Đường dẫn truy cập

Gõ Lên Cánh Cửa Thời Gian


Phạm Xuân Đài, Trần Mộng Tú và Linh Bảo đang nâng niu cuốn Gió Bấc xuất bản năm 1954.
Phạm Xuân Đài, Trần Mộng Tú và Linh Bảo đang nâng niu cuốn Gió Bấc xuất bản năm 1954.

Trần Mộng Tú


Từ miền Tây Bắc Washington tôi vừa đi xuống miền Nam California thăm người chị dâu ở tuổi 80 đang bị bệnh. Nhân dịp này, anh Phạm Phú Minh thu xếp với anh Đỗ Quý Toàn cho tôi cùng đi thăm những người bạn văn cao niên: Nhà văn Doãn Quốc Sỹ ,98 tuổi và nhà văn Linh Bảo 95 tuổi.

Anh Minh liên lạc với con gái của anh Doãn Quốc Sỹ là cháu Cẩm Liên đưa Bố tới nhà chị Linh Bảo. Chúng tôi cùng gặp nhau ở nhà chị ngày 17 tháng 6, 2021.

Đến thăm người già là Gõ Lên Cánh Cửa Thời Gian, cánh cửa mở ra ta ghé đầu nhìn vào, ta nhìn được những gì trong căn nhà đó. Mỗi một con người chính là một ngôi nhà riêng tư, khi mở cánh cửa ta nhìn thấy cách trưng bày đồ đạc, khác nhau. Nhưng khi căn nhà đã nhiều năm thì tất cả các đồ đạc trong đó nhìn rất giống nhau vì cùng phủ một lớp bụi bên ngoài,

Trong căn nhà đó chúng ta đôi khi, tìm được một món gì đó rất quý. Một cái hộp gỗ chẳng hạn, ta cầm lên, thổi lớp bụi đi,mở ra.Ta nhìn thấy một vật lấp lánh, lấp lánh như viên ngọc. Bỗng lòng rưng rưng.

Cô con gái nhẹ nhàng dìu nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngồi xuống ghế, rồi gắn cái máy trợ thính vào tai cha. Chiếc ghế của Doãn Quốc Sỹ được kéo gần sofa nơi nhà văn Linh Bảo ngồi với chúng tôi. Hai nhà văn luống tuổi ngồi cạnh nhau trông thật cảm động.

Người đàn ông tóc trắng
Nghiêng đầu mỗi khi nghe
Ai gọi tên cuốn sách
Mắt sáng ngời đỏ hoe

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều
Viền một đường chỉ đỏ
Gió hình như vừa thổi
Qua Khu Rừng hoa Lau (tmt)

Nụ cười hiền hòa luôn luôn nở trên môi, nhà văn Doãn Quốc Sỹ nghiêng đầu nghe chúng tôi nhắc đến tên những tác phẩm của mình. Cụ nhớ hết, không quên một tác phẩm nào, Cụ nhớ cả thời gian nào cụ viết truyện đó. Số tác phẩm khá nhiều của Doãn Quốc Sỹ vẫn nằm nguyên trong bộ nhớ của Cụ.

Những người yêu chữ nghĩa văn chương ở Việt Nam thời 1954-1975 ở miền Nam Việt Nam không ai là không đọc những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ. Những tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ cho người đọc thấy yêu quê hương, yêu gia đình, bạn hữu hơn mặc dù trong những dòng chữ đó không hề nhắc đến một bổn phận nào.

Từ trái: Các nhà thơ, nhà văn Trần Mộng Tú, Linh Bảo, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Doãn Quốc Sỹ. (Hình: Nhà báo Phạm Phú Minh cung cấp)
Từ trái: Các nhà thơ, nhà văn Trần Mộng Tú, Linh Bảo, Đỗ Quý Toàn, Phạm Phú Minh, Doãn Quốc Sỹ. (Hình: Nhà báo Phạm Phú Minh cung cấp)

