Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc áp đặt thêm những hạn chế hoặc đình chỉ các visa làm việc cấp cho người lao động nước ngoài, bao gồm những sinh viên quốc tế mong muốn có được kinh nghiệm làm việc tại Mỹ.
Những thay đổi khả dĩ này có phần chắc sẽ làm hài lòng những người ủng hộ chủ trương thắt chặt di trú trong khi khơi lên sự lo ngại và phản đối từ các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục lớn nhỏ vì cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bị gián đoạn hơn nữa vì không thu dụng nguồn nhân tài nước ngoài.
Ông Trump đã nhân cuộc khủng hoảng virus corona để thúc đẩy những nỗ lực bị đình trệ của ông nhằm hạn chế di trú hợp pháp và bất hợp pháp, theo AP. Ông đã ra lệnh tạm đình chỉ 60 ngày đối với visa cho người nước ngoài xin trở thành thường trú nhân hôm 22 tháng 4, nhưng sắc lệnh này bao gồm một danh sách dài những trường hợp miễn trừ và không đề cập tới hàng trăm ngàn visa làm việc tạm thời và visa sinh viên được cấp mỗi năm.
Các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, bao gồm Tom Cotton của bang Arkansas và Ted Cruz của bang Texas, cho rằng tất cả visa lao động tạm thời nên bị đình chỉ ít nhất 60 ngày hoặc cho đến khi tỉ lệ thất nghiệp trở lại mức bình thường.
“Trong khi công ăn việc làm cực kì thiếu thốn, việc nhận thêm người lao động tạm thời nước ngoài để cạnh tranh giành số việc làm ít ỏi đó là điều không thể hiểu nổi,” hai thượng nghị sĩ viết trong một lá thư gửi ông Trump vào tháng trước.
AP cho biết các quan chức chính quyền Trump vẫn đang tranh luận sắc lệnh sắp tới sẽ được áp dụng trong bao lâu và ngành nào nên được miễn, bao gồm cả những người làm việc trong lĩnh vực y tế và sản xuất thực phẩm.
Nhưng Nhà Trắng đã nêu rõ rằng họ đang cân nhắc đình chỉ visa H-1B dành cho người lao động trình độ cao; visa H-2B cho người lao động thời vụ và visa L-1 cho nhân viên thuyên chuyển trong nội bộ công ty sang Mỹ làm việc.
Trong những tuần gần đây, các doanh nghiệp và các tổ chức học thuật cũng đã bày tỏ lo ngại về những thay đổi khả dĩ đối với chương trình Đào tạo Thực tiễn Tùy chọn, một chương trình mà sinh viên quốc tế có thể tham gia để có được cơ hội làm việc trong môi trường thực tiễn tại Mỹ.
OPT bị nhắm mục tiêu
Được lập ra vào những năm 1940, chương trình Đào tạo Thực tiễn Tùy chọn (OPT) cho phép du học sinh làm việc tới một năm trong khi đang học đại học hoặc sau khi tốt nghiệp. Trong thập niên qua, chương trình này đã kéo dài thời gian làm việc lên tới ba năm cho những người theo học ngành khoa học, công nghệ, kĩ thuật và toán học, được gọi chung là STEM.
Báo The Wall Street Journal gần đây loan tin rằng chính quyền Trump đang xem xét áp đặt các hạn chế tạm thời đối với OPT. Chưa rõ những hạn chế này cụ thể là gì nhưng các quan chức chính quyền cho biết chúng được thiết kế để giúp sinh viên Mỹ mới tốt nghiệp tìm được việc làm trong lúc kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra.
Các quan chức chính quyền dẫn ra tỉ lệ thất nghiệp 26% trong số những người từ 18 đến 24 tuổi, những người được cho là sẽ cạnh tranh việc làm với sinh viên quốc tế, như một lí do cho việc áp đặt những hạn chế tạm thời đối với chương trình, theo tờ Journal.
Tờ The New York Times, dẫn lời hai quan chức di trú hiện nhiệm và tiền nhiệm của chính phủ, cho biết vào tuần trước rằng các biện pháp mới đang được xem xét sẽ bãi bỏ chương trình này.
Your browser doesn’t support HTML5
Dù các nghị sĩ Đảng Cộng hòa trong Quốc hội là những người ủng hộ mạnh mẽ nhất việc loại bỏ chương trình này, 21 nhà lập pháp của đảng này ở Hạ viện lập luận trong một lá thư gửi đến chính quyền Trump trong tháng này rằng cần duy trì OPT để thu hút sinh viên quốc tế. Họ nói rằng các sinh viên nước ngoài và gia đình của họ đã bơm hơn 40 tỉ đô la hàng năm vào nền kinh tế mặc dù các sinh viên chỉ chiếm 5,5 % số lượng sinh viên đại học ở Mỹ.
Các công ty và tổ chức học thuật cũng cảnh báo về việc “chảy máu chất xám ngược” mà theo đó sinh viên nước ngoài đem những kiến thức mà họ học được ở Mỹ sang những nước khác để làm lợi cho nền kinh tế của nước đó.
Một số người chỉ trích nói rằng OPT làm lợi về mặt tài chính cho các công ty vì thuê người nước ngoài thì họ không phải trả một số thuế biên chế liên bang.
Chương trình này cũng thiếu sự giám sát và đã trở thành một con đường phổ biến cho người nước ngoài muốn có được tư cách thường trú nhân, theo bà Jessica Vaughan, giám đốc chính sách tại Trung tâm Nghiên cứu Di trú, một tổ chức ở Washington ủng hộ các giới hạn nhập cư nghiêm ngặt.
“Chính phủ không bắt buộc phải có đào tạo thật sự và không ai kiểm tra chủ lao động hoặc điều khoản tuyển dụng,” bà nói. “Một số người tham gia là ‘sinh viên’ lâu năm, họ cứ xoay tua đi học ngắn hạn rồi đi làm cốt để họ có thể ở lại đây.”
Nếu như chương trình OPT bị giới hạn hoặc bị bãi bỏ thì sẽ là một “tổn thất quá lớn” cho nhiều sinh viên quốc tế như anh Nguyễn Trần Trí, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành robot tại Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở Washington.
“Nó có thể ảnh hưởng tới việc nhiều người ở Việt Nam nói riêng hay nước ngoài nói chung nghĩ về việc đi Mỹ du học,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA trước đây.
Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái bởi Viện Quốc gia Chính sách Hoa Kỳ, một tổ chức nghiên cứu chuyên về thương mại và di trú, nhận thấy “không có bằng chứng nào cho thấy sinh viên nước ngoài tham gia chương trình OPT làm giảm cơ hội việc làm cho người lao động ở Mỹ. Thay vào đó, có bằng chứng cho thấy chủ lao động ở Mỹ có nhiều phần chắc quay sang sinh viên nước ngoài khi người lao động Mỹ khan hiếm đi.
Ước tính 223.085 sinh viên quốc tế tham gia OPT trong năm học 2018-2019, và số lượng người tham gia đã tăng vọt trong những năm gần đây, theo trang tin giáo dục Inside Higher Ed.