Một trong những diễn biến thú vị nhất của kinh tế thế giới năm 2014 là câu chuyện giá dầu giảm. Giá dầu thô Brent trong khoảng 1 năm trở lại đây (tính đến tuần đầu tháng 12) đã giảm xấp xỉ 40%, từ mức dao động xung quanh 110 USD/thùng xuống còn mức dao động quanh 68 USD/thùng. Điều này xảy ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần đi vào ổn định và không có nguy cơ khủng hoảng lớn nào cận kề. Đặc biệt hơn, nó diễn ra trong bối cảnh Trung Đông bất ổn – giai đoạn thường kèm theo nguồn cung dầu khí thế giới sụt giảm và giá tăng.
Điều gì đang xảy ra? Các chuyên gia phân tích nói nhiều về tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và Nhật Bản chậm lại và tình hình kinh tế của khối EU vẫn không có tiến bộ nào đáng kể. Câu chuyện phát triển khai thác dầu khí từ đá phiến (shale oil and gas) ở Mỹ cũng được nhắc đến, kèm theo việc các quốc gia OPEC không đạt được thỏa thuận giảm sản lượng hồi cuối tháng 11.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu không hẳn là yếu tố duy nhất quyết định. Theo IMF, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm nay sẽ vào khoảng 7,4% (so với 7,7% năm 2013) và sẽ giảm tiếp trong năm 2015 xuống còn 7,1% trong khi Nhật Bản chỉ tăng 0,9% (so với 1,5% năm 2013) và còn giảm tiếp xuống 0,8% trong năm 2015. Thế nhưng cũng theo IMF, toàn bộ Châu Á vẫn tăng ở mức 5,5% (bằng với tốc tộ tăng của năm 2013) và dự kiến tăng nhẹ lên 5,6% trong năm 2015. Khu vực EU vẫn tăng 0,8% (so với -0,4% trong năm 2013) và sẽ tăng lên mức 1,3%.
Toàn bộ Châu Âu sẽ tăng 1,5% trong năm 2014 (so với 0,5% trong năm 2013) và tiếp tục tăng lên 1,9% trong năm 2015. Bắc Mỹ (bao gồm Mỹ, Canada, và Mexico) vẫn tăng trưởng tốt, với 2,2% trong năm nay và tăng lên 3,1% trong năm 2015. Tương tự, khu vực Châu Phi hạ Sahara vẫn tăng 5,1% năm nay (bằng năm 2013) và sẽ tăng khoảng 5,8% trong năm 2015.
Tính chung lại, theo IMF, kinh tế thế giới năm 2014 sẽ tăng trưởng ở mức 3,4% và tăng lên 3,8% so với năm 2015, theo ước tính của tổ chức này tại thời điểm tháng 10, 2014. Dự báo này của IMF thấp hơn đôi chút so với dự báo cũng của IMF hồi tháng một cùng năm (3,7% trong năm 2014 và 3,9% trong năm 2015). Điều này góp phần làm kỳ vọng về mức tiêu thụ dầu lửa của thế giới giảm xuống, nhưng chắc chắn không phải là nhân tố chính đẩy giá dầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009 – năm diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Vậy lý do chính của việc giá dầu tụt dốc không phanh trong thời gian vừa qua nằm ở đâu? Phải nhìn thêm từ phía nguồn cung dầu lửa. Từ trước tới nay, có 3 “đại gia” dầu lửa thế giới là Nga, Saudi Arabia, và Mỹ, (Mỹ thường đứng sau 2 nước kia). Thế nhưng gần đây do việc phát triển khai thác dầu khí từ đá phiến ở Mỹ, nước này đã vượt lên dẫn đầu về sản xuất dầu lửa (sau khi đã trở thành nước dẫn đầu về sản xuất khí đốt từ năm 2010). Đây là một diễn biến mới, được châm ngòi bởi sự hoàn thiện về công nghệ gần đây cho phép phương pháp khai thác dầu lửa từ đá phiến trở nên hiệu quả về mặt kinh tế. Kết hợp với việc một số quốc gia có nội chiến những năm trước như Lybia hiện đã quay trở lại chu kỳ sản xuất bình thường.
