Một quán ăn ở Đà Nẵng, thành phố thu hút nhiều du khách Trung Quốc nhất nhì cả nước, gây tranh cãi công luận sau khi trưng bảng công khai từ chối tiếp khách người Trung Quốc.
Chuỗi quán ăn Ngọc Quý gồm hai tiệm nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, tháng rồi bắt đầu cho treo bảng bằng tiếng Hoa lẫn tiếng Việt: “Quán Ngọc Quý không bán hàng cho người Trung Quốc.”
Hành động này bị xem là nhạy cảm giữa bối cảnh quan hệ Việt-Trung căng thẳng vì tranh chấp Biển Đông và người Việt ngày càng thiếu thiện cảm với Trung Quốc trước các hành động bất chấp luật lệ của Bắc Kinh cùng các hành xử tai tiếng của người Trung Quốc trên thế giới.
Một số người, kể cả giới hữu trách, cho rằng từ chối tiếp khách Trung Quốc là “phản cảm, không nên”, nhưng một số khác lại ủng hộ việc tỏ thái độ dứt khoát đối với những du khách ‘thái quá.’
Còn tác giả tấm bảng gây tranh cãi nói gì? Tạp chí Thanh Niên VOA hỏi thăm chủ nhân 8x của chuỗi quán ăn Ngọc Quý, anh Nguyễn Thành Long, từ Đà Nẵng.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc trao đổi
Your browser doesn’t support HTML5
Chủ quán Ngọc Quý: Từ khi tấm bảng của quán em bị đưa lên báo, khách Trung Quốc có tới em cũng không bán. Trước khi em treo bảng, họ tới thường xuyên nhưng lộn xộn quá, em bực, em mới treo bảng.
Trà Mi: Từ bao giờ anh quyết định cấm cửa khách Trung Quốc?
Chủ quán Ngọc Quý: Không phải em cấm cửa, mà em không thích giao tiếp với họ.
Trà Mi: Khách hàng Trung Quốc có những đặc tính thế nào khiến anh khó chịu?
Chủ quán Ngọc Quý: Họ vô ăn uống không đàng hoàng, không văn minh, không lịch sự. Họ ăn nửa đĩa rồi không chịu trả tiền. Họ vô quán, vô quầy tự tiện lấy hàng, chọn lựa tới lui mà không mua, hạnh họe mình. Ví dụ gói thuốc mình bán 13 ngàn, họ tự ý để 10 ngàn rồi bỏ đi, mình phải lôi đầu họ lại. Mỗi lần nhân viên em tiếp khách Trung Quốc mất từ nửa tiếng tới 45 phút. Họ đi quanh quán, dòm ngó khách, chỉ trỏ món này món kia làm mất khách của em.
Trà Mi: Những đặc tính hành xử anh vừa kể chỉ có ở khách hàng Trung Quốc? Các khách hàng khác có như thế?
Chủ quán Ngọc Quý: Dạ không bao giờ như thế. Khách người Nhật, người Hàn họ ăn xong họ cảm ơn nhân viên phục vụ, bắt tay lịch sự. Khách Trung Quốc vô, nhân viên của em không ai tiếp được hết, sợ lắm rồi.
Trà Mi: Có bao giờ trong những lần đôi co như thế xảy ra xô xát mời chính quyền địa phương đến can thiệp?
Chủ quán Ngọc Quý: Không, quán em không có đôi co. Những quán xung quanh cũng có xảy ra đôi co, chính quyền đến can thiệp rồi. Nhưng chính quyền cũng nói này kia, không hiểu nhau lắm.
Trà Mi: Có trường hợp nào mình chịu thua trước thái độ ngang ngược của họ như vậy không?
Chủ quán Ngọc Quý: Chấp nhận, chính quyền của mình chấp nhận để thua mà, vì họ là khách du lịch. Nhưng chấp nhận vừa thôi, riêng em thì được thì em bán, không được em cho đi. Những người kiểu đó em không thích bán.
