Nhầm con 6 năm ở Ba Vì: Gia đình bị bác sĩ ‘quát một trận’ vì tỏ ý nghi ngờ

Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, nơi đã xảy ra vụ trao nhầm con 6 năm trước.

Anh Phùng Giang Sơn, một trong hai gia đình bị Bệnh viện Ba Vì trao nhầm con 6 năm trước, tiết lộ với VOA rằng anh đã bị bác sĩ “quát một trận” khi tỏ ý nghi ngờ có sự nhầm lẫn. Trưởng khoa và nhân viên bệnh viện này còn khẳng định “bao nhiêu năm làm trong nghề thì nhầm làm sao được”!

Trong khi đó, chị Vũ Thị Hương, người bị nhầm con với gia đình anh Sơn, cũng cho VOA biết thời điểm đó chị đã đề nghị bệnh viện cân các cháu bé để xác minh, nhưng ê kíp bệnh viện khẳng định “Không phải cân. Chúng tôi làm là rất chuẩn”. Một bác sĩ thậm chí còn nói với chị “Tôi mà làm sai thì tôi đi tù à?”

Vụ Bệnh viện Đa khoa Ba Vì trao nhầm con cho hai gia đình vào 6 năm trước đã gây chấn động dư luận suốt tuần qua, sau khi gia đình anh Sơn gửi đơn kiến nghị đến Bộ Y tế vào ngày 11/7 và thông tin cho báo chí nhờ can thiệp để nhận lại con.

‘Quả bom’ giáng xuống gia đình

Cả hai gia đình đều bày tỏ với VOA rằng họ đang phải chống chọi với rất nhiều khủng hoảng kể từ sau khi sự thật được tiết lộ.

Gia đình anh Sơn chỉ biết được sự thật gần đây, khi có người gửi ảnh một đứa trẻ rất giống anh cho gia đình trong dịp Tết vừa qua.

Gia đình anh Phùng Giang Sơn.

Trước đó, anh Sơn cũng đã nhận được hình ảnh này và lặng lẽ đi xét nghiệm ADN. Kết quả cho thấy đứa trẻ anh đã nuôi suốt 6 năm qua không phải là máu mủ của mình.

“Lần đầu tiên thì em giấu, không ai biết. Lúc đó em giống như người mất hồn. Nhưng thực tình vẫn muốn xác minh để làm sáng tỏ sự việc, chứ không trong thâm tâm từ trước tới nay vợ chồng nghi ngờ nhau. Cuộc sống gia đình lúc nào cũng có sự nghi ngờ”, anh Sơn kể lại.

Sau khi bị bố thúc giục mãi, anh Sơn quyết định đi xét nghiệm lần hai. Kết quả vẫn như cũ.

“Vợ sốc đến cả tuần, không ăn uống gì, người xanh xao. Nó khóc lóc, đập phá… Cả một thời gian dài các bác lúc nào cũng phải trực 24/24, chỉ sợ vợ nghĩ quẩn. Nhà mình rất hoảng loạn. Nó như một quả bom giáng xuống gia đình nhà mình mà mình không biết phải chống đỡ nó như thế nào. Thực sự hôm đó kiệt sức vô cùng”.

Anh Sơn cho biết đêm hôm ấy, cả gia đình anh đã thuê xe đi ngay trong đêm đến gặp gia đình chị Vũ Thị Hương, người đang nuôi đứa trẻ mà anh nghi ngờ là con ruột của mình. Nhưng chị Hương đang đi làm ở Hà Nội nên không có mặt tại nhà. Người anh của chị bèn gọi điện thoại để thông báo sự việc.

“Chị Hương sốc quá tắt máy luôn”, anh Sơn kể. “Sau vài ngày, mình nhắn tin, chị Hương cũng không nhấc máy”.

Người mẹ trẻ 29 tuổi sau đó nói với VOA rằng tin sét đánh ấy đã khiến cho chị gần như suy sụp, nhất là trong hoàn cảnh “mẹ con sớm tối có nhau” sau khi chị Hương ly hôn với chồng vào năm 2015.

