Ông Trần Đình Triển, một cựu luật sư nổi tiếng, đã bị phạt ba năm tù hôm 10/1 vì các bài viết trên Facebook trong đó ông chỉ trích các quan chức tòa án tối cao, trong khi các nhóm nhân quyền lên án một cuộc tấn công nữa vào quyền tự do ngôn luận ở quốc gia cộng sản này, AFP đưa tin.
Trần Đình Triển, nguyên phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội, là luật sư mới nhất bị chính quyền nhắm tới vì những gì họ viết trên mạng.
Vị cựu luật sư 65 tuổi bị buộc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo Điều 331 Bộ Luật hình sự.
Hôm 9/1, ông được 12 luật sư bào chữa khi các công tố viên cáo buộc ông đăng các bài viết trên Facebook “không có chứng cứ xác thực kiểm chứng” và “ảnh hưởng uy tín ngành tòa án”, báo Tuổi Trẻ của nhà nước cho biết.
Các nhà vận động nhân quyền cho biết chính quyền ở Việt Nam, một quốc gia độc đảng, trong những năm gần đây đã tăng cường đàn áp xã hội dân sự và sử dụng các điều luật để bịt miệng những người chỉ trích chính phủ.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết Điều 331 – tội lợi dụng quyền tự do dân chủ- đã được sử dụng để kết tội và kết án ít nhất 24 người chỉ trong năm 2024.
Ông Triển, người đứng đầu công ty luật Vì Dân ở Hà Nội, bị bắt vào tháng 6/2024.
Đảm nhận chức phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Hà Nội từ năm 2013-2018, ông Triển đã bào chữa cho các nhà hoạt động và đại diện cho bị cáo trong các vấn đề nhạy cảm như tịch thu đất đai.
Ba bài trên Facebook mà ông bị buộc tội, ông chỉ trích chánh án tòa án tối cao, người mà ông cho rằng đã ngăn cản thành viên gia đình các bị cáo tham dự các phiên tòa cũng như các nhà báo và luật sư không được phép quay video trong các phiên tòa công khai, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
Theo luật sư Mai Đình, một trong những luật sư của ông, một số bài viết của ông cũng ca ngợi cố lãnh đạo đảng Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và công an Hà Nội vì thực hiện công việc “vì người dân”.
Dự án 88, tổ chức ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, cho biết các cáo buộc đối với ông Triển là “vi phạm luật pháp quốc tế”.
Việt Nam có những hạn chế nghiêm ngặt về quyền tự do ngôn luận, và Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam đứng thứ 174 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí, mô tả Việt Nam là một trong những nơi giam giữ các nhà báo tồi tệ nhất thế giới.