú và đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực: từ sách giáo khoa, tới sách nghiên cứu triết học, văn học, văn hoá xã hội.

Tác phẩm đã xuất bản trước 1975

Sách giáo khoa: Triết học tổng quát (Vĩnh Bảo, 1957). Luận lý học (tủ sách Á Châu, 1957). Đạo đức học (tủ sách Á Châu, 1957). Luận triết học tập I (Nxb Nam Sơn). Phương pháp làm luận triết học (Nxb Nam Sơn).

Tiểu luận: Nhận định I (Nxb Nguyễn Du, 1958). Nhận định II (Nxb Đại Học, 1959). Nhận định III (Nxb Nam Sơn, 1963). Nhận định IV ( Nxb Nam Sơn, 1966). Nhận định V (Nxb Nam Sơn, 1969). Nhận định VI (Nxb Nam Sơn, 1972).

Lý luận văn học: Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết (Cơ sở xuất bản Tự Do, 1962). Lược khảo văn học tập I: những vấn đề tổng quát (Nxb Nam Sơn, 1963). Lược khảo văn học II: ngôn ngữ văn chương và kịch (Nxb Nam Sơn, 1965). Lược khảo văn học III: nghiên cứu và phê bình văn học (Nxb Nam, Sơn 1968).

Văn học và chính trị: Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam thực chất và huyền thoại (Nxb Nam Sơn, 1963). Chữ và văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc (Nxb Nam Sơn, 1974). Trường hợp Phạm Quỳnh (Nxb Nam Sơn, 1974). Chủ đích Nam Phong (Nxb Trí Đăng, 1975). Vụ án truyện Kiều (tập hợp những bài viết trong vụ tranh luận về truyện Kiều giữa Ngô Đức Kế và Phạm Quỳnh năm 1924, Sài Gòn 1965).

Triết học: Ca tụng thân xác (Nxb Nam Sơn, 1967). Hành trình trí thức của Karl Marx (Nxb Nam Sơn, 1969). Đưa vào triết học (Nxb Nam Sơn, 1970). Góp phần phê phán giáo dục và đại học (Nxb Trình Bầy, 1967). Ngôn ngữ và thân xác (Nxb Trình Bầy, 1968). La conception bouddhique du devenir, luận án tiến sĩ (Imprimerie Xã Hội, Việt Nam, 1962). Danh từ triết học (cùng với LM Cao Văn Luận, Đào Văn Tập, Trần Văn Tuyên, LM Xuân Corpet (Nxb Đại Học Huế, 1958).

Tôn giáo: Biện chứng giải thoát trong Phật giáo (Nxb Đại học Huế, 1958). Người công giáo trước thời đại (nhiều tác giả) (Đạo và Đời, 1961). Lương tâm công giáo và công bằng xã hội (Nxb Nam Sơn, 1963).

**

Một số sách Nguyễn Văn Trung trước 1975, do Nam Sơn xuất bản và sau này do Xuân Thu tái bản ở hải ngoại khi Nguyễn Văn Trung còn ở lại Việt Nam.

Tác phẩm đã xuất bản sau 1975

Câu đố Việt Nam (nxb TP. HCM, 1986). Những áng văn quốc ngữ đầu tiên: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (Đại học Sư phạm TP. HCM, 1987; Nxb Hội Nhà Văn). Về sách báo của tác giả công giáo thế kỷ XVII- XIX (nhiều tác giả, Nxb TP. HCM, 1993). Chủ đích Nam Phong (1975), Trương Vĩnh Ký – nhà văn hóa (1993), Hồ sơ Lục châu học: Tìm hiểu con người ở vùng đất mới (2015).

***

Một số sách Nguyễn Văn Trung xuất bản trước 1975, sau này tái bản ở trong nước từ sau năm 2000. [tư liệu Trần Huy Bích]

Các bản thảo soạn sau 75, chưa in: Ngôn ngữ và văn học dân gian, Ăn mặc theo truyền thống Việt Nam, Đạo Chúa vào Việt Nam, Hồ sơ về hàng giám mục Việt Nam, Nhận định VII, VIII. Viết thêm ở hải ngoại Nhận định IX và X, còn dở dang.

Nguyễn Trọng Văn cũng là một giáo sư triết, trên số Bách Khoa 264 (1-1-1968) trong bài viết: Những người con hoang của Nguyễn Văn Trung, khi nhận định về ảnh hưởng của các giáo sư đại học đối với nền văn học miền Nam, tuy là một bài viết đả kích Nguyễn Văn Trung nặng nề nhưng Nguyễn Trọng Văn – cũng đã phải công nhận: “Ông Trung là người có công trong việc giới thiệu những trào lưu tư tưởng mới của Tây Phương với độc giả Việt Nam… Ông trình bày một cách gọn gàng, mạch lạc. Những triết học hiện sinh, tiểu thuyết mới, những danh từ có tính cách văn nghệ, triết lý dần dần được du nhập và phổ biến. Những Hiện tượng luận, đối thoại, tha nhân, phản kháng, vong thân, ngụy tín, huyền thoại, thông cảm, những Alain Robbe Grillet, Nathalie Sarraute, Michel Butor, Sartre, Camus… đã được Nguyễn Văn Trung trình bày hàng chục năm trước trong Sáng Tạo, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi

GS Nguyễn Văn Trung rất gần gũi với sinh hoạt sinh viên, ngoài những giờ học trong giảng đường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, mấy thầy trò còn tổ chức những buổi hội thảo “bỏ túi” qua các chuyến đi dã ngoại ngoài trời, khi thì rừng cao su gần Đường Sơn Quán, khi thì khuôn viên La San Mai Thôn quận Thủ Đức. Hình trên là một buổi sinh hoạt dã ngoại tại La San Mai Thôn mùa Hè năm 1974, GS Nguyễn Văn Trung đeo kính ngồi phía sau nơi góc trái. [nguồn: Văn Khoa ngày tháng cũ, 04/ 2017 Huỳnh Như Phương]

Võ Phiến trong cuốn Văn Học Miền Nam Tổng Quan (Nxb Văn Nghệ, 1986), thời kỳ 1954-1975, được viết ở hải ngoại sau này, ông đã phải công nhận Nguyễn Văn Trung là một cây viết có nhiều ảnh hưởng trong suốt thời kỳ 20 năm văn học của miền Nam, qua nhận định: “Một giáo sư trẻ tuổi mới từ Âu châu về, là Nguyễn Văn Trung bắt đầu viết những bài tiểu luận triết học rất được giới thanh niên sinh viên và văn nghệ sĩ chú ý theo dõi. Quốc gia, cộng sản, tư bản, Mác-xít, Khổng-Phật Đông phương… thanh niên đã ngột ngạt về những thứ ấy, họ mong đợi một cái gì mới, một lối thoát nào đó. Mong đợi mơ hồ mà khẩn cấp. Khao khát triết lý, một khao khát thời đại. Ông Nguyễn đáp ứng đúng vào chỗ trông chờ ấy. Ông được hoan nghênh. Các “nhận định” của ông, giới trẻ đọc, phổ biến, bàn tán, suy luận… Vả lại Nguyễn Văn Trung không chỉ viết về triết học, nhiều lần ông quan tâm đến các vấn đề văn học. Nhà xuất bản Nam Sơn in 3 tập Lược Khảo Văn Học, và nhà xuất bản Tự Do sau này có in của ông cuốn Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, cho nên càng dễ hiểu cái cảm tình của giới văn nghệ đối với ông lúc bấy giờ.” [5]

NGUYỄN VĂN TRUNG NHÀ BÁO

Nguyễn Văn Trung đã có công sáng lập và điều hành tạp chí Đại Học ở Huế, và sau này là các tạp chí Hành Trình, Đất Nước,Trình Bầy và cộng tác với nhiều tờ báo như Bách Khoa, Sáng Tạo, Thế Kỷ Hai Mươi, Văn, Văn Học, Nghiên Cứu Văn Học, Thái Độ, Đối Diện, Tin Sáng, Sống Đạo, Dân Chủ Mới, cả viết cho tờ Tân Văn của Nguyễn Ngọc Lương với bút hiệu Nguyễn Nguyên, mà ông rất biết là một tay cộng sản nằm vùng … Chỉ riêng trên báo Bách Khoa, Nguyễn Văn Trung đã rất sớm giới thiệu Triết học Tây Phương với giới độc giả, ông có khoảng 50 bài viết đủ các thể loại trên tờ Bách Khoa với tên thật và cả bút hiệu Phan Mai và Hoàng Thái Linh.

Ông cũng là thành viên chủ trương nhà xuất bản Nam Sơn cùng với Trịnh Viết Đức và nhà xuất bản Trình Bầy sau này cùng với Thế Nguyên. Nam Sơn là nơi xuất bản hầu hết các tác phẩm đủ thể loại của Nguyễn Văn Trung trước 1975, cũng là nơi in tờ tạp chí Đại Học của Viện Đại Học Huế giai đoạn đầu – trước khi Đại Học Huế có nhà in riêng; Nam Sơn cũng là nơi in “chui” tờ tạp chí Hành Trình không giấy phép cho tới khi đình bản.

