Vào tháng 7 năm nay, ông Keir Starmer trở thành thủ tướng Anh chỉ một ngày sau khi đảng của ông thắng lớn trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông Donald Trump, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ ngày 5 tháng 11, phải đợi 76 ngày để trở thành tổng thống một lần nữa. Đảng đối lập của Anh, giống như các đảng đối lập ở một số nền dân chủ nghị viện, điều hành một “chính phủ lập sẵn” sẵn sàng nắm quyền sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Hoa Kỳ không có hệ thống như vậy. Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ bắt đầu từ con số không, được giao nhiệm vụ lấp đầy các vị trí trong bộ máy của tân chính phủ với ngân sách gần 7 nghìn tỷ đô la và 3,5 triệu nhân viên dân sự và quân sự, trong đó có hàng nghìn người được tổng thống bổ nhiệm. Bà Valerie Smith Boyd, chủ tịch Trung tâm Chuyển giao Tổng thống, nói: “Chuẩn bị để cai quản đất nước là một nhiệm vụ to lớn”. Chuyển giao tổng thống - 11 tuần quan trọng giữa Ngày bầu cử vào tháng 11 và Ngày nhậm chức vào tháng 1 năm sau - là nền tảng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Khoảng thời gian này được thiết kế để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ và hòa bình từ chính quyền này sang chính quyền khác. “Mục tiêu là họ bắt tay vào công việc và sẵn sàng làm việc ngay từ ngày đầu tiên”, ông Michael Shurkin, giám đốc công ty tư vấn 14 North Strategies, người từng làm chuyên gia phân tích của CIA trong quá trình chuyển giao từ George W. Bush sang Barack Obama năm 2008-2009, cho biết. Theo nhà sử học Russel Riley, thời kỳ chuyển tiếp thậm chí còn dài hơn — bốn tháng — và là một sự kiện khá kín tiếng trong suốt phần lớn lịch sử nước Mỹ. Ông Riley đã lần theo cụm từ “chuyển giao quyền lực tổng thống” được nhắc đến sớm nhất vào năm 1948, lập luận trên tờ The Washington Post rằng quá trình này có ý nghĩa quan trọng hơn vào những năm 1960 vì “rủi ro đối với một tổng thống — và thực sự là đối với quốc gia — khi không có người mới và nhóm của ông chuẩn bị đầy đủ ngay từ ngày đầu để đối mặt với những thách thức của thế giới”. Truyền thống và luật pháp Ngày nay, quá trình chuyển tiếp là một quá trình chính thức, phức tạp, được quản lý theo truyền thống và phong tục cũng như theo luật pháp và quy định. Ông Derek Muller, giáo sư luật tại Notre Dame và là chuyên gia về quá trình chuyển giao quyền lực tổng thống, nói: “Đó chính là phong tục và thói quen mà các ứng cử viên và chính phủ liên bang thực hiện”. Một số truyền thống phần lớn mang tính biểu tượng. Ví dụ, có cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc sau ngày bầu cử giữa một tổng thống đương nhiệm và một tổng thống đắc cử. Tổng thống Harry Truman được cho là người khuyến khích truyền thống này bằng cách mời ông Dwight Eisenhower, một đối thủ chính trị cay đắng, đến Tòa Bạch Ốc sau chiến thắng năm 1952 của ông Eisenhower. Mọi tổng thống kể từ đó đều noi theo tấm gương này, ngoại trừ ông Trump sau thất bại năm 2020 của ông. Theo một truyền thống có từ năm 1968, tổng thống chia sẻ một bản sao tài liệu tóm tắt tình báo hàng ngày của mình — Tóm tắt hàng ngày của Tổng thống — với tổng tư lệnh mới. Không có hoạt động nào được viết thành luật, nhưng nhiều hoạt động khác về quá trình chuyển tiếp được pháp luật quy định. Đạo luật Chuyển tiếp Tổng thống năm 1963, được cập nhật qua nhiều năm, chính thức hóa một số quy trình và cơ chế để chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Sáu tháng trước cuộc bầu cử, tổng thống thành lập một hội đồng điều phối quá trình chuyển giao, trong khi mỗi cơ quan liên bang chỉ định một giám đốc quá trình chuyển giao. Đến ngày 15 tháng 9, người đứng đầu cơ quan phải chốt kế hoạch kế nhiệm. Đến ngày 1 tháng 10, Tổng cục Dịch vụ GSA ký thỏa thuận với các nhóm chuyển giao trước khi cung cấp cho họ không gian phòng ốc làm việc và các nguồn lực khác. Mặc dù đây là những bổ sung gần nhất, nhưng việc kế nhiệm tổng thống có trật tự đã trở thành chuẩn mực trong hầu hết lịch sử Hoa Kỳ. Rồi xảy ra đứt gãy vào năm 2020: ông Trump, khi đó đang tái tranh cử, đã tuyên bố gian lận bầu cử và từ chối công nhận thất bại. Tổng thống Joe Biden thoạt đầu không được nhận báo cáo tình báo hàng ngày và GSA mất ba tuần để “xác định” ông là người chiến thắng. Phá vỡ truyền thống, ông Trump đã không mời ông Biden đến Tòa Bạch Ốc và rời khỏi Washington