“Dạ Quỳnh Hương là thoáng hương thơm dìu dịu,
là màu trắng tinh khiết của những cánh hoa
nở lặng lẽ trong đêm.”
Đêm thơm như một dòng sữa…
“Tôi yêu chữ ‘đêm thơm’ trong câu hát ấy,” Lê Hữu nói như thế, “câu hát của Phạm Duy. Và tôi cũng yêu chữ ‘đêm thơm’ trong câu hát khác, câu hát của Phạm Anh Dũng:
Em ơi, đêm thơm một đóa quỳnh…
Hai câu ấy đều là câu nhạc đầu trong hai bài hát nói về những bông hoa nở về đêm.
Bài hát của Phạm Duy tên là Dạ Lai Hương, bài hát của Phạm Anh Dũng tên là Dạ Quỳnh Hương. Nếu đấy là một sự ngẫu nhiên thì quả là một ngẫu nhiên khá thú vị.”
Đêm thơm, hay là hương thơm dịu dàng của đóa quỳnh nào thoảng trong đêm.
Đã có nhiều bài hát nói về hoa quỳnh. Những bài hát quen thuộc và được yêu thích vẫn là những bài của Phạm Duy, của Trịnh Công Sơn và của Phạm Anh Dũng.
Cành Hoa Trắng của Phạm Duy có một vẻ gì buồn bã, “Người về trong đêm tối / ôm cành hoa tả tơi…”
Quỳnh Hương của Trịnh Công Sơn lại có nét tươi vui, “Quỳnh thơm hay môi em thơm…”
Nghe Dạ Quỳnh Hương của Phạm Anh Dũng, người ta không chỉ nghe được, thấy được vẻ đẹp quyến rũ của hoa thôi mà còn cảm được mối giao tình quyến luyến giữa hoa và người nữa.
Lòng ta nghe xôn xao cây lá xanh tình…
Nghe câu hát ấy mà nghe lòng lâng lâng, nghe tim ngất ngây trong phút giao hòa giữa nhạc và thơ, giữa hoa và người, giữa mộng và thực.
Nghe Dạ Quỳnh Hương, nghe đêm trôi đi chầm chậm, nghe nhạc trôi đi chầm chậm như những cánh hoa mầu trắng chầm chậm nở trong đêm tối.
Đêm bát ngát, đêm mơ màng và thinh lặng. Dạ Quỳnh Hương là thoáng hương thơm dìu dịu, là màu trắng tinh khiết của những cánh hoa nở lặng lẽ trong đêm.
Vẻ đẹp của hoa là vẻ e ấp mà nồng nàn, dịu dàng mà tình tứ, thầm lặng mà quyến rũ.
Vẻ đẹp của hoa là vẻ thanh cao mà đài các của người nữ sắc hương trinh bạch.
Trông hoa lại nhớ người.
Dạ Quỳnh Hương được nhạc sĩ Phạm Anh Dũng phổ từ thơ của một người nữ cùng tên với loài hoa trắng mềm mại nở và tàn trong đêm ấy, Hoàng Ngọc Quỳnh hay Hoàng Ngọc Quỳnh Giao. Nhạc phổ xong thì hoa cũng vừa khép cánh. Tác giả bài thơ, người nữ sĩ tài hoa bạc mệnh ấy đã từ biệt thế gian này để đi về một thế giới khác.
Hoa đã lìa trần, đã lìa xa người. Mối đồng cảm, mối duyên văn nghệ giữa người thơ và người phổ nhạc bài thơ chỉ như cơn gió thoảng, như giấc mơ qua, vì cho đến lúc “hoa lìa cành biếc, hồn theo gió vương” hai con người nghệ sĩ ấy vẫn chưa hề có một lần tương kiến.
Từng cánh khép lại rồi
hoa lả mềm giấc ngủ
Ôi phút hoa hiến dâng
hồn tôi không kịp hái!
Hoa đã khép cánh, đã lả mềm giấc ngủ như câu thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Đóa quỳnh hương khép cánh ấy, Hoàng Ngọc Quỳnh Giao, cô đã tạt ngang qua cuộc đời này, đã lặng lẽ biến mất khỏi cuộc đời này. Cô đã yêu biết mấy cuộc đời này. Cô yêu cái đẹp, yêu thi ca, yêu âm nhạc, yêu hội họa, yêu cỏ hoa “cây lá xanh tình”. Cô đã có những hạnh phúc ngắn ngủi giữa cuộc sống cũng thật ngắn ngủi.