TẬP SAN ĐẠI HỌC

Đại Học Huế được thành lập và khai giảng vào tháng 9/1957, như một đáp ứng nguyện vọng của nhân sĩ Huế muốn có một đại học ở miền Trung, dự trù với đủ các khoa cơ bản như Đại học Sư phạm, Khoa học, Văn khoa, Luật khoa và cả Đại học Y khoa về sau này… Viện trưởng đầu tiên là GS Nguyễn Quang Trình từ tháng 3/1957- 7/1957, sau đó là LM Cao Văn Luận, Cha Luận có văn bằng cử nhân Triết Đại học Sorbonne 1942, tốt nghiệp trường Á Đông Sinh ngữ 1946, và đang là một giáo sư uy tín giảng dạy môn Triết bên trường Quốc Học Huế. Cha Luận được đánh giá là người có tầm nhìn xa. Ngay từ đầu ông đã có kế hoạch đào tạo một ban giảng huấn tại chỗ bằng cách cử các thành phần sinh viên ưu tú đi du học, Ngoài ra ông còn có uy tín và khả năng thu hút nhân tài từ nhiều nguồn, từ ngoại quốc đến trong nước, về giảng dạy nơi ngôi trường Đại học Huế còn rất non trẻ và sơ khai này.

*

Tập san Đại Học của Viện Đại Học Huế, ra được 40 số; trái: bìa số Đại Học 1 ra mắt tháng 2/1958; phải: bìa số Đại Học 40 cũng là số cuối cùng tháng 8/1964. [tư liệu Nguyễn Văn Trung]

Trong nước, thuở ban đầu, từ Sài Gòn ra Huế giảng dạy mới có hai người: Nguyễn Văn Trung lúc đó có học vị cử nhân Triết đại học Louvain từ Bỉ về, và Nguyễn Văn Trường có bằng Cao học Toán đại học Toulouse Pháp. Đây chính là cái nôi để các nhà giáo dục trẻ trau giồi kinh nghiệm và lớn lên cùng với những bước phát triển của Đại học Huế.

Không ai khác, chính Nguyễn Văn Trung đã đề nghị với cha Luận cho xuất bản một tờ tập san lấy tên Đại Học, ra mắt hai tháng một kỳ như một sứ mệnh văn hoá, một diễn đàn tư tưởng và học thuật, phổ biến bên trong và cả ngoài phạm vi Đại học Huế. Đề nghị trên được Cha Cao Văn Luận đồng ý ngay. Có thể nói Đại Học là một tập san định kỳ đầu tiên do một Viện Đại học miền Nam được xuất bản. Ban đầu tờ báo phải gửi vào in tại nhà xuất bản Nam Sơn ở Sài Gòn, sau này tạp chí Đại Học có nhà in riêng, và có số độc giả đủ đông để nuôi sống tờ báo. Tạp chí Đại Học đình bản ở số 40 nhưng thực tế chỉ có 38 số vì có hai số đôi là 4 & 5, 35 & 36.

Tập san Đại Học sống được 6 năm từ tháng 2/1958 tới tháng 11/1963. Nguyễn Văn Trung là chủ bút từ tháng 2/1958 tới 7/1961.

Là trí thức Công giáo, nhưng Nguyễn Văn Trung đã phê phán mạnh mẽ giáo hội Công giáo miền Nam, ông bị coi như một kẻ “rối đạo” – L’Enfant terrible de l’Église. Ông đã phải trả giá cho thái độ này. Điển hình là, do áp lực từ giới Công giáo bảo thủ, đứng đầu là TGM Ngô Đình Thục, ra lệnh cho Bộ trưởng Giáo dục Trần Hữu Thế quyết định không cho Nguyễn Văn Trung được tiếp tục dạy học ở Huế và cả ở Viện Đại học Đà Lạt. Nguyễn Văn Trung đã phải về lại Sài Gòn, và chủ bút thứ hai của tập san Đại Học là GS Trần Văn Toàn từ tháng 7/1961. Không có Nguyễn Văn Trung, tập san Đại Học giảm sức hấp dẫn của giai đoạn đầu. Nhưng rồi do chính trị sôi động ở miền Trung, tới tháng 8/1964 tập san Đại Học phải âm thầm đóng cửa sau sáu năm hoạt động.

Tạp chí Đại Học cũng là cơ quan ngôn luận cổ suý mạnh mẽ cho việc chuyển ngữ, dùng tiếng Việt trong giảng dạy các khoa ngành ở đại học. Tạp chí Đại Học không đơn thuần là tờ báo của Viện Đại học Huế, nhưng có ảnh hưởng lan rộng ra ngoài phạm vi đại học. Nó đáp ứng được thứ “văn hoá đọc” không chỉ của giới thanh niên sinh viên mà của cả dân miền Trung, lan toả vào tới trong Nam.

Toàn bộ tạp chí Đại Học, gồm khoảng hơn 6.000 trang báo với hơn 350 bài viết thuộc đủ các thể loại: triết học, sử địa, luật học, ngôn ngữ học, ngữ pháp học, văn học và cả y dược với rất nhiều tên tuổi lừng danh cộng tác, nay hầu hết đã là “người trăm năm cũ” như: GS Hoàng Xuân Hãn, GS Bửu Hội, GS Trần Kính Hoà / Chen Ching Ho, GS Nguyễn Phương, GS Nguyễn Khắc Hoạch, GS Nguyễn Nam Châu, LM Bửu Dưỡng, LM Nguyễn Văn Thích, LM Thanh Lãng, các học giả Nguyễn Bạt Tụy, Nguyễn Hiến Lê, GS Dược khoa Đặng Vũ Biền, GS Y khoa Lê Khắc Quyến…

Sau hơn nửa thế kỷ, trước nguy cơ bị mối mọt mục nát với thời gian, toàn bộ 40 số báo Đại Học đã được phục hoạt bằng kỹ thuật “số hoá” hay dưới dạng DVD. Ngày nay, khi nhắc tới tạp chí Đại Học trong khoảng thời gian 1958 – 1964, như nhắc tới “một niềm tự hào về một đứa con tinh thần sáng giá” của Viện Đại Học Huế, hơn thế nữa của 20 năm sinh hoạt văn hoá phong phú và đa dạng của miền Nam. Sáng lập và điều hành hơn nửa “chặng đường của 6 năm tạp chí Đại Học”, với sứ mệnh văn hoá ấy, công lao của Nguyễn Văn Trung không thể không được xứng đáng ghi nhận.

**

Hình 7: Từ trái, bìa báo Hành Trình số 10, tháng 6-1966 cũng là số Hành Trình cuối cùng; bìa báo Đất Nước số 3, tháng 1-1968; bìa báo Trình Bầy số 2, tháng 8-1970. [4] [tư liệu Nguyễn Văn Lục]

TẠP CHÍ HÀNH TRÌNH

Sau biến cố 1963, trong niềm vui và tin tưởng chấm dứt được một chế độ độc tài, mở đường cho một không khí có tự do hơn. Nhưng thực tế thì tình hình miền Nam rất xáo trộn, khiến không ai có thể thờ ơ với những vấn đề thời cuộc. Đó là lúc GS Trần Ngọc Ninh, GS Ngô Gia Hy và GS Nguyễn Văn Trung ra mắt tờ Tìm Hiểu in ronéo, nhưng rồi thấy ngay được sự hạn chế nếu chỉ sinh hoạt trong giới giáo sư đại học, thấy có nhu cầu cần mở rộng ra cho cả giới trẻ. [2] Đó là lý do tờ Hành Trình được ra đời, không phải chỉ có những phân tích thời cuộc, mà còn có cả phần thơ văn của mọi giới phản ánh những suy tư và tầm nhìn đa dạng trước cuộc sống. Hành Trình với chủ trương: làm cách mạng xã hội không cộng sản. Cùng với Nguyễn Văn Trung, là nhóm trí thức Công giáo thiên tả như Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Trương Bá Cần… Nguyễn Văn Trung đứng tên chính thức xin phép ra báo, kéo dài hơn một năm vẫn chưa được cấp giấy phép. Và Hành Trình vẫn cứ ra mắt từ tháng 10/1964 dưới dạng in ronéo không qua kiểm duyệt của Nha Thông tin Báo chí. Chính hình thức báo chui này lại có sức hấp dẫn của nó, báo được giới thanh niên sinh viên tìm đọc, báo bán rất chạy, khởi đầu in 100 số rồi lên tới 1000 số, vẫn thiếu phải in tiếp. Về công lao in ấn và tài trợ là của Trịnh Viết Đức, lúc đó đang là giám đốc nhà xuất bản Nam Sơn.

Những người viết cho Hành Trình gồm nhóm linh mục như Đỗ Phùng Khoan, tức linh mục Nguyễn Huy Lịch, Trương Cẩm Xuyên, tức linh mục Trương Đình Hòe, Hương Khê, tức linh mục Trương Bá Cần, linh mục Nguyễn Ngọc Lan, trí thức công giáo như giáo sư Nguyễn Văn Trung, giáo sư Trần Văn Toàn; cùng với các nhà văn nhà thơ như Võ Hồng Ngự, tức nhà thơ Diễm Châu, Trần Trọng Phủ, tức nhà văn Thế Nguyên, Thảo Trường, Thái Lãng, Nguyễn Vũ Văn, Lê Tất Hữu, Thế Uyên, Nguyễn Quốc Thái, Lê Uyên Nguyên, Vân Đỳnh, Bùi Khải Nguyên. Trong số những người kể trên, sau này có một số đi theo cộng sản.