mà không tham dự lễ nhậm chức của ông Biden. Với việc ông Trump nhanh chóng được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay, con lắc đã quay trở lại với nghi thức cũ. Vào ngày 13/11, ông Biden đã tiếp đón ông Trump tại Tòa Bạch Ốc, nơi họ được chụp hình, quay phim và cam kết một cuộc chuyển giao suôn sẻ. Tòa Bạch Ốc gọi cuộc họp kéo dài hai giờ này là “rất thân thiện, rất ân cần và có ý nghĩa”. Lấp đầy hơn 4.000 việc làm Một cuộc gặp gỡ và chào hỏi tại Tòa Bạch Ốc không phải là nhiệm vụ chính của tổng thống đắc cử. Ưu tiên hàng đầu trong danh sách: tuyển dụng nhân sự cho chính quyền mới. Theo Trung tâm Chuyển giao Tổng thống, chính quyền mới phải lấp đầy hơn 4.000 vị trí, trong đó 1.200 vị trí cần được Thượng viện phê chuẩn. Những người được bổ nhiệm chính trị hiện tại thường từ chức trước hoặc vào ngày tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Nỗ lực tuyển dụng lớn này cần thời gian và nguồn lực. Các ứng viên cho các vị trí chính trị phải được phỏng vấn, sàng lọc và trong một số trường hợp được duyệt quyền tiếp cận hồ sơ an ninh tuyệt mật. Trong khi các tổng thống đắc cử thường chỉ định một vài chục người đóng vai trò chủ chốt vào Ngày nhậm chức, thì hầu hết các cuộc bổ nhiệm đều diễn ra sau khi họ nhậm chức. Ông Trump đã chọn các quan chức chính quyền chủ chốt: chánh văn phòng, cố vấn an ninh quốc gia, giám đốc CIA, giám đốc tình báo quốc gia, bộ trưởng tư pháp, bộ trưởng quốc phòng và bộ trưởng ngoại giao. Nhiều thông báo về nhân sự cấp cao hơn dự kiến sẽ được công bố trong những ngày tới. Nhưng trong khi những thông báo đang chiếm lĩnh tin tức, thì công việc thực sự của quá trình kế nhiệm tổng thống thường diễn ra sau cánh cửa đóng kín. Các nhóm cấp cơ quan từ cả hai chính quyền làm việc lặng lẽ để chia sẻ thông tin và điều phối quá trình chuyển giao phức tạp. Ông Shurkin nói trong một cuộc phỏng vấn với VOA rằng “Đây là những gì đã xảy ra hết lần này đến lần khác, ngoại trừ đảng Cộng hòa vào năm 2020-2021”. “Mục đích là để đảm bảo rằng chắc chắn những người trong cuộc, chẳng hạn như, các bộ phận quan trọng hơn của chính phủ, đặc biệt là Bộ Quốc phòng hoặc CIA… không xuất hiện và nhìn xung quanh và hỏi, ‘Đây là gì? Công việc của bạn là gì? Mọi thứ hoạt động như thế nào’?” Mức độ phối hợp đang diễn ra giữa nhóm của ông Trump và ông Biden vẫn chưa chắc chắn. Ông Biden đã ra lệnh cho chính quyền của mình tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao suôn sẻ, nhưng nhóm của ông Trump đã bỏ lỡ các thời hạn quan trọng để đạt được thỏa thuận với Tòa Bạch Ốc và GSA, khiến các cơ quan liên bang khó có thể chia sẻ đầy đủ thông tin với nhóm này. Ông Muller cho biết mặc dù nhóm của ông Trump có thể có những lo ngại về quyền riêng tư, nhưng những sự chậm trễ này mang lại những rủi ro thực sự. “Nếu bạn không thể tiếp cận các cơ quan liên bang đó, bạn có thể chậm một bước về cách bạn được cho là sẽ tiếp quản bộ máy của chính phủ liên bang”, ông Muller nói trong một cuộc phỏng vấn. Thời kỳ ‘vịt què’ Thời kỳ chuyển giao tổng thống đôi khi được gọi là thời kỳ “vịt què” vì tổng thống sắp mãn nhiệm đã giảm bớt ảnh hưởng khi ông chờ đợi lễ nhậm chức của tổng thống mới. Trong khi tổng thống đương nhiệm vẫn giữ toàn bộ quyền lực, bao gồm cả quyền ân xá, cho đến ngày 20 tháng 1, khả năng thực hiện các chính sách và quyết định quan trọng bị hạn chế. Điều này tạo ra một ván cờ đầy cam go trong các vấn đề quốc nội và quốc tế. Các đồng minh và đối thủ đều phải tìm cách cân bằng giữa chính quyền hiện tại và tương lai. Các chính phủ nước ngoài, đặc biệt là những chính phủ có mối quan hệ quan trọng với Hoa Kỳ, phải đi trên sợi dây ngoại giao đầy thử thách. Vũ điệu ngoại giao đã bắt đầu. Trong khi các chính phủ nước ngoài vẫn duy trì quan hệ với các toà đại sứ Hoa Kỳ, ông Muller lưu ý rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài đã liên hệ với ông Trump “để thăm dò ông ấy trong một số lập trường của ông, để suy nghĩ về cách mọi thứ có thể diễn ra dưới một chính quyền mới”. Đầu tuần này, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto đã gọi điện cho ông Trump và đề nghị hai người gặp mặt trực tiếp. “Bạn đang đối phó vơi một số thay đổi quan trọng về cách Hoa Kỳ sẽ điều hành, vì vậy đây là một hành động cân bằng tinh tế đối với các nhà lãnh đạo chính phủ nước ngoài trong bối cảnh quốc tế”, ông Muller nói. | |
|
|