Trà Mi: Anh có lường trước việc làm của anh sẽ gây tranh cãi, sẽ có rủi ro hoặc bị trả thù vặt?
Chủ quán Ngọc Quý: Ở đời, mình làm tốt thì điều tốt đến với mình. Mình xấu thì điều xấu ập tới nhanh lắm. Em chẳng sợ gì. Người nào trả thù người đó mang tội thôi.
Trà Mi: Anh có e quyết định này sẽ làm mất khách, nhất là du khách nước ngoài, họ có thể cho là quán của anh thành kiến, phân biệt kỳ thị?
Chủ quán Ngọc Quý: Khách Hàn, Nhật, Âu, Mỹ vẫn tới quán em bình thường. Em không sợ chi hết. Mình làm sao không trái lương tâm là được.
Trà Mi: Kể từ sau khi để bảng, có khác biệt hay ảnh hưởng gì không cho công việc kinh doanh của anh?
Chủ quán Ngọc Quý: Vẫn hoạt động bình thường, lượng khách vẫn bình thường, chỉ có cái là bị chú ý nhiều.
Trà Mi: Có ý kiến cho rằng hành động của anh ‘không nên, phản cảm’ vì động tới tự ái dân tộc của một sắc dân. Anh phản hồi thế nào?
Chủ quán Ngọc Quý: Họ phải nghĩ lại cho hợp lý hợp tình. Mình bán ngon thì họ ăn, không ngon thì trả lại là chuyện bình thường. Còn đây họ ăn nửa, trả lại nửa, không chịu tính tiền.
Trà Mi: Sắc dân nào cũng có người này người nọ, làm vậy có ‘quơ đũa cả nắm’, gây hiềm khích chăng? Anh nghĩ thế nào?
Chủ quán Ngọc Quý: Không, em không ‘quơ đũa cả nắm’ vì trực tiếp em là nạn nhân em mới làm vậy, chứ trước đây em nghe báo đài nhiều lắm. Tới khi bị, em bức xúc em mới làm.
Trà Mi: Ngược lại, nếu một ngày nào đó anh du lịch tới một nước nào đó và bắt gặp một tấm bảng từ chối khách Việt Nam, anh nghĩ sao?
Chủ quán Ngọc Quý: Thì do mình làm sao, đất nước mình làm sao, họ mới đối xử mình thế đó. Mình phải có cái tôi của mình, họ hạnh họe quá, làm quá, áp lực mình quá, mình chịu không được.
Trà Mi: Có người nói làm kinh doanh-dịch vụ là làm dâu trăm họ, nếu khoanh vùng khách kiểu này kiểu nọ thì lợi bất cập hại, anh nghĩ sao?
Chủ quán Ngọc Quý: Khách hàng ai cũng là Thượng Đế hết, ai mình cũng phục vụ hết, ai tốt với mình, mình phục vụ hết mình từ A-Z. Ai không tốt với mình thì mình không tiếp, không bán thôi.
Trà Mi: Khách tới quán anh thấy tấm bảng vậy có thể nghĩ Đà Nẵng không hiếu khách..v..v.. Anh có e hành động của mình làm ảnh hưởng tới du lịch thành phố?
Chủ quán Ngọc Quý: Em không quan tâm tới, em không biết. Nhiều đêm em về, em cũng suy nghĩ nhưng họ hạnh họe mình quá, em không thích.
Trà Mi: Thế phản hồi của nhà chức trách địa phương thế nào? Họ có đề nghị gì không?
Chủ quán Ngọc Quý: Họ không cho em treo bảng thì em rút bảng, nhưng em vẫn giữ nguyên lập trường. Hiện giờ, em đã rút bảng xuống, nhưng khách Trung Quốc vô, em bye bye, em không bán, không tiếp. Công an địa phương có nói với em là không hiểu họ nói gì thì không bán, ai quậy phá thì điện thoại họ xuống giải quyết.
