Nước Nga hiện đại giữa tranh cãi về Stalin

Ảnh tư liệu - Joseph Stalin tại Moscow vào ngày 01/05/1946

Nga gần đây cấm chiếu bộ phim ‘Cái chết của Stalin’, khơi mào một cuộc tranh luận gay gắt trong nước về di sản của nhà độc tài cai trị từ năm 1929 cho đến khi qua đời vào năm 1953.

Một cuộc thăm dò ý kiến vào năm ngoái xếp Stalin là nhân vật lịch sử nổi bật nhất của quốc gia mặc dù Stalin chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người. Một số người ở Nga cho rằng các tội ác của Stalin đối với nhân loại cần được cân nhắc trong tương quan với những thành tựu của ông dành cho Liên Xô cũ.

Những nỗi kinh hoàng từ các trại lao cải Gulag và các khía cạnh khác của lịch sử Xô Viết không phải là những chủ đề dễ truyền đạt cho người trẻ của nước Nga ngày nay.

Bảo tàng Gulag tại Moscow tìm cách thể hiện quy mô của các trại cưỡng bức lao động cùng với những bi kịch cá nhân. Bất cứ ai bị coi là kẻ thù của nhân dân, từ các phạm nhân phạm tội vặt vãnh tới những tù nhân chính trị đều phải trải qua nhiều năm lao động cưỡng bức.

Ông Roman Romanov, Giám đốc Bảo tàng Gulag, cho biết:

"20 triệu người sống trong các trại tập trung, hơn một triệu bị bắn, sáu triệu người bị trục xuất hoặc bị tái định cư bằng vũ lực."

Những cuộc đàn áp lên tới đỉnh điểm dưới thời Josef Stalin – nhân vật được nhiều người tôn sùng rằng đã đưa Liên Xô tới chiến thắng trước Đức Quốc xã - nhưng cũng là người chịu trách nhiệm về cái chết của hàng triệu người Nga.

Ông Nikita Petrov, Phó Chủ tịch Tổ chức Tưởng nhớ Nhân quyền, nói:

"Đây không phải là thảm hoạ tự nhiên, đây là một tội ác được tính toán kỹ bởi nhà nước chống lại người dân. Giờ đây , mọi người không muốn chấp nhận ý tưởng đó vì mọi người không thích nghĩ về đất nước của họ, về chính phủ của họ theo cách như vậy ... Mỗi năm, sự bất bình phản đối việc nghiên cứu hành động tàn bạo của Stalin càng tăng, bởi vì nó cản trở việc tôn vinh giai đoạn lịch sử Xô Viết. "

Từ các tượng đài cho đến các bảng hiệu tưởng niệm – những người chỉ trích cho rằng tư tưởng hoài niệm Stalin đang xâm nhập cuộc sống ngày nay.

Ở thành phố St. Petersburg có xe buýt tư nhân mang tên Stalinbus, do một blogger trẻ huy động vốn. Anh ấy nói không phải anh ấy muốn vinh danh lịch sử Xô Viết.

Anh Victor Loginov, người thực hiện Stalinbus, chia sẻ:

"Dù chủ nghĩa Stalin chắc chắn là vô cùng tàn nhẫn, nhưng nếu không có sự đàn áp và không có số nạn nhân khủng khiếp ấy thì không có sự chuyển đổi của nền văn minh đất nước, từ một quốc gia nông nghiệp thành đất nước công nghiệp, từ tụt hậu kinh tế sang một quốc gia phát triển."

Các nhà quản lý tại Bảo tàng Gulag nói các thế hệ trẻ ngày nay không được dạy về những gì đã diễn ra dưới thời cai trị của Stalin.

Ông Roman Romanov, Giám đốc Bảo tàng Gulag, cho biết:

"Có những người hiện còn sống, đã trải qua những trại tập trung, và tôi cảm thấy có khoảng cách giữa những con người ấy với thế hệ của chúng tôi. Với tất cả các chương trình chúng tôi theo đuổi, chúng tôi cố gắng tạo một nhịp cầu nhỏ giữa các thế hệ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi Stalin là một nhân vật phức tạp.

Ông đã khai trương một đài tưởng niệm vào tháng 10 năm ngoái dành cho các nạn nhân dưới thời đàn áp của Stalin và cảnh báo rằng quá khứ khủng khiếp này không thể bị xóa khỏi ký ức quốc gia của Nga.

Tuy nhiên, những người chỉ trích tố cáo rằng quyền tự do chính trị và lịch sử một lần nữa đang bị tấn công trong nước Nga hiện đại.