Hành Trình bị tịch thu liên tiếp, và chỉ sống được hơn một năm, ra được 10 số với số cuối cùng là tháng 6/1966. Tuy ngắn ngủi, nhưng Hành Trình đã tạo được tiếng vang trong và ngoài nước, cả ra tới miền Bắc.[4]

Sau này, có dịp nhìn lại, những người chủ trương là tham dự vào Hành Trình họ có những cảm xúc lẫn lộn / mixed feelings: có phần hãnh diện về chặng đường đã trải qua, có phần chua xót về những ảo tưởng mà họ đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào.

Những vấn đề Hành Trình đặt ra có tính cách phê phán triệt để và toàn diện, nhưng đã không đề ra được một đường hướng nào. Với quan điểm hình thành một chủ nghĩa xã hội không cộng sản mang tính cách ảo tưởng về một con đường thứ ba. Nhóm Hành Trình đã từng bị phê phán là không hiểu bản chất chủ nghĩa cộng sản và những âm mưu thâm độc của họ. Phải chăng Nguyễn Văn Trung thực sự không biết là chẳng thể có một con đường thứ ba nào giữa một cuộc “chiến tranh triệt tiêu mất còn – zero-sum game” giữa cộng sản và tư bản. Trong một chừng mực nào đó, Hành Trình đã làm lợi cho cộng sản.

TẠP CHÍ ĐẤT NƯỚC

Hành Trình tự đóng cửa tháng 6/1966, một phần do áp lực của chính quyền tịch thu báo, mà còn có lý do nội tại: Trịnh Viết Đức, ông bầu của Hành Trình phải lên đường nhập ngũ. Đó là lý do tờ Đất Nước thay thế Hành Trình. Ban biên tập vẫn với chủ nhiệm là Nguyễn Văn Trung; chủ trương biên tập là Lý Chánh Trung, và Thế Nguyên nay là Thư ký tòa soạn. Thế Nguyên có nhà in, nên có khả năng thay thế Trịnh Viết Đức để lo in tờ Đất Nước. Khác với tờ Hành Trình, thành phần ban biên tập cho Đất Nước nay thực sự là một vùng xôi đậu: với khuynh hướng nghiêng về cộng sản như Lý Chánh Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Thế Nguyên… [4]

Thêm một sự kiện rất đặc biệt, Nguyễn Văn Trung đã mời được một cây bút chủ lực cho tờ Đất Nước, đó là nhà thơ Nguyên Sa Trần Bích Lan, một Nguyên Sa hoàn toàn mới với thái độ nhập cuộc dấn thân với các bài thơ rất mới lạ như Tắm, Sân Bắn, hay tập truyện Vài Ngày làm việc ở Chung Sự Vụ tức là khu nhà xác của Nghĩa trang Quân Đội. Cùng với Nguyên Sa, còn có nhiều cây bút cộng tác khác với đủ các thành phần và khuynh hướng phức tạp có gốc quân đội VNCH như: Thảo Trường, Du Tử Lê, Đinh Phụng Tiến, Luân Hoán; lẫn lộn với cả thành phần thiên cộng hay cộng sản nằm vùng như Thái Lãng, Ngụy Ngữ, Tôn Thấp Lập, Phạm Thế Mỹ, Ngô Kha, Trần Hữu Lục, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương… Với tờ Đất Nước, miền Nam gần như đã thất thủ trên một mảng truyền thông và báo chí.

TẠP CHÍ TRÌNH BẦY

Tờ Trình Bầy xuất hiện vào tháng 08-1970, do Thế Nguyên (còn có bút hiệu khác là Trần Trọng Phủ) làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Tổng thư ký là Diễm Châu (còn có bút hiệu khác là Võ Hồng Ngự). Hoàng Ngọc Biên, phụ trách mỹ thuật cho tờ Trình Bầy. Sang tới Trình Bầy thì Nguyễn Văn Trung không còn có vai trò quan trọng hay ảnh hưởng rõ rệt nào trên nội dung 42 số báo Trình Bầy. Vẫn có tên Nguyễn Văn Trung trong ban biên tập cùng với : Lý Chánh Trung, Thanh Lãng, Đỗ Long Vân, Phạm Cao Dương, Nguyên Sa, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Tuấn Nhậm, Diễm Châu, Nguyễn Quốc Thái, Tôn Thất Lập, Thế Nguyên, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đồng, Trần Đỗ Dũng, Hoàng Ngọc Nguyên (còn có bút hiệu khác là Thuận Giao), Du Tử Lê, Cao Thanh Tùng.

**

Những mẫu bìa rất mỹ thuật của 42 số báo Trình Bầy đều do Hoàng Ngọc Biên vẽ và thiết kế. Hoàng Ngọc Biên và Diễm Châu (1937-2006), là hai bạn đồng hành trí tuệ trong Nhóm Trình Bầy, Thế Nguyên đứng tên Chủ nhiệm. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Diễm Châu, sinh ở Hải Phòng, di cư vào Nam 1954. Quen Thế Nguyên từ trại học sinh di cư Phú Thọ. Diễm Châu tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm ban Anh Văn, được tu nghiệp ở Mỹ sau đó trở về Sài Gòn, tìm gặp Hoàng Ngọc Biên thuyết phục cùng làm tờ báo Trình Bầy. Biên đã cùng Diễm Châu, ngồi nhiều tuần lễ bên một vách tường café vỉa hè đường Sương Nguyệt Anh, Sài Gòn, soạn bài Phi lộ với tiêu đề "Con Đường Đi Tới" cho số báo ra mắt. Trích dẫn:

... "Con đường đi tới là con đường mưu cầu một nền hòa bình, trong đó mỗi một người Việt Nam, không kỳ thị ý thức hệ, sẽ có một chỗ đứng xứng đáng với phẩm giá con người trên quê hương mình." [6]

... "Không thể có hòa bình vô điều kiện. Một nền hòa bình Việt Nam nhất định sẽ không thể chấp nhận bất cứ một sự hiện diện nào của các lực lượng nước ngoài và đồng thời cũng không thể chấp nhận bất cứ một cơ cấu, một định chế hay một thế lực nào trong nước ngăn cản công cuộc giải phóng con người Việt Nam." [Hết trích dẫn]

Trình Bầy là một tờ báo thiên tả, phản chiến giữa giông bão của cuộc chiến tranh quốc cộng. Tờ báo đã quy tụ được nhiều cây viết thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau thời bấy giờ. Không phải chỉ có ở tờ báo Bách Khoa, Trình Bầy thực sự là một vùng xôi đậu với tên tuổi những nhà văn nhà thơ như Nguyên Sa, Diễm Châu, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, Trùng Dương, Thảo Trường, Nguyễn Mộng Giác, Du Tử Lê, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Quốc Thái, Luân Hoán, Trần Hoài Thư, Ngô Thế Vinh... nhiều người xuất thân từ quân đội, bên cạnh đó là những cây bút thiên cộng Ngô Kha, Ngụy Ngữ, Thái Lãng... hay cộng sản như Nguyễn Nguyên – bút hiệu của Nguyễn Ngọc Lương, chủ trương tờ Tin Văn, giống như trường hợp Vũ Hạnh nằm vùng bên tờ báo Bách Khoa.

Trình Bầy hoạt động liên tục trong hai năm 1970 - 1972, ra được 42 số báo cho tới khi bị đình bản. Để rồi, thực tế sau 30/4/1975 là sự vỡ mộng của những người trí thức thiên tả theo ngôn ngữ thời thượng thì đó là thành phần thứ ba, trong số đó có Diễm Châu và Hoàng Ngọc Biên. Bởi vì sau thống nhất, không phải chỉ có miền Bắc mà nay là cả một đất nước phải sống trong một định chế bóp nghẹt mọi tự do của con người. Trí thức thiên tả nếu không bị tù đày thì cũng bị trù dập bạc đãi và chỉ là những kẻ đứng bên lề. Cuối cùng họ trở thành những kẻ lưu vong nếu không ở nước ngoài thì cũng ngay trên chính quê hương mình. Diễm Châu sang Pháp 1983, Hoàng Ngọc Biên đi định cư ở Mỹ 1991. Ra hải ngoại rồi, cả Hoàng Ngọc Biên, Diễm Châu và Nguyễn Đăng Thường đều cố giữ sức sống cho cơ sở Trình Bầy. Manchette Trình Bầy đối với họ như hình ảnh một giấc mộng lỡ. Và trong sự thức tỉnh muộn màng, Diễm Châu trở thành rất hữu khuynh cho tới khi anh mất năm 2006. Riêng Thế Nguyên sau 1975, thảm thiết hơn, hoàn toàn bị thất sủng, sau đó chết trong lặng lẽ.

NHỮNG GIÔNG BÃO TRONG TÁCH TRÀ

[1]: PHẠM CÔNG THIỆN VIẾT VỀ NVT 1966

Năm 1961, Nguyễn Văn Trung từ Sài Gòn sang Đại học Công giáo Louvain [Université catholique de Louvain], Bruxelles để bảo vệ luận án tiến sĩ với đề tài Phật học: La Conception Bouddhique du Devenir, (Essai sur la notion du devenir selon la Stharivanâda). Nguyễn Văn Trung được đào tạo và lớn lên trong nền tảng học thuật Tây phương thấm đẫm văn minh Thiên chúa giáo, không giỏi chữ Hán, không thông thạo tiếng Sanskrit nên bị hạn chế trong việc tìm tới nguồn tài liệu gốc, kiến thức Phật học của ông chủ yếu dựa vào sách báo tiếng Pháp – được viết theo quan điểm các học giả Tây phương. Đây cũng chính là nhược điểm của Nguyễn Văn Trung và luận án của ông đã là đối tượng cho nhiều nguồn chỉ trích nhất là từ giới Phật giáo.