Thế nhưng tại sao OPEC, nhóm các quốc gia cung ứng tới hơn 1/3 sản lượng dầu mỏ thế giới, không thực hiện cắt giảm sản lượng để đẩy giá lên? Các quốc gia OPEC đều dựa phần lớn vào nguồn thu từ dầu lửa để cân đối ngân sách. Ngoài Qatar và Kuwait là hai nước chỉ cần mức giá dầu dưới 70 USD/thùng đã đủ cân đối được ngân sách, các nước còn lại đều cần giá dầu cao. Thủ lĩnh của OPEC, Saudi Arabia, cần đến mức giá dầu hơn 90 USD/thùng để cân đối thu chi. Vì thế, việc các nước này quyết định không giảm sản lượng trong cuộc họp vào cuối tháng 11 vừa qua là khá bất ngờ, mặc dù không phải không dự đoán được.
Theo nhiều phân tích, lý do chính của quyết định này là OPEC muốn tiến hành một “cuộc chiến giá cả” với các nhà sản xuất dầu lửa, đặc biệt là sản xuất dầu lửa từ đá phiến, của Mỹ. Ngưỡng lợi nhuận để sản xuất dầu lửa từ đá phiến nhìn chung cao hơn so với nguồn từ các phương pháp truyền thống với mức trung bình ở 3 vùng sản xuất lớn nhất ở Mỹ là khoảng 65 USD/thùng theo Bloomberg. Điều đó có nghĩa với cuộc chiến giá cả này, và với việc giá dầu thô đang cận kề ngưỡng 65 USD/thùng, nhiều doanh nghiệp trong ngành khai thác dầu từ đá phiến tại Mỹ đang lâm vào khó khăn và có thể sẽ sớm phá sản.
Nhưng nếu đúng là OPEC tiến hành một cuộc chiến tranh giá cả như vậy, thì lý do tại sao một cuộc chiến như thế lại cần thiết? Lý do là nếu OPEC cắt giảm sản lượng, thì với mức giá cao hơn, đầu tư vào các công ty khai thác dầu công nghệ mới này sẽ thậm chí còn nở rộ hơn, và cuối cùng chính họ là người được hưởng lợi chứ không phải OPEC.
Về lâu dài, OPEC muốn kiểm soát giá cả ở mức không quá cao và cũng không thấp quá. Cao quá có thể dẫn đến việc dịch chuyển tiêu dùng theo hướng tiết kiệm năng lượng và đẩy nhanh việc tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ, gây tổn hại đến lợi ích dài hạn của các nhà sản xuất như OPEC. Thấp quá thì dĩ nhiên là không tốt vì OPEC cần giá đủ cao để cân đối ngân sách.
Việc xuất hiện các công nghệ khai thác mới như khai thác từ đá phiến là một mối đe dọa trực tiếp đến lợi ích dài hạn của OPEC. Đây là các công ty tư nhân, và họ không có lý do gì phải chơi cuộc chơi của OPEC. Nước Mỹ không phải là thành viên của OPEC và giả dụ có muốn thì cũng không thể đẩy các công ty này vào chỗ chết bằng mệnh lệnh hành chính như đột ngột ép giảm sản lượng. Vì thế, nếu các công ty này có điều kiện phát triển và hoàn thiện công nghệ để giảm chi phí hơn nữa, thì quyền lực thị trường của OPEC chắc chắn tiếp tục bị xói mòn.
Đó là chưa kể ngay trong nội bộ của OPEC, với tư cách là một “cartel” – một tổ chức rất lỏng lẻo và không có cách gì để các thành viên buộc nhau phải tuân thủ các quyết định của nhóm – luôn gặp vấn đề trong việc cắt giảm sản lượng. OPEC đã thành công trong một số lần cắt giảm sản lượng (chủ yếu do Saudi Arabia làm) nhưng không phải thành công thường xuyên. Lý do là các thành viên luôn dễ “lừa” nhau – cam kết cắt, nhưng không cắt mà chờ nước khác cắt để hưởng lợi từ giá dầu tăng cao.
Kết hợp các yếu tố này lại thì thấy không lạ là tại sao OPEC lại không giảm được sản lượng trong lần họp cuối tháng 11 năm 2014 vừa qua.
*Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.