Sức sáng tác của Doãn Quốc Sỹ trong khoảng thời gian 20 năm của nền Việt Nam Cộng Hoà rất phong phú: Ông sáng tác KHU RỪNG LAU gồm 4 tập: Ba Sinh Hương Lửa 1962, Người Đàn Bà Bên Kia Vỹ Tuyến 1964, Tình Yêu Thánh Hóa 1965 và Những Ngã Sông 1966. Ngoài ra còn một số sách rời, truyện ngắn của ông được đón nhận rất nồng nhiệt như: Gìn Vàng Giữ Ngọc, Mình Lại Soi Mình, Dấu Chân Cát Xóa, Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, Dốc Sương Mù, Đàm Thoại Độc Thoại,v.v

Độc giả yêu những tác phẩm của ông vì người ta tìm thấy lòng yêu nước, yêu người, trung hậu và bao dung của ông, ông cho độc giả nhìn thấy văn hóa Việt Nam và cái thiện của con người. Ông là một nhà văn bao dung cho cả những sai trái, những cái ác.

Ông bị tù Cộng Sản 14 năm, sang Mỹ năm 1995. Ông từng nói: “Nhà giáo là nghề, nhà văn là nghiệp”.

Tổng số tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ là 25 cuốn.

Nhà văn Linh Bảo ngồi bên cạnh Doãn Quốc Sỹ, một cụ bà đẹp như một bức tranh. Tóc trắng như sương, da mặt hồng hào, hàm răng như ngọc vụn và cặp mắt vẫn còn long lanh trong vắt.

Những năm đầu tị nạn 1975, tôi gặp và thân với nhà văn Linh Bảo nhờ cùng cộng tác với Nguyệt San- Việt Nam Hải Ngoại của Luật Sư Đinh Thạch Bích ở San Diego chủ trương, về sau có thêm nhà văn Nhật Tiến cộng tác.

Linh Bảo nổi tiếng với tác phẩm: Tầu Ngựa Cũ, Gió Bấc, Những Đêm Mưa, Mây Tần…

Cuốn Tầu Ngựa Cũ của Linh Bảo được giải văn học 1961.

Tác phẩm của Linh Bảo không nhiều như của Doãn Quốc Sỹ nhưng chỗ đứng của Linh Bảo trong giới cầm bút đáng được trân trọng. Người ta nói:

Tài năng và cơ hội để thành danh, Linh Bảo có cả hai.

Cả ba nhà văn nổi tiếng: Nhất Linh (Bắc), Võ Phiến (Trung) và Bình Nguyên Lộc (Nam) đều khen ngợi Linh Bảo là một nhà văn có tài.

Trong một lá thư gửi Linh Bảo sau khi nhận được tác phẩm Gió Bắc, Nhất Linh đề nghị sửa là “Gió Bấc”, Nhất Linh đã viết thư cho Linh Bảo, có đoạn:

Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị.

Võ Phiến nhận xét về Linh Bảo như sau:

Trong số những người đàn bà viết văn ở ta hiện nay, có lẽ Linh Bảo có tài nhất: có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát. Quan sát và phân tích tâm lý, Linh Bảo đã trình bầy được mỗi nhân vật với một hình dạng, một cá tính rõ ràng, một lối sinh sống và ăn nói riêng biệt… Linh Bảo thường hay tìm ra cơ hội để làm người đọc mỉm cười, dù là trong những trường hợp buồn thảm: nhà ngập lụt, vợ chồng giận nhau. Giữ được nét mặt tươi tắn cả trong khi buồn, đó là một lối làm đẹp rất khéo của đàn bà, nhất là đàn bà ‘lịch sự’: vì vậy mà cái cười do Linh Bảo gợi lên lắm lúc có chua chát, người đọc vẫn dễ có cảm tình với giọng văn của tác giả.”

Và Bình Nguyên Lộc với lời khen thành thật của một người miền Nam:

Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những Đêm Mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng. Sợ đây không phải là phục. Đành là phục rồi, khỏi phải nói, mà sợ bị chị quan sát và cười, mặc dầu chỉ cười thầm thôi…

Con người đa tài này có một thời niên thiếu rất sôi động.

Nhà văn Linh Bảo, tên thật là Võ thị Diệu Viên, sinh 14 tháng 4, 1926 trong một gia đình quan lại triều đình Huế: cha Võ Chuẩn nguyên tổng đốc Quảng Nam, mẹ gốc hoàng tộc Tôn Nữ Thị Lịch. Linh Bảo xa gia đình sớm, Bà sống qua nhiều quốc gia ngoài Việt Nam: Trung Hoa (Nam Kinh, Quảng Châu), Hương Cảng, Anh, Pháp, và Mỹ.” Linh Bảo còn có hai tên khác: Lại Cẩm Hoa, Vũ Trung Thư. Các bức thư nhà văn Nhất Linh gửi Linh Bảo khi còn ở Hương Cảng đều gửi với tên Lại Cẩm Hoa.