Đó cũng là nguồn cơn, khởi đầu cho vụ va chạm giữa Phạm Công Thiện và Nguyễn Văn Trung. Câu chuyện không lớn, dù hiểu theo chiều hướng nào, tích cực hay tiêu cực, nhưng cũng nên có trong bài viết này như thêm mấy nét chấm phá về chân dung phức tạp và đa dạng của Nguyễn Văn Trung, người viết ghi lại đây như một “dật sự” văn học, và không thêm vào đó một nhận định riêng tư nào.

Trong loạt bài Những chặng đường đã qua, Nguyễn Văn Trung viết: “Sau đảo chánh 1963, ông Phạm Công Thiện xuất bản cuốn Hố thẳm tư tưởng, dành một chương phê phán luận án tiến sĩ của tôi với một thái độ khinh bỉ, trịch thượng, mạt sát thậm tệ. Cuốn sách bán chạy, dư luận bàn tán sôi nổi vụ “ông Phạm Công Thiện phê phán ông Nguyễn Văn Trung”, chờ đợi tôi lên tiếng đối đáp; nhưng cho đến nay tôi vẫn giữ im lặng, không có một lời nói công khai nào…

Trong sách, ông Thiện đã phủ nhận tất cả các triết gia: “Ngay đến Heraclite, Parmenide và Empédocle, bây giờ tao còn xem thường, tao coi ba tên ấy như là ba tên thủ phạm của nền văn minh hiện đại, chưa nói đến Socrate, đó là một tên ngu dại nhất mà ta đã gặp trong đời sống tâm linh của ta”. Ông coi những nghệ sĩ như Goethe Dante như những thằng hề ngu xuẩn. Ông muốn mửa màu đen trên những người làm văn nghệ ở Paris. Còn về J.P. Sartre và S. de Beauvoir, “nếu họ muốn xin gặp tao, tao sẽ không cho gặp mà còn chửi vào mặt họ”... Về Thiền tông “Tao đã gửi Thiền tông vào một phong bì tối khẩn đề địa chỉ của bất cứ ngôi chùa nào trên thế giới. Về dạy học, thời gian tao học ở Hoa kỳ, tao đã bỏ học vì tao thấy những trường Đại học mà tao học như Yale, Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn, ngay đến giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời, tao có thể dạy họ hơn là họ dạy tao... Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giê su hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng không nghe theo nữa. Tao chỉ dạy tao. Tao là học trò của tao và chỉ có tao làm thầy cho tao. Tao không muốn làm thầy ai hết và cũng không để ai làm thầy tao. Còn các Văn Sĩ ở Sài Gòn, đọc các bài thơ của các anh, tôi thấy ngay sự nghèo nàn của tâm hồn anh, sự quờ quạng lúng túng, sự lặp đi lặp lại vô ý thức hay có ý thức: trí thức “mười lăm xu”, ái quốc nhân đạo “ba mươi lăm xu”, triết lý tôn giáo “bốn mươi lăm xu”.

Nếu những đại triết gia, văn hào, thánh hiền còn bị ông coi là những tên ngu xuẩn, và tác phẩm của họ đáng vứt vào cầu tiêu thì tôi bị ông kết án là “tượng trưng cho sự nô lệ, nông cạn phá sản của giới trí thức Việt Nam hiện nay” có gì lạ. Trong thư ngỏ, tôi nói với ông Thiện tôi không hề cảm thấy bị xúc phạm về thái độ mạt sát khinh bỉ của ông, và hơn nữa chấp nhận thái độ phản kháng phủ nhận triệt để của ông với điều kiện: qua đời sống, ông cho thấy ông đã vươn tới một thái độ tâm linh siêu nhiên vượt khỏi mọi giới hạn ngôn từ, khen chê, xưng tụng hay chửi thề. Bày tỏ sự bất nhã, bất kính ngay cả với Phật Chúa chính vì để cho thấy khả năng phản bội của ngôn từ. Xưng tụng tôn thờ mà thực ra là xúc phạm, và nói lời phạm thượng, xúc phạm lại bày tỏ sự tôn kính thực sự…

Tôi gửi thư ngỏ kèm những bức thư ông Phạm Công Thiện gửi cho tôi về tòa soạn báo Đại Học (Huế), nhờ Lê Ngộ Châu chuyển, thay vì tôi có thể đăng công khai. Mấy bữa sau, tôi và ông Thiện gặp nhau ở tòa báo Bách Khoa với sự chứng kiến của anh Lê Ngộ Châu. Trong bữa gặp gỡ đó, ông Thiện thú nhận với tôi đại ý như sau: Tôi viết bài phê bình anh để thỏa mãn những uất ức bất mãn của giới Phật giáo coi anh là tiêu biểu cho trí thức Việt Nam nói chung và trí thức Công giáo nói riêng. Tôi xin hứa với anh sẽ bỏ bài đó trong lần tái bản sách sắp tới. Ông Phạm Công Thiện đã giữ lời hứa. Lần tái bản Hố thẳm tư tuởng sau này, Phạm Công Thiện tự ý bỏ bài phê bình đó… [3]

Phạm Công Thiện đã mất ở tuổi 70 (2011), Nguyễn Văn Trung thì nay cũng đã bước qua tuổi 90, ngồi xe lăn, đôi lần vào rồi ra khỏi viện dưỡng lão. Khi nhắc tới chuyện cũ, có còn nhớ hay không, anh vẫn chỉ đáp lại bằng một nụ cười – của trẻ thơ.

**

Trái, từ phải Phạm Công Thiện, Thi Vũ Võ Văn Ái, Ỷ Lan Penelope Faulkner, Võ Phiến [tư liệu của Viễn Phố]; giữa, bìa cuốn Hố Thẳm của Tư Tưởng, Nxb An Tiêm Sài Gòn, 1966. Phạm Công Thiện đã dành nguyên một chương sách đả phá nặng nề luận án tiến sĩ về đề tài Phật học của Nguyễn Văn Trung; phải, bìa tập luận án của Nguyễn Văn Trung, có trong một số thư viện với tiêu đề: La Conception Bouddhique du Devenir, (Essai sur la notion du devenir selon la Sthaviravâda).

[2]: CHIẾN DỊCH BÃI NHIỆM NGUYỄN VĂN TRUNG 1969

Tình hình miền Nam sau 1963, vô cùng rối ren với những vụ khủng bố, Việt Cộng thảm sát Bác sĩ Lê Minh Trí, Giáo sư Y khoa Trần Anh, Giáo sư Quốc Gia Hành Chánh Nguyễn Văn Bông, nhà báo Từ Chung và ám sát hụt nhà báo Chu Tử, sinh viên Bùi Hồng Sĩ... Cũng để hiểu tại sao trong giai đoạn này không ai muốn nhận chức Khoa Trưởng Đại học Văn Khoa. Khoảng 1969, sau khi GS Nguyễn Khắc Hoạch từ chức, Hội đồng Khoa bầu Nguyễn Văn Trung, ông đã can đảm nhận và muốn có một cải cách. Vì tình trạng Văn khoa cùng với Luật khoa là hai nơi có sĩ số sinh viên đông nhất. Đa số không vào được các trường chuyên môn thì vào hai đại học này. Riêng ở Văn Khoa, số sinh viên hàng năm lên đến cả 100.000, số nhập học năm dự bị lên đến 3000, nhưng chỉ có một nửa số dự thi và một phần tư thi đậu. Số không thi và thi rớt lên đến 75%. Đó là một khủng hoảng bế tắc, cần một sự cải tổ.

Nhưng bất cứ một dự án cải tổ về chương trình, về văn bằng, về ngạch trật giáo sư, mỗi bước cải cách đều có đụng chạm đến phía này phía kia, nhóm này nhóm nọ là không tránh được.

Hội đồng Khoa Đại học Văn Khoa Sài Gòn, thời gian khoảng 1969, từ trái GS Vũ Khắc Khoan, GS Bùi Xuân Bào, GS Lê Văn, [người thứ 4 không nhận ra], GS Nguyễn Văn Trung. [GS Bùi Xuân Bào, GS Lê Văn là do GS Lê Xuân Khoa nhận diện]

Trong các khoa, lúc đó có một nhóm sử địa, sinh viên vẫn phải mua cours do mấy sinh viên đứng ra in, lấy 800 đồng một năm. Do muốn chấm dứt tình trạng lạm dụng bán cours đó, Khoa trưởng muốn tổ chức một ban ấn loát riêng của nhà trường, với một giá phải chăng. Vì đụng chạm tới quyền lợi của họ, ông đã bị nhóm sinh viên này phản ứng dữ dội, lại được thêm tờ báo Con Ong số 87 bên ngoài hỗ trợ, mạt sát các GS Nguyễn Văn Trung, Bùi Xuân Bào, Thanh Lãng thậm tệ. Nguyễn Văn Trung còn bị nhóm sinh viên Sử Địa đòi bãi nhiệm việc dạy học ở Sài gòn, khiến Linh Mục Cao Văn Luận phải trực tiếp can thiệp, Nguyên Sa Trần Bích Lan bênh vực Nguyễn Văn Trung phản đối bằng cách từ nhiệm dạy ở Văn Khoa.

