Đường dẫn truy cập

Nhóm hoạt động hối thúc Seoul, Hà nội, Washington cứu giúp người đào tị Triều Tiên


Người đào tị Triều Tiên và các tổ chức bênh vực quyền làm người của người Triều Tiên (VOA)
Người đào tị Triều Tiên và các tổ chức bênh vực quyền làm người của người Triều Tiên (VOA)

Nhóm “Công Lý cho Triều Tiên” – Justice for North Korea, cho biết nhóm 11 người Triều Tiên đã đào thoát sang Việt Nam từ Trung Quốc, vẫn chờ đợi chính phủ Hàn Quốc cho phép họ sang Seoul tị nạn để tránh bị Việt Nam trả về Trung Quốc, để rồi bị cưỡng ép trở về Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Ban tiếng Hàn của VOA, ông Peter Jung, người đứng đầu nhóm ‘Công lý cho Triều Tiên’ cho biết nhóm đào tị, gồm 8 nữ, tuổi từ 20 tới 50, và 3 nam trong lứa tuổi đôi mươi, đã băng biên giới Trung Quốc sang Việt Nam vào ngày 23/11 và bị bắt hai ngày sau đó. Cho tới giờ họ vẫn đang bị cầm giữ tại Việt Nam.

Ông Jung cho hay là một trong những người đào ti có điện thoại cầm tay và nhờ đó đã liên lạc được với đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam để xin được bảo vệ.

“Đại sứ quán Hàn Quốc cho biết họ sẽ có các biện pháp phù hợp để giúp đỡ nhóm người tị nạn. Nhưng từ hôm thứ Sáu cho tới giờ, nhóm người đào tị vẫn chưa nghe tin gì từ đại sứ quán Hàn Quốc.”

Số phận của những người tị nạn đang rất bấp bênh. Họ đứng trước nguy cơ bị trả về Triều Tiên, nhưng sau khi nhiều phụ nữ ngất xỉu, nhà chức trách Việt Nam dường như đã quyết định không cưỡng bức họ trở lại Trung Quốc, theo ông Peter Jung.

Trong một đoạn băng video do ông Jung gửi cho VOA, một phụ nữ khẩn khoản chính phủ Hàn Quốc:

“Xin làm ơn làm phước nhận chúng tôi! ”

Trong một băng video khác, cũng do ông Jung gửi, một phụ nữ khác đang chăm sóc cho một số người có vẻ bệnh hoạn. Bà nói: “Chúng tôi đào thoát với nhiều bệnh nhân như thế này. Hãy cứu chúng tôi!”.

Trả lời ban tiếng Hàn của VOA, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết họ có biết về những người đang xin tị nạn.

Một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao nói với VOA:

“Chúng tôi đang làm việc và thương thuyết với nước sở tại (Việt Nam).”

VOA-Việt ngữ đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam nhưng cho tới giờ này, chiều 3/12, vẫn chưa được phản hồi.

Nếu không có biện pháp mới nào để giúp họ, thì một khi bị Việt Nam trả về Trung Quốc, nhóm 11 người đào tị có nhiều khả năng bị Bắc Kinh trục xuất và cưỡng bức hồi hương. Về lại Triều Tiên, theo các chuyên gia về Triều Tiên, có phần chắc họ sẽ bị trừng trị đích đáng, như lao động khổ sai, tra tấn, thậm chí bị hành quyết.

Ông Peter Jung nói hiện tại thì cả chính phủ của Tổng thống Moon Jae-In lẫn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc vẫn chưa hành động, và “chưa làm đủ để bảo vệ những người đào tị” từ miền Bắc.

Ông nói:

“Thật là vô cùng bức xúc cả về mặt luật pháp quốc tế lẫn từ mặt nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền cần nêu bật vấn đề này lên trước cộng đồng quốc tế, và chúng tôi cũng đang tìm cách nhấn mạnh vấn đề này với chính phủ Trung Quốc và chính phủ Việt Nam.”

Ông Peter Jung còn cho rằng chính phủ của Tổng thống Trump có thể cứu nhóm người đào tị nếu Washington khiếu nại với chính phủ Việt Nam, và có hành động mạnh mẽ để hối thúc Bắc Kinh đừng cưỡng bức nhóm người đào tị về lại Triều Tiên.