Trà Mi: Trước giờ, có bao giờ anh báo công an và được hiệu quả như mong đợi chăng?
Chủ quán Ngọc Quý: Em nghĩ họ mới hạnh họe thôi, chưa đập phá đồ đạc gì của mình, nên em nghĩ chưa tới mức độ phải kêu công an đến làm phiền họ. Chứ họ làm căng thì em sẽ điện công an tới liền. Khách hàng ai em cũng tiếp, nhưng người Trung Quốc họ không tôn trọng mình.
Trà Mi: Mở cửa du lịch, hay nói cụ thể trong trường hợp của anh là mở cửa làm ăn kinh doanh, không thể chọn khách. Mình buộc phải tiếp những vị khách đa dạng, kể cả những người kém văn minh. Không cấm cửa được họ thì có cách nào khiến cho khách tới nhà phải tôn trọng chủ nhà?
Chủ quán Ngọc Quý: Việt Nam không có luật nghiêm, Việt Nam mình không quán triệt, làm rõ những chuyện đó. Em mong muốn phải hạn chế các tour du lịch ‘không đồng’ của Trung Quốc. Bên Trung Quốc họ khuyến khích dân đi Việt Nam bằng cách mở các ‘tour không đồng’ cho dân ai đi cũng được, miễn phí, không cần trả tiền, chỉ cần tiền ăn uống thôi. Nhà nước họ hỗ trợ đi. Đó là chuyện vô lý. Họ có mục đích gì đó họ mới cho qua bên này như thế. Qua quậy phá thế này thế kia. Ở đây buôn bán, em thấy có nhiều trường hợp khả nghi, nguy hiểm lắm.
Trà Mi: Bình diện chung người dân Đà Nẵng đón nhận khách Trung Quốc thế nào?
Chủ quán Ngọc Quý: Không nồng nhiệt vì họ không văn minh, họ không lịch sự. Họ qua đây họ coi thường mình lắm. Họ đi tour qua Đà Nẵng họ hỏi ‘Biển Trung Quốc ở đâu?’ chứ không phải là ‘Biển Đà Nẵng ở đâu?’ Họ đi từng đoàn, ăn nói tiếng to. Vô chợ, họ chọn lựa hàng hóa lấy lên, bỏ xuống, rồi không mua. Họ khinh thường mình vì họ nói hàng này nhập từ Trung Quốc qua mà. Không hiểu sao hết 80% khách du lịch Đà Nẵng là người Trung Quốc rồi. Em cũng nghe nói đất đai ở Đà Nẵng này người Trung Quốc họ mua sắp hết rồi. Không biết về sao đường mô mình ở đây.
Trà Mi: Với những bức xúc, quan ngại như thế, anh muốn nói gì với giới hữu trách?
Chủ quán Ngọc Quý: Em cũng mong chính quyền Việt Nam, chính quyền Đà Nẵng, phải làm ráo riết. Phải có cảnh sát du lịch đi tuần thường xuyên, thấy đụng chuyện phải tới liền. Phải bảo vệ nhiều hơn cho dân mình. Đừng để dân mình chịu thiệt thòi, đừng để ai khổ hết. Đừng để ai coi thường mình, coi thường đất nước mình hết. Vì răng để họ coi thường mình như thế? Phải có mục đích gì họ mới coi thường mình như thế chứ? Cũng do người Việt hại người Việt mình thôi, chẳng hạn như nhập hàng độc hại từ Trung Quốc. Còn hàng của mình làm lại bán cho dân họ, làm đôn giá lên với dân mình. Dân đói thì phải mua đồ giá rẻ của Trung Quốc về ăn. Kinh tế là một mặt, mà vì sao chính quyền mình không can thiệp đi? Nhiều chuyện lắm..
Trà Mi: Cảm ơn anh rất nhiều vì thời gian dành cho cuộc trao đổi này.