Lúc đó, chỉ có hai người được báo Con Ong khen là GS Lý Chánh Trung và Lê Trung Nhiên. Lý Chánh Trung đã từ chối nhận lời khen này. Lý Chánh Trung viết: "Trong một số báo như vậy, giữa những lời chửi bới, tôi cảm thấy nhục nhã khi được các anh khen, cũng như tôi sẽ cảm thấy nhục nhã nếu được báo Con Ong ca ngợi." Đồng thời, Lý Chánh Trung cho rằng các sinh viên có quyền phản biện nhưng không có quyền dùng giọng điệu như Con Ong viết về các thầy của anh rằng: Họ rúc đầu vào mu rùa, tối mắt vì cái lá đa." Không ai có thể chấp nhận được điều đó. Bài viết của Lý Chánh Trung có nhan đề: Giông tố trong một tách trà hay là cuộc khủng hoảng Văn khoa", bài được đăng trên báo Tiếng nói Dân tộc ngày 26-11-1969. Sau đó, mọi “tiếng động và giận dữ” cũng tạm lắng xuống, nhưng các đợt sóng ngầm thì không.[4]

Hội Đồng khoa cùng với khoa trưởng Nguyễn Văn Trung vẫn quyết tâm các bước cải tổ Đại học Văn khoa. Bản đề nghị cải tổ có được 28 thành viên Hội đồng khoa ký tên và chỉ hai tuần sau, Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục ký ban hành quy chế mới.

[3]: KẺ RỐI ĐẠO VỚI ĐỨC TIN

Nguyễn Văn Trung là người gốc Công giáo, nhưng ông bị người đồng đạo tố cáo, lên án là kẻ “rối đạo” hoặc mạnh mẽ hơn nữa kết tội ông là kẻ phản đạo, thân Cộng hoặc là Cộng sản.

Những người Phật giáo thì lại không tách ông ra khỏi khối Công giáo, xem những gì Nguyễn Văn Trung viết liên quan đến Phật giáo đều mang quan điểm Thiên Chúa giáo, có tính chất xuyên tạc, đả kích nhằm triệt hạ Phật giáo.

Trước 1963, giai đoạn chín năm Đệ Nhất VNCH, giới công giáo bảo thủ đứng đầu là TGM Ngô Đình Thục sẵn có đố kỵ với Nguyễn Văn Trung, nên khi TGM Ngô Đình Thục khi ra Huế, Đức cha đã yêu cầu Tổng trưởng Giáo dục lúc bấy giờ là Trần Hữu Thế, đuổi ông Trung ra khỏi Huế. Cả Viện trưởng Đại Học Đà Lạt cũng bị ảnh hưởng, LM Nguyễn Văn Lập đã không cho mời ông Trung. Như vậy sẽ không ngạc nhiên khi suốt bốn khoá Đại Học Sư phạm ban Triết chương trình 3 năm của Viện Đại Học Đà Lạt – theo nhà báo Phạm Phú Minh, tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Triết Đà Lạt khoá IV, cho biết là đã không có một giờ giảng dạy nào của Nguyễn Văn Trung, trong khi đó người đồng nhiệm với ông Trung là Lý Chánh Trung thì vẫn được ưu đãi đặc biệt.

Trong cuộc đời cầm bút của tôi gần 50 năm, đặc biệt thời kỳ 1955-1975, tôi đã viết khá nhiều, nhưng bị phê bình, đả kích, mạ lỵ, mạt sát cũng khá nhiều. Có lẽ tôi thuộc số ít nhà cầm bút ở miền Nam là kẻ bị cáo trạng nhiều hơn cả, từ tất cả các bên, các giới xã hội, chính trị, tôn giáo trong một tình cảnh VN bị phân chia thành hai miền thù địch chiến tranh và riêng miền Nam có phân hoá đố kỵ giữa các phe phái, giới nhóm với nhau. Tôi còn giữ được hầu hết sách báo phê bình đả kích tôi, góp lại thành một tập trên 500 trang mang tựa đề: «Người cầm bút, kẻ bị cáo».

Chẳng hạn có người lên án tôi là người chống Cộng tinh vi hay ngược lại tôi là người Cộng Sản, thân Cộng, có những lời nói hành động có lợi cho Cộng Sản.

Trong ý định nhìn lại những chặng đường đã đi qua, nghĩa là những gì tôi viết liên quan đến các giới Việt Nam, tôi không phiền trách tố cáo lại ai, để phân trần tự biện minh, mà chỉ cố gắng tìm hiểu phần trách nhiệm của tôi đã gây ra mọi sự do chính những lựa chọn căn bản có ý thức của tôi và nhất là do những lệch lạc hay thiếu sót đã không thực hiện đúng, đầy đủ của những lựa chọn đó… [3]

[4]: CÔNG TÁC TRÍ VẬN HẢI NGOẠI

Ra hải ngoại rồi, Nguyễn Văn Trung cũng vẫn gặp những rắc rối. Sự kiện ra nước ngoài mà vẫn hay đi đây đi đó (nhiều lần sang Hoa Kỳ, Pháp, về Việt Nam) tạo ra nghi ngờ ông được “cử đi công tác trí vận”, vì một người không đi làm, không hưởng trợ cấp nào, tại sao có tiền mà đi?… Lúc đó, Đức Ông Hoài, phụ trách Phong Trào Giáo Dân ở hải ngoại, một chức do Roma đặt ra, viết tâm thư trong đó có nhắc đến Nguyễn Văn Trung, khẳng định ông Trung được cộng sản sai đi. Tâm thư chỉ phổ biến trong nội bộ Công giáo. Người Công giáo đi hồi 75 chỉ nghe tiếng Nguyễn Văn Trung là người hay phê phán, đả kích giáo hội, đặc biệt về hai điều: liên hệ với chế độ thực dân, mất gốc về văn hoá… ” [3]

Trước và sau 1975, kể cả ở hải ngoại, những ai quen biết với giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng biết rằng chưa bao giờ ông là người giàu có, nếu không muốn nói là có một sống khá đạm bạc. Ông đã từng từ chối căn nhà cấp cho giới giáo sư đại học ở Thủ Đức. Nếu muốn, Nguyễn Văn Trung vẫn có thể có một cuộc sống khá giả hơn.

Chuyện đi đây đi đó của Nguyễn Văn Trung từ khi ra hải ngoại: ông vẫn về lại Việt Nam, ông còn một người con gái lớn có gia đình sinh sống ở Việt Nam. Thực ra, những chuyến đi Mỹ hay đi Pháp, vé máy bay di chuyển, nơi ăn chốn ở là do bạn bè hay đám học trò cũ giúp ông.

Thư tay Nguyễn Văn Trung gửi Ngô Thế Vinh viết ngày 7/ 8/ 2004. [tư liệu Ngô Thế Vinh]

Một trong những thư tay từ Montreal viết ngày 7-8-2004, Nguyễn Văn Trung tâm sự: Anh Vinh thân, Tôi đi hơn 2 tháng về Sài Gòn. Mới trở lại Montréal hôm 4/8/2004. Kỳ này sang Cali sẽ liên lạc gặp Vinh. Có nhiều thông tin và đề nghị sau chuyến về nước. Tôi đợi đầu tháng 9, chích một mũi thuốc chống ung thư prostate tái phát, đây là mũi thứ hai, Lupron Dépôt, 1500 đôla – may có chính phủ trả.

Tôi hay đi đây đi đó, đều do bạn bè, sinh viên cũ lo mua vé cho. Bạn bè ở Cali tôi đã nhờ nhiều trong những chuyến đi trước. Ngại xin họ lần này, anh Vinh có thể chia sẻ việc mua vé gửi cho tôi trong một chuyến. Từ sau 75, tôi viết nhiều biên khảo về văn hoá VN, chưa in được vì không có tài chánh, chỉ có những bản chụp photocopy có thể tặng anh Vinh 1, 2 tập. Thân mến, và mong gặp. Nguyễn Văn Trung.

Trong một thư khác, ông viết: “Tôi chưa dự định đi Cali lần nữa, vì bây giờ tôi bận quét nhà, làm bếp, giặt giũ… do cô nhà tôi – vợ ông Trung, phải về Sài Gòn giúp một cháu sắp sinh con, ở lại bên đó chắc phải một năm.”

Cảnh sống “hàn nho phong vị phú” như vậy, mà ông được gán cho sứ mạng Cộng sản gửi ông đi cho công tác trí vận hải ngoại. Một người bạn biết và hiểu ông Trung đã nhận định: Cuộc đời của ông Trung nhiều lận đận lắm cho cả đến bây giờ, người tacác nhóm chống cộng cực đoan, vẫn tẩy chay bằng cách cô lập ông ấy. Và dĩ nhiên, người Cộng sản cũng chẳng tin gì Nguyễn Văn Trung.

