Khi ông Ri Il Gyu, nhà ngoại giao số 2 của Triều Tiên tại Cuba, rốt cuộc quyết định chạy trốn sang Hàn Quốc vì thất vọng với quê hương tham nhũng, áp bức của mình vào tháng 11 năm ngoái, ông đã tự mình hoàn thành mọi bước chuẩn bị cần thiết.
Khoảng một tuần sau, vào một đêm nọ, ông báo với gia đình rằng mọi người phải rời khỏi Cuba trong vòng sáu giờ đồng hồ.
“Vợ tôi thoạt đầu bảo tôi chớ có đùa chết người, rồi tôi đưa cho bà ấy xem vé máy bay, bà ấy không thốt nên lời”, ông Ri cho biết trong cuộc phỏng vấn với AP hôm 2/8.
Cuối cùng, gia đình ông đã theo ông đến sân bay Havana vào rạng sáng ngày hôm sau, đáp chuyến bay đến một quốc gia thứ ba rồi sau đó tới Hàn Quốc trong một trong những cuộc đào tẩu gây chú ý và kịch tính nhất của người Triều Tiên trong những năm gần đây.
Sự ra đi của ông Ri, 52 tuổi, cựu cố vấn chính trị tại Tòa đại sứ Triều Tiên ở Cuba, có thể khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un rất tức giận vì điều đó có thể khiến các nhà ngoại giao khác của Triều Tiên nghĩ đến việc rời khỏi đất nước và giáng một đòn mạnh vào quyền kiểm soát của ông Kim đối với giới tinh hoa của đất nước, theo nhận định của giới quan sát.
Ông Ri cho hay Tòa đại sứ Triều Tiên tại Cuba có khoảng 20 nhà ngoại giao, phái bộ ngoại giao lớn thứ ba của Triều Tiên ở nước ngoài sau các phái bộ ở Trung Quốc và Nga.
Sự đào tẩu của ông Ri cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, với việc Triều Tiên thả hơn 3.000 quả bóng bay chở rác sang Hàn Quốc và tiếp tục các cuộc thử vũ khí khiêu khích.
Hàn Quốc đã đáp trả bằng cách khởi động lại các chương trình phát thanh trên tuyến đầu với các thông điệp chống Bình Nhưỡng và các bài hát K-pop, thách thức nỗ lực của ông Kim nhằm hạn chế quyền tiếp cận tin tức nước ngoài của 26 triệu người dân trong nước.
“Chế độ Kim Jong Un có thể sẽ rất tức giận nếu họ thấy tôi phát biểu trước công chúng trong các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông như thế này”, ông Ri nói.
“Họ có thể nghĩ rằng việc loại bỏ một người như (tôi) sẽ phục vụ lợi ích của họ. Nhưng tôi không lo lắng nhiều về điều đó vì chính phủ Hàn Quốc đang đặt sự an toàn của tôi lên ưu tiên”, ông nói thêm.
Khoảng chín tháng sau khi đến Hàn Quốc, ông Ri đang được chính phủ Hàn Quốc bảo vệ.
Triều Tiên có lịch sử lâu dài về việc ám sát hoặc mưu sát những người đào tẩu cấp cao hoặc những người họ hàng bị xa lánh của gia đình ông Kim sống ở nước ngoài.
Ông Kim có thể nhớ rõ ông Ri vì ông nói rằng ông đã gặp ông Kim một vài lần với các quan chức khác vào năm 2018 trong quá trình chuẩn bị của chính phủ để tiếp các quan chức cấp cao của Cuba vào hai dịp trong năm đó.
Ông Ri nói đôi lúc ông Kim đã hỏi ông một số câu hỏi.
“Tôi nghe nói khi mọi người nhìn thấy ông ấy (Kim Jong Un) lần đầu tiên, họ lo sợ đến mức không thốt lên được từ ‘dạ’. Trong lần gặp đầu tiên, tôi rõ ràng đã rùng mình”, ông Ri nói.
Trong mỗi cuộc họp, ông Ri nhớ lại rằng ông Kim hút thuốc liên tục và thở khó như “một bệnh nhân hen suyễn” nên ông có thể nghe thấy tiếng thở của ông Kim.
Cơ quan tình báo Hàn Quốc báo cáo với giới lập pháp hôm 29/7 rằng các quan chức Triều Tiên đang tìm kiếm các loại thuốc mới ở nước ngoài để điều trị các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì của ông Kim như huyết áp cao và tiểu đường.
Ông Ri cho biết ông đã nghĩ đến việc đào tẩu khỏi Triều Tiên từ lâu, nơi mà ông cho là có “chế độ độc ác”.
Ông nói chính phủ Triều Tiên duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của mình bằng cách xử tử công khai mọi người và giam giữ những người khác như một hình thức trừng phạt tập thể được gọi là “tội liên đới” đối với các tội mà người thân của họ đã vi phạm.
“Tôi có thể có can đảm dám chống lại Kim Jong Un. Nhưng Triều Tiên có thể giết cha mẹ, con cái và vợ của bạn chỉ vì bạn đứng lên chống lại ông Kim”, ông Ri nói.