Linh Bảo rất nổi tiếng trước 1975 trên văn đàn. Tập truyện Gió Bấc in năm 1952 khi tác giả mới 26 tuổi đã làm nổi bật tên tuổi tác giả vào thời điểm đó.

TÁC PHẨM:

Trừ truyện dài Gió Bấc và truyện nhi đồng Chiếc áo nhung lam được in từ 1953, các tác phẩm chính của Linh Bảo đều được xuất bản trong thời kỳ 1954-1975.

Gió Bấc, truyện dài, Nxb Phượng Giang 1953

Chiếc áo nhung lam, Sách Hồng, Nxb Đời Nay 1953

Tầu Ngựa Cũ, tập truyện ngắn, Nxb Đời Nay 1961 (*)

Những Đêm Mưa, truyện dài, Nxb Đời Nay1961

Con Chồn Tinh Quái, truyện Nhi đồng, Nxb Ngày Mới 1967

Những Cánh Diều, tập truyện ngắn, Nxb Trí Đăng 1971

Mây Tần, tuyển tập đoản văn, Nxb Việt Nam Hải Ngoại 1981

(*) Tác phẩm Tàu Ngựa Cũ được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc 1961.

Ngô Thế Vinh từng viết: Ngọn bút của Linh Bảo thông minh, sắc sảo, giễu cợt lật ra những mặt trái của cuộc sống, một cách tàn nhẫn với giọng nghịch ngợm, tinh quái bất cần đời nhưng cũng thật là chua chát. Người phụ nữ trong tác phẩm Linh Bảo tuy cứng rắn, chịu đựng nhưng vẫn luôn luôn là nạn nhân đáng thương của những hoàn cảnh”.

Những năm sau này, không viết nữa, Linh Bảo vẽ. Linh Bảo là một họa sĩ tùy hứng, Bà vẽ những bức tranh rất đẹp.Tranh sáng tác, tự họa hay copy những họa phẩm nổi tiếng, Linh Bảo vẽ chân dung những người thân như Cha, Mẹ, em, con, cháu. Vẽ lại những bức tranh nổi tiếng như Mona Lisa của Leonardo da Vinci, tranh Iris của Van Gogh, rất giống và rất đẹp.

Mấy năm trước khi tới thăm Bà, tôi thấy Bà còn sở thích may những tấm chăn vá (Quilts). Nhìn những miếng vải màu sắc khác nhau bà cắt ra rồi vá chúng lại, mảnh nọ đặt sai chỗ sang mảnh kia để làm thành một tấm chăn mới. Tôi bâng khuâng tự hỏi: Chắc Bà muốn vá lại từng mảnh đời mình.

Gió Bấc thổi về nghe lạnh quá​
Chiếc Áo Nhung Lam đủ ấm không​
Những Cánh Diều bay trong dĩ vãng
Lòng quê chợt chạnh áng Mây Tần. (tmt)

Chúng tôi, tuy không còn trẻ nữa, nhưng kém hai nhà văn Doãn Quốc Sỹ và Linh Bảo từ 12 tới 15 tuổi. Chúng tôi được hưởng bao nhiêu điều tốt đẹp từ hai vị tiền bối này.Từ cái đẹp của tâm hồn, tới cái đẹp của văn chương. Họ như những viên đá quý cất trong những cái hộp rất cũ, cái hộp lại giấu trong ngôi nhà chỉ một cơn gió nhẹ cũng có thể lung lay.

Ngọn gió thời gian có thể thổi căn nhà cũ xập xuống nhưng những viên đá quý cất giấu trong cái hộp cũ kỹ thì luôn luôn tồn tại.

Chúng tôi tới, gõ cửa, tìm vào và chúng tôi nhận được sự ấm áp lấp lánh tỏa ra từ hai viên đá quý: Doãn Quốc Sỹ và Linh Bảo.

Trần Mộng Tú
Tháng 6-17-2021

XS
SM
MD
LG