Trong cuốn Nhận Định VII chưa xuất bản, với nội dung hai chương đầu, Nguyễn Văn Trung đưa ra một nhận định rốt ráo: “Tôi coi đảng Cộng sản như một tổ chức tôn giáo, lý thuyết Cộng sản như một lý thuyết tôn giáo. Theo lối nhìn của tôi về triết học và tôn giáo thì đảng Cộng sản là một tổ chức chính trị mang tính cách tôn giáo… cái lầm than của đảng Cộng sản nằm ở cái cao cả của nó, là vì thế.”

NGUYỄN VĂN TRUNG VÀ NHỮNG BƯỚC LỠ

Nhưng trong suốt hơn 40 năm cầm bút, trong các phát biểu, trong một số những bài phê bình và nhận định, Nguyễn Văn Trung cũng đã phạm phải những bước đi quá đà – nếu không muốn nói là thiên lệch và cả sai lầm và ông đã là đối tượng cho nhiều chỉ trích như:

_ Chữ quốc ngữ với Alexandre de Rhodes thời kỳ đầu Pháp thuộc, với những thành quả đóng góp to lớn cho dân tộc đã bị ông phủ nhận, cho đó là mưu đồ của thực dân Pháp muốn tách rời người Công giáo ra khỏi cộng đồng dân tộc.

_ Trường hợp Trương Vĩnh Ký rồi tới Phạm Quỳnh và chủ đích Nam Phong, với vụ án Truyện Kiều, ông tố cáo Phạm Quỳnh là tay sai của Pháp nhằm ru ngủ giới thanh niên trí thức thời đó với khẩu hiệu “Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”

_ Những nhận định về Cộng sản, Nguyễn Văn Trung thú nhận là có nhiều nhận định của ông trước 1975 về Cộng sản là sai và ông sẵn sàng từ bỏ nó. Chỉ có điều trong các bước sai lạc lúc đó, ông luôn luôn cho rằng ông có sự trung thực.

_ Khi nghiên cứu về Lục Châu Học, rồi nhìn lại những chặng đường đã qua, ông biết nhận các sai lầm, như với định kiến cho rằng “người Công giáo Việt Nam có liên hệ với thực dân đế quốc và cả lai căng về văn hoá,”

Khi biết mình sai, Nguyễn Văn Trung đã có can đảm tự phủ nhận các luận điểm cũ và hết lòng chứng minh ngược lại qua các biên khảo, bài viết về sau này như: Vấn Đề Công Giáo Đặt cho Dân Tộc” (1988), Đạo Chúa ở Việt Nam (1999)…

Đúng như Nguyễn Văn Trung đã từng nói: “với một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua.” [1] Nguyễn Văn Trung biết phục thiện và sẵn sàng nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ.

Nhưng Nguyễn Văn Trung cũng đã than phiền là cho dù đã sửa sai như vậy nhưng ông vẫn cứ tiếp tục bị chỉ trích từ nhiều phía về những luận điểm cũ mà ông phát biểu trước kia.

MỘT CHÚT RIÊNG TƯ

Hình ảnh đầu tiên của Nguyễn Văn Trung thời rất trẻ mà tôi gặp là nơi hành lang trường Quốc Học Huế khoảng 1957, khi ấy Nguyễn Văn Trung mới 27 tuổi có nét mặt của một thư sinh mặt trắng với cặp kính cận dày, ăn mặc giản dị với sơ mi trắng, quần màu sậm, mang dép săng-đan – lúc đó, trông Nguyễn Văn Trung không khác với đám học sinh đang ở năm cuối bậc trung học. Anh Trung hơn tôi ngót một giáp.

Tôi vẫn đọc và theo dõi những bước đi của anh Nguyễn Văn Trung và thỉnh thoảng trong những hoàn cảnh khác nhau của miền Nam, tôi vẫn gặp lại anh. Khi viết cuốn Vòng Đai Xanh vào thập niên 1960s, anh là nguồn cảm hứng cho tôi khi sáng tạo ra nhân vật Hoàng Thái Trung.

Sau này, ra đến hải ngoại, bao nhiêu năm sau gặp lại vẫn là hình ảnh của một Nguyễn Văn Trung của thập niên 1950s vẫn sơ mi trắng, quần màu sậm, không còn mang dép săng-đan mà mang giày do khí hậu lạnh ở Bắc Mỹ, và mái tóc anh đã nhuốm thêm màu thời gian. Vẫn nụ cười ấy của thời trai trẻ, anh hào hứng kể lại những ngày tháng cũ, anh Trung bật mí cho biết hiện anh còn giữ một danh sách in ronéo cảnh cáo và lên án tử hình một số sinh viên các phân khoa mà ông gác dan trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trao cho anh, trong danh sách đen ấy có Ngô Thế Vinh, và anh còn hỏi tôi có muốn không, anh có thể tặng tôi một bản. Anh Trung còn kể khi về Sài Gòn hồi 1995, khi gặp mấy sinh viên cũ, họ cho biết Bùi Hồng Sĩ có về Việt Nam và gặp lại người ám sát hụt anh ấy. Sang Hoa Kỳ, khi gặp lại Bùi Hồng Sĩ, Bùi Hồng Sĩ xác nhận có về gặp người đã giết hụt mình. Anh Trung cho biết đã không hỏi thêm vì tôn trọng sự gặp gỡ này và muốn để cho những người trong cuộc thuật lại sự hòa giải giữa họ.

Nhắc lại lần gặp anh ở California năm 1995, Nguyễn Văn Trung viết: “ Tôi cũng gặp lại BS Ngô Thế Vinh, sau 1975 đi học tập cải tạo rồi được đi Hoa Kỳ.

Nguyễn Văn Trung đưa ra quan điểm hậu thuẫn “về giúp Việt Nam về y tế”, anh đã đụng ngay vào một vùng rất nhạy cảm, gợi lại nỗi đau của một tập thể chống Cộng tỵ nạn, đặc biệt là với Y giới ở hải ngoại.

Nguyễn Văn Trung khi viết về 20 năm văn học ở hải ngoại, cũng đã gây ra một cuộc tranh luận gây xôn xao về đề tài “Văn Học Hải Ngoại”, “Văn Học và Chính Trị” trên tạp chí Văn Học 112, 113, 124 (1995-1996) do nhà văn Nguyễn Mộng Giác làm chủ bút. [2]

Cũng dễ hiểu vì sao, Nguyễn Văn Trung bị gán cho nhãn hiệu là được Cộng sản gửi đi làm “công tác trí vận ở hải ngoại”. Ông gần như bị cô lập và rồi cả rơi vào quên lãng.

Nguyễn Văn Trung tới thăm GS Trần Ngọc Ninh (tháng 7/1994), từ phải: Ngô Thế Vinh, Nguyễn Văn Trung, Trần Ngọc Ninh, Võ Phiến. Sau chính biến 11.11.1963, Nguyễn Văn Trung đã cùng với GS Trần Ngọc Ninh, GS Ngô Gia Hy ra tờ Tìm Hiểu in ronéo, quan tâm tới những vấn đề chính trị xã hội và có thể nói Tìm Hiểu là tiền thân của tập san Hành Trình sau này với phương châm: Làm cách mạng xã hội không cộng sản. [ tư liệu Ngô Thế Vinh ]

Cũng sau bao nhiêu năm (1994) gặp lại, bất ngờ anh Nguyễn Văn Trung hỏi tôi: “nhân vật Hoàng Thái Trung trong Vòng Đai Xanh, có phải Vinh viết về “moa” không?” Tôi chỉ cười, không xác nhận hay phủ nhận trước câu hỏi của anh Trung. Và nay nhân bài viết về Chân Dung Văn Hoá Nguyễn Văn Trung, gửi tới bạn đọc đoạn trích dẫn trong Vòng Đai Xanh [Nxb Thái Độ, Sài Gòn 1970], Chương 17, khung cảnh là cố đô Huế sôi động gần như vô chính phủ, với nhóm sinh viên tranh đấu đang chiếm đài phát thanh ở những năm 1960s, với một nhân vật hư cấu có tên Hoàng Thái Trung.

VÒNG ĐAI XANH / CHƯƠNG 17

Và nhân vật Hoàng Thái Trung / trích dẫn

Vy dẫn tôi vào phía trong Đài phát thanh [Huế]. Đủ các lãnh tụ sinh viên và thành phần Ủy ban tranh đấu đang làm việc rộn rịp ở đó. Trên một chiếc bàn vuông dài, bừa bãi những tài liệu và báo chí. Mọi tư tưởng được tự do phóng thả: tư bản luận, chủ nghĩa Mác-xít, tinh thần quốc gia dân tộc, triết lý Phật giáo. Những điều vừa tìm thấy ở sách vở, cả những suy tư và khám phá mới đều được nói ra. Đài phát thanh bấy lâu vẫn bị chủ lực sinh viên chi phối nắm giữ. Không khí làm việc thật hứng khởi và đầy vẻ cách mạng. Những bài viết ra đều rất ít sửa chữa và đem phát thanh ngay: những ý kiến trái ngược nhau trên cùng một quan điểm cũng bởi tại chỗ đó. Làm sao Sài Gòn có thể phán quyết về họ khi không cùng ở trong những điều kiện sinh hoạt như thế. Và đây cũng là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp khó xử của tướng Thuyết. Tôi đặt vấn đề đó ra với Vy, có lẽ hắn cũng ý thức được những khó khăn, hắn đưa ra một quan điểm chiết trung:

- Vấn đề cho cả hai phía là đừng bao giờ đẩy nhau vào sát chân tường, chính tôi cũng đã nói với các anh em trong Ủy ban nhưng phần lớn họ thì quá trẻ và quá nhiều hăng hái, thật khó mà bảo họ đừng tiến tới.