Ông Jung nói:

“Tôi sẽ rất cảm kích nếu chính quyền Tổng thống Trump cố gắng tăng áp lực để thúc giục Bộ Ngoại giao Hàn Quốc phải hành xử theo đúng luật pháp quốc tế và tôn trọng các quyền của người tị nạn,”

Hồi tháng Tư năm nay, Việt Nam đã gửi trả 3 người đào tị Triều Tiên về lại Trung Quốc, sau khi 3 người băng biên giới lẻn vào Việt Nam từ Trung Quốc.

Ông Greg Scarlatoiu, Giám Đốc điều hành Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên, nói Trung Quốc không nên buộc người đào tị phải trở về Triều Tiên.

Ông Scarlatoiu: “Nếu nhìn vào “Phúc trình của Ủy ban Điều tra các vụ vi phạm nhân quyền tại Triều Tiên” của Liên Hiệp Quốc, thì những người đào tị có thể bị nhà cầm quyền Triều Tiên tra tấn và hành quyết.”

Công ước về Vị thế Người Tị nạn (1951) và Nghị định thư của Công ước (1967) xác định các quyền của người tị nạn và trách nhiệm của các nước phải nhận và bảo vệ người tị nạn.

Tuy Trung Quốc tham gia Công ước về người tị nạn và Nghị định thư của công ước này từ năm 1982, nhưng Bắc Kinh không theo định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về thế nào là người tị nạn, và Trung Quốc không chấp nhận người đào tị từ Triều Tiên là người tị nạn, mà coi họ là di dân kinh tế bất hợp pháp.

Theo phúc trình năm 2019 của Tổ chức Human Rights Watch về tình trạng nhân quyền trên thế giới thì Triều Tiên là chế độ áp bức nhất thế giới, nước mà báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Triều Tiên, ông Tomas Ojea Quintana, mô tả “Cả nước là một nhà tù.”

Bước sang năm thứ bảy từ khi lên cầm quyền, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un nắm toàn bộ quyền lực chính trị trong tay. Tất cả các quyền tự do dân sự và chính trị đều bị hạn chế, người dân không được hưởng các quyền tự do căn bản như ngôn luận, hội họp, tín ngưỡng. Xã hội Triều Tiên không có đối lập chính trị, không có báo chí độc lập, xã hội dân sự hay công đoàn.

Nhà cầm quyền có toàn quyền bắt bớ, trừng phạt những kẻ bị cho là phạm tội, toàn quyền tra tấn bất cứ ai bị giam cầm, toàn quyền hành quyết để duy trì quyền kiểm soát tuyệt đối của nhà nước.

Vẫn theo phúc trình của Human Rights Watch, những người đào tị bị cưỡng bức hồi hương sẽ bị trừng phạt nặng nề, đặc biệt là những người tìm cách xin tị nạn tại Hàn Quốc. Họ có thể bị đưa vào hệ thống nhà tù dành cho tội phạm chính trị, nơi tù nhân bị tra tấn, hãm hiếp bạo động, cưỡng bức lao động, và những hình thức ngược đãi vô nhân đạo khác.

Vì những lý do đó, mà HRW đề nghị người đào tị Triều Tiên chạy sang Trung Quốc phải được bảo vệ trong tư cách là người tị nạn tại chỗ vì chắc chắn họ sẽ là những đối tượng phải chịu những hình thức trừng phạt vô nhân đạo đó.

Số phận của 11 người đào tị Triều Tiên bị Việt Nam bắt và giam tại Lạng Sơn, đang vô cùng bấp bênh, xét quan hệ Việt Nam-Triều Tiên đã trở nên nồng ấm hơn sau thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Hà nội vào tháng Hai năm 2019, và người tị nạn Triều Tiên trốn sang Việt Nam qua ngã biên giới Trung Quốc có nhiều khả năng bị giải giao cho phía Trung Quốc hơn là được sang nước thứ ba để xin tị nạn.

VOA Express

XS
SM
MD
LG