Ôi cuộc sống thật ý nghĩa nhưng cũng thật vô nghĩa. Và chút duyên tri ngộ, và chút tình mong manh tựa như cánh hoa quỳnh mong manh ấy, rồi… "cũng theo hư không mà đi”.
Rồi em theo gió bay
Tình em như bóng mây…
Ngàn thu mây vẫn bay dù mộng không đầy…
(“Tình là hư không”, Phạm Anh Dũng)
Tình Là Hư Không không phải là bài nhạc phổ thơ, nhưng nghe lại rất “thơ” vì tâm hồn người nhạc sĩ là tâm hồn thơ, là tâm hồn yêu nghệ thuật và tìm đến cái đẹp của thi ca.
Những sáng tác của Phạm Anh Dũng, cho dù là “lấy nhạc ghép thơ” hay “lấy thơ ghép nhạc” vẫn luôn luôn là những bài nhạc rất thơ, vẫn luôn luôn là những lời nhạc đẹp tựa lời thơ.
Yêu nhạc, yêu thơ và yêu hoa, Phạm Anh Dũng có đến ba mối tình rất thủy chung (nếu không kể mối tình với người bạn đời và cái nghề tay phải gắn liền với chiếc ống nghe mỗi ngày của anh).
Trước năm 75, chúng ta vẫn có những y sĩ viết văn, làm thơ và có cả những giọng hát thật truyền cảm nữa. Sau năm 75, chúng ta lại có thêm những người viết nhạc trong giới y sĩ, trong số ấy có Phạm Anh Dũng, vẫn được nhiều người yêu nhạc biết đến như là chàng nhạc sĩ có sức sáng tác thật sung mãn và đa dạng như là “cây đàn muôn điệu”. Với số lượng sáng tác lên đến gần 400 bài nhạc – phần lớn là những bài thơ được phổ thành ca khúc – nguồn nhạc hứng trong tim chàng nghệ sĩ ấy vẫn chưa có lúc nào vơi cạn.
Mây đem giấc mơ ngàn ngập tràn nắng thơ
Mưa đưa lá thu vàng về tàn cánh hoa…
(“Gọi mùa thu mơ”, Phạm Anh Dũng)
Nghe những bản tình ca êm dịu của mùa thu là nghe mùa thu kể chuyện tình, những chuyện tình đẹp và buồn như mang theo cả khí hậu của mùa thu ấy.
Nghe những bản tình ca êm dịu của mùa thu để có được những khoảnh khắc hạnh phúc. Cám ơn những khoảnh khắc hạnh phúc như gió thoảng qua ấy, những khoảnh khắc đưa ta về gặp lại những mùa thu xa vắng, những mùa thu chìm lắng trong mơ.
Như tên gọi của bài hát ấy, “Gọi mùa thu mơ”, chắc hẳn Phạm Anh Dũng cũng từng có những giấc mơ, như từng có những phút thả trôi, đắm chìm trong thế giới của âm nhạc.
Cùng với cây đàn muôn điệu ấy, anh đã dạo lên khúc nhạc êm đềm, đã cất cao tiếng hát ca ngợi thương yêu và cuộc sống kỳ diệu. Bằng lời ca tiếng nhạc ấy, anh đã vỗ về, đã xoa dịu những nỗi đau và chữa lành những vết thương trong tâm hồn người giữa cuộc sống nhiều hạnh phúc và cũng lắm khổ đau.
Âm nhạc dịu êm, hương thơm dịu nhẹ, và mầu trắng tinh khiết của những cánh hoa nở chậm trong đêm. Tất cả, như quyện lẫn vào nhau, như trôi đi bềnh bồng trong giấc mơ êm của chàng nghệ sĩ.
Những ca khúc trong chương trình:
- Dạ Quỳnh Hương, phổ thơ Hoàng Ngọc Quỳnh Giao (Trần Thái Hoà hát)
- Tình Là Hư Không, nhạc và lời Phạm Anh Dũng (Mỹ Khanh hát)
- Gọi Mùa Thu Mơ, nhạc và lời Phạm Anh Dũng (Duy Trác hát)
(Biên soạn từ bài viết của Lê Hữu)
Sau năm 75, chúng ta lại có thêm những người viết nhạc trong giới y sĩ, trong số ấy có Phạm Anh Dũng, vẫn được nhiều người yêu nhạc biết đến như là chàng nhạc sĩ có sức sáng tác thật sung mãn và đa dạng như “cây đàn muôn điệu”.