Tôi ở lại nói chuyện với bọn họ đến xế chiều, sau đó Vy rủ tôi xuống tắm dưới sông Hương. Buổi tối về nhà Vy, cùng với tôi có một nhạc sĩ nổi danh về dân ca. Căn nhà cổ xưa ba gian nhoi giữa một vườn cỏ hoang mọc tới gối. Trong nhà đã tối thui ngay từ chạng vạng, không có điện không có những tiện nghi tối thiểu của một xã hội văn minh. Ngoài những sách vở, Vy như đã không sống trong cái thời đại của mình. Tôi không thể hiểu được cái mức độ ẩn nhẫn để hắn có thể sống trong cái tịch mịch của côn trùng và cỏ cây bên một dòng sông phẳng lặng như tờ. Mới chín giờ mà tưởng như đã rất khuya, hai chúng tôi nói chuyện tới gần bốn giờ rưỡi sáng. Ở phần của giấc ngủ còn lại tôi nghe xa gần như trong giấc mơ tiếng ếch nhái và những cơn sóng nhỏ do một chiếc thuyền nào đó vừa đi qua vỗ róc rách vào những tảng đá trong bờ.

Buổi sáng hôm sau tại đại hí viện, tướng Thuyết đã đọc một bài diễn văn tuyệt tác trước một đại hội đông đảo sinh viên. Bài diễn văn đã phải ngắt đi nhiều lần bằng những tràng pháo tay rung chuyển cả nhà hát lớn. Với đề tài triết lý hai cuộc cách mạng, ông Tướng đã thành công trong mục đích khích động máu nóng của tuổi trẻ và giải quyết được những mâu thuẫn nội tại giữa những khó khăn éo le của thực tế. Sự xuất hiện của ông Tướng sẽ thật hoàn hảo đúng như dự liệu của nhà văn nếu không có những bộ sắc phục của đám Cảnh sát Dã chiến bố trí quanh nhà hát lớn. Đang từ những phút cảm tình hoan hô chuyển ngay sang cái không khí công kích căng thẳng là điều không ai có thể ngờ. Ông Tướng giận dữ, đám sinh viên phẫn uất, cả hai bên đều bị tự ái tổn thương khó mà cứu vãn và ngay sau đó Đại hội bị giải tán trước con mắt buồn rầu của nhà văn và nhất là ông Giáo sư. Ông Tướng thì lên trực thăng bỏ ngay vào Đà Nẵng, không biết những ngày sắp tới sẽ thế nào. Tôi gặp lại ông Hoàng Thái Trung ở đó. Như một con thoi ông phải dạy cùng một lúc cả ba đại học, hiện tại thì ông đang ở tuần lễ thứ hai ngoài Huế. Khi nhắc tới bài diễn văn của ông Tướng, ông Trung bày tỏ sự khâm phục đối với ngòi bút đượm sinh khí và đầy lửa của nhà văn và cũng lại tỏ ý hoài nghi về vai trò chánh trị tương lai của tướng Thuyết:

- Làm sao anh biết bài diễn văn là của nhà văn?

- Có bài diễn văn nào ông Tướng đọc mà không phải của ông ta, vả lại văn là người, cái bút pháp đặc nhựa lôi cuốn ấy chẳng thể không phải của nhà văn.

Ông Trung hỏi tôi về những cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Ông cũng hỏi thăm về tình trạng của nhà sư Pháp Viên với nhiều nỗi lo ngại. Tôi bảo đó cũng là mối quan tâm lớn của tướng Thuyết, đang có vận động cho nhà sư được thả ra và không biết là ngày nào. Ông Trung nhắc tới dự định làm báo ở Huế và hỏi tôi:

- Khi nào anh mới định ra nhận dạy ngoài này? Có lẽ anh em mình tính chuyện ra lại một tờ báo.

- Tôi cũng chưa hứa chắc với bên Mỹ Thuật nhưng có thể là sau Tết.

Tôi cũng thích được ra đây đổi một không khí yên tĩnh và hy vọng vẽ trở lại.

- Có lẽ tất cả phải đi lại từ bước đầu.

Tôi nói với ông Trung về dự định viết một cuốn sách khảo cứu cao nguyên mà quan điểm đưa ra là người Thượng người Kinh có cùng một nguồn gốc. Đó là điều rất trái ý với ông Mục sư. Ông Trung tỏ vẻ tán đồng và có những khuyến khích:

- Vấn đề này được tôi tham khảo với nhiều công phu tìm kiếm, khi phải giảng dạy cho sinh viên ở Văn khoa, tôi cố gắng đưa ra phổ biến những quan niệm mới như thế.

Tôi lại nhắc tới đề nghị của một tờ báo sinh viên về việc thiết lập một Viện Nghiên cứu các Sắc tộc và một phân khoa Nhân Chủng trực thuộc Viện Đại học. Tôi nói:

- Với sự hướng dẫn của giáo sư, sự góp công nghiên cứu của lớp người trẻ hăng hái ở đại học là điều quá cần thiết. Hy vọng năm mười năm sau khi cần tìm biết về vấn đề nhân chủng, khu đại học Nhân văn có thể cung cấp những cuốn sách giá trị do chính người Việt Nam viết.

Ông Trung có vẻ rất quan tâm tới đề nghị này và cũng cho biết bao nhiêu khó khăn đặt ra sau đó. Sáng kiến không thể khởi đầu từ ông khi mà chánh quyền và cả những đồng nghiệp đã cô lập ông, coi ông như thành phần trí thức thiên tả và đối lập. Điều mà ông có thể làm là những cố gắng cá nhân vùng vẫy.

Buổi tối về nhà ông Trung và ở lại trong cư xá giáo sư đại học trên Bến Ngự. Từ một lầu ba căn phòng có một cửa trông ra sông. Bên kia cầu dốc Nam Giao như chìm sâu vào bóng đêm âm u. Tiếng côn trùng rên rỉ đều đều, tiếng cạp muỗi của những con ễnh ương dưới sông chỉ gợi nỗi nhớ của những trang lịch sử ảm đạm buồn rầu. Làm sao người ta có thể nung chí trong sự nẫu nà như vậy để mà trở thành phi thường như bộ óc của nhà sư Pháp Viên. Tôi cũng liên tưởng tới cái vẻ hứng chịu của những người đàn ông Huế qua lối nhìn cay đắng của Nguyện. Lúc này thì tôi đang nghĩ và nhớ tới Nguyện với thiết tha và hy vọng. Một mai tôi ra đây, ở một căn phòng như vậy, liệu con sơn ca có nghỉ cánh bay để sống những ngày giờ hạnh phúc. Trong óc tôi lại hiện rõ khuôn mặt rạng rỡ của Nguyện nổi bật trên một nền thật tăm tối. Với không khí này tôi hy vọng vẽ trở lại. Ở một căn phòng đầy sách báo bừa bãi tôi hỏi ông Trung:

- Sao anh không đem chị theo, có bàn tay người đàn bà đời sống cũng trở nên dễ chịu.

- Thì dĩ nhiên rồi nhưng phải cái tôi dạy nhiều nơi, chỗ ở ngoài này cũng chưa nhất định, nhà tôi lại bận con nhỏ nên cũng muốn thu xếp ở luôn trong đó. Nếu đời sống có nhiều ân hận thì phải kể trong đó chuyện tôi lấy vợ sớm.

Câu chuyện của ông Trung khiến tôi có cảm tưởng anh sống trong một cảnh gia đình không có hạnh phúc. Tôn trọng đời sống riêng tư của ông, tôi không nói ra những thắc mắc. Vừa rót dòng cà phê nóng vào từng chiếc ly sứ trắng, ông Trung nói:

- Trí tuệ tôi lúc này bị ngưng trệ, ngòi bút đuổi chạy một cách khó khăn. Nhìn lại những gì đã viết tôi chỉ thấy co quắp buồn chán, lẽ ra tôi phải biết sớm hơn để ngừng lại ở đó. Tất cả vấn đề phải duyệt xét lại, xét lại từ đầu để tìm ra những đường hướng mới.

Dưới con mắt của đám sinh viên trẻ, ông Trung được coi như thần tượng, một trí thức dấn thân, chữ của ông Trung. Vậy mà ông cũng có những nỗi băn khoăn thất vọng. Ông Trung cô đơn trong sự yêu mến của nhiều người khác. Đôi mắt sáng và buồn của ông soi qua một làn kính trắng dày, trông ông Trung trơ trọi như một ảnh tượng đẫm nét bơ vơ trong một không gian bạc màu. Tôi muốn kéo ông ra khỏi cái vũng nhiều buồn thảm khi nói tới đám nhà báo sinh viên vẫn thường chỉ trích ông. Đi vào nhận định, ông Trung luôn luôn giữ nguyên phong độ sắc bén:

- Tôi đã nói là tất cả vấn đề phải duyệt xét lại, xét lại từ đầu. Tôi tự thấy có trách nhiệm là đã gây một sức đề kháng và chống đối tiêu cực trong quần chúng. Cái lối chống đối để khỏi phải xây dựng đó chính là một trở ngại cho những mục tiêu xây dựng quốc gia. Tôi đã tới thăm tòa soạn của họ, biết rõ cái không khí sinh hoạt dân chủ phóng túng của những cây bút tài tử này và hiểu rõ họ có thể đi tới đâu. Tôi thì vẫn thích những tay nhà báo này, tôi có ý nghĩ họ như một chất men cho những sinh hoạt quốc gia.