“Trong vòng gần 1 tháng, em mất 10 cân. Rồi em bảo bây giờ khóc cũng không giải quyết được, thì thôi phải đi để chứng minh cho con thấy có phải là như thế không. Khi đi chứng minh thì em cùng hợp tác với nhà bạn Sơn để đi làm xét nghiệm”, chị Hương cho biết.

Theo lời chị Hương kể, trước khi ly hôn, có thời điểm chồng chị liên tục đập phá đồ đạc, cơ sở dạy học của chị khiến chị phải tuyên bố phá sản. Không chịu đựng nổi, chị Hương bỏ lên nhà cậu để ở. Chồng chị gọi điện thoại lên mắng “Mày bỏ đi theo bố của con mày à?”.

Chị Vũ Thị Hương và con trai.

Sau khi ly hôn, chị Hương nuôi cả hai con trai. Đứa trẻ bị bệnh viện trao nhầm là bé Nhật Minh, 6 tuổi, con trai lớn của chị.

‘Tôi mà làm sai thì tôi đi tù à?’

Theo những thông tin mà chị Hương và anh Sơn cung cấp cho VOA, bi kịch nhầm con suốt 6 năm lẽ ra đã không xảy ra...

Anh Phùng Giang Sơn cho biết ngay từ lúc nhận đứa con mới lọt lòng ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì vào ngày 1/11/2012, anh đã nêu nghi ngờ có sự nhầm lẫn, nhưng lời nói của anh đã không được đếm xỉa tới, và anh còn bị mắng một trận.

Anh Sơn kể: “Mình nhận cháu thì thấy tã lót nhầm nên hỏi lại luôn, bác sĩ khẳng định không nhầm. Bác sĩ còn mắng lại gia đình một trận. Đến ngày hôm sau cháu đi tắm, mình cũng hỏi lại bác sĩ. Bác sĩ cũng khẳng định không nhầm và cũng lại quát cho một trận. Đến hôm cuối cùng xuất viện về, mình lên hỏi ông trưởng khoa và nhân viên y tế thì họ bảo rằng ‘Không nhầm được, bao nhiêu năm làm trong nghề mà, nhầm làm sao được’. Thế là chúng tôi về nuôi cháu cho tới nay”.

Chị Vũ Thị Hương cũng xác nhận có sự nghi ngờ trên và còn đề nghị bệnh viện xác minh. Chị cho biết:

“Lúc đưa ra, em bảo là sao con em sinh trước 10 phút mà gọi nhận con lại gọi nhà Sơn trước. Em nghĩ trong đầu như vậy. Rồi nhà Sơn bảo là nhầm con, em bảo nếu sợ nhầm thì phải cân thử xem. Con nhà Sơn là 3,1 kg. Con em là 3,8 kg. Bệnh viện mới nói là ‘Không phải cân. Cân gì mà cân. Chúng tôi làm là rất chuẩn rồi. Không phải cân’. Bác sĩ còn bảo ‘Tôi mà làm sai thì tôi đi tù à? Không phải cân’. Khẳng định thế. Rồi khi em lên giường sau khi sinh, cả nhà Sơn cứ chạy lên đón bạn này [cháu Minh, đứa trẻ chị Hương đang nuôi]. Em mới bảo ‘Thế thì đi xuống cân đi’. Khi nói xuống cân thì [bệnh viện] cứ khẳng định là ‘Không phải cân, vì tôi trao là tôi trao đúng’”.

_____________________________________________________________

Khi một trong hai gia đình đau khổ tìm lại được con, họ đã nhờ đến bệnh viện để giúp đỡ giải quyết. Nhưng một lần nữa, yêu cầu đơn giản của họ đã bị một tập thể được xem là “từ mẫu” này xem thường và còn gây thêm hố sâu chia rẽ. Mời quý vị theo dõi tiếp chi tiết trong Kỳ 2: Tôi không bán con.