Ông Trung bảo:

- Nhận đối thoại với họ là không biết sẽ đưa mình tới đâu, nhiều khi tôi cũng thấy rát mặt vì họ chỉ trích nhưng tôi hiểu họ thêm hơn sau đó. Vả lại né tránh theo tôi cũng là một khuyết điểm lớn của giới đàn anh, như con đà điểu chúi đầu xuống cát nhưng rồi vẫn phải đối đầu với mọi sự thật.

Những giọt cà phê đã bắt đầu nguội lạnh và để lại một dư vị đắng trên đầu lưỡi. Giọng ông Trung lúc nào cũng giữ được vẻ tha thiết, ông nói với họ mà như độc thoại với nội tâm của chính mình và ông thì cũng đang tìm kiếm loay hoay như chính bọn nó. Lập trường của ông đã có những dấu hiệu thay đổi và nghiêng về một lựa chọn. Ông Trung có vẻ hết kiên nhẫn, sức mạnh ông là ở tư tưởng ngòi bút mà xem ra sau này ông lại tin vào hiệu quả của hành động. Cũng như Kux nhận định, sức mạnh Phật giáo không ở nơi khí giới bạo động mà xem ra đám môn đồ lại muốn đi tới cái đích đó.

Có vợ chồng ông giáo sư luật khoa sang chơi, tôi đã có lần gặp ông trong nhóm cố vấn ông Tướng. Chúng tôi nói đủ mọi chuyện đến thật khuya. Khi vào giường ngủ mỗi thớ thịt đều tê mỏi, tâm hồn cũng tê mỏi, tôi không còn muốn làm thêm một cử động nào nữa. Buổi sáng tôi trở dậy rất sớm khi bầu trời còn đầy sương. Lao xao những tiếng động trên mặt sông và dưới bến. Của những người đàn bà gồng gánh đi chợ, của những cô gái Huế xuống sông gánh nước. Từ cửa sổ nhìn xuống những lá cây ướt rũ sương, dưới bến những người con gái áo trắng đang ngồi giặt vui vẻ nói chuyện hay se sẽ cất lên tiếng hát. Phía Từ Đàm xa xa vẳng lại tiếng chuông chùa ru êm ả những đám mây và làm bặt cả những tiếng chim ca hót. Có lẽ Nguyện sẽ nghe tôi ra sống ở đây ít lâu, trong cái u tịch của thế giới lăng tẩm này để tìm lại không khí cho hội họa và hạnh phúc. VĐX _ NGÔ THẾ VINH

NGUYỄN VĂN TRUNG NGƯỜI ĐỨNG NGOÀI NẮNG

Người đứng ở ngoài nắng – là cụm từ Mai Thảo khi viết về Nhật Tiến, nhưng vẫn hoàn toàn đúng với Nguyễn Văn Trung. Với khung cảnh văn hoá miền Nam sau 1954 đã là một vận hội để Nguyễn Văn Trung bay bổng trong sự nghiệp, trải qua hơn bốn thập niên cầm bút của một trí thức dấn thân, Nguyễn Văn Trung đã nhìn nhận là “Không có Việt Nam Cộng Hoà không có Nguyễn Văn Trung hay sự nghiệp văn hoá của một người trí thức cầm bút.”

**

Trái, những dòng chữ viết khó khăn của Nguyễn Văn Trung thời điểm 15/10/2021: “… để đón nhận trong một tinh thần đối thoại những cố gắng suy nghĩ của một người vẫn ước muốn tự đặt cho mình một kỷ luật đồng thời cũng là một lý tưởng là phải tìm kiếm không ngừng, bằng cách tự phủ nhận, bất mãn với quãng đường mình vừa qua và cứ thế mãi mãi…” [1] Cùng bạn độc giả, mở đầu cuốn Lược Khảo Văn Học I; giữa, chữ ký của Nguyễn Văn Trung 1969, khi là Khoa trưởng Đại học Văn Khoa Sài Gòn; phải, mẫu chữ ký 2021 khi đã là lưu dân sống ở Montréal, Canada. Từ 2011, Nguyễn Văn Trung hầu như không còn đọc hay viết được gì, do mắt yếu và tay run – đam mê một đời mà nay không còn theo đuổi được nữa. [tư liệu Nguyễn Quốc Linh]

Vẫn với quan niệm: “Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hoặc sau đại học, mà là một người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm tiếp xúc. Thực ra, điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức, mà là thái độ trí thức đối với các vốn ấy và, nhất là, đối với những vấn đề cuộc sống trước mặt đặt ra.” [3]

Và trong cuộc hành trình trí thức ấy, những điều Nguyễn Văn Trung viết luôn luôn mở ra các cuộc tranh luận – mà anh gọi là đối thoại, từ đó cũng đã tạo ra không thiếu những chỉ trích và cả lên án gay gắt từ mọi phía. Phật giáo hay Công giáo, Cộng sản hay Quốc gia, giữa Chiến tranh và Hoà bình hay với thành phần thứ Ba, Nguyễn Văn Trung luôn luôn đã phải trả giá cho những điều anh phát biểu – giữa hỗn mang của thời cuộc, không có trắng và đen mà chỉ là trong một vùng xám giữa đúng và sai – nhưng có điều chắc chắn đó là tiếng nói lương tâm trong chọn lựa dấn thân của Nguyễn Văn Trung. Anh cất lên tiếng nói cho những điều mà lúc đó anh thực tâm tin tưởng, và anh đã phải chịu nhiều ngộ nhận và oan khiên đến cả vùi dập.

**

Trái, Nguyễn Văn Trung nay ngồi xe lăn, sống với người con trai út. Trong hình, hàng đứng từ phải, Nguyễn Văn Lục em Nguyễn Văn Trung và con trai Anh Trung. [photo by Nguyễn Quốc Linh, ngày 10/10/2021], giữa, Nguyễn Văn Trung, ký hoạ của Phan Nguyên; phải: dấu tay và thủ bút của Nguyễn Văn Trung, Montréal Canada 24/ 08/ 2019: Lục Châu Học là công trình nghiên cứu đồ sộ cuối đời của Nguyễn Văn Trung, được ông còn nhớ tới và hãnh diện. [tư liệu Phan Nguyên, E.E.]

Được sống với niềm đam mê viết của mình, trải qua nhiều thập niên cầm bút, với bao nhiêu là hào hứng nhưng cũng là những chặng đường bầm dập và lận đận của Nguyễn Văn Trung cho tới cuối đời. Nay tới tuổi 91, trong sự quên lãng, anh đang rũ bỏ ký ức không còn nhớ, không còn ham muốn tích luỹ thêm bất cứ một điều gì. Anh luôn luôn cười và như một “lão ngoan đồng”, anh đang hồn nhiên trở lại sống như một đứa trẻ.

NGÔ THẾ VINH
California, 1995 – 2021

THAM KHẢO:

1/ Nguyễn Văn Trung, Lược Khảo Văn Học I Những vấn đề tổng quát (Nam Sơn 1963), II Ngôn ngữ văn chương và kịch (Nam Sơn 1965), III Nghiên cứu và phê bình văn học (Nam Sơn 1968). Nxb Tổng Hợp TP HCM tái bản, 2018

2/ Nguyễn Văn Trung, Văn Học Hải Ngoại. Văn Học, số 112, tháng 8, 1995. Mai Kim Ngọc, Văn Học và Chính trị, nhân đọc Văn Học Hải Ngoại của Nguyễn Văn Trung. Văn Học, số 113, tháng 9/1995. Nguyễn Văn Trung, Trao đổi với nhà văn Mai Kim Ngọc. Văn Học, số 124, tháng 8/1996

3/ Nguyễn Văn Trung, Nhìn lại những chặng đường đã đi qua. Kỳ 1: tha thứ và xin tha thứ. Kỳ 2: những lựa chọn căn bản. Kỳ 3: nhìn nhận lại diện mạo một nền văn học. Kỳ 4: Ông Phạm Công Thiện. Kỳ 5: Văn hoá văn nghệ trong vòng tay chính trị. Thông Luận, 04/ 09/ 2007

4/ Nguyễn Văn Lục, Tóm Lược về sự hình thành của Tạp chí Đại Học [10/2015]. Về các tờ báo Hành Trình, Đất Nước và Trình Bầy, Phần I [27/03/2015] & Phần II [28/03/2015], Đàn Chim Việt Online.

5/ Võ Phiến, Văn Học Miền Nam Tổng Quan. Giai đoạn 1954-1963, Đại Học với Nguyễn Văn Trung. Nxb Văn Nghệ Hoa Kỳ, 1987

6/ Ngô Thế Vinh, Tuyển tập I Chân dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hoá. Hoàng Ngọc Biên, với con đường tiểu thuyết mới và thời gian tìm thấy lại. Việt Ecology Press xuất bản 2017. Vòng Đai Xanh, Nxb Thái Độ, 1970