Hải quân Việt Nam hôm 13/8 đã triển khai thủy phi cơ ra Trường Sa để đưa một người bị thương vào đất liền chữa trị.
Theo truyền thông trong nước, ba ngày trước đó, một công nhân bị tai nạn lao động khi “khi đang làm bờ kè”, và “đầu bị đập vào đá bất tỉnh”.
Đến ngày 12/8, bệnh tình của công nhân được cho là thuộc quân chủng phòng không, không quân “chuyển biến xấu”.
Chính vì thế, theo tờ Tuổi Trẻ, Bộ tư lệnh Hải quân đã “đề nghị” Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng thủy phi cơ DHC-6 chở kíp quân y của Bệnh viện 175 từ Cam Ranh, Khánh Hòa, ra Trường Sa để đưa bệnh nhân về đất liền chữa trị.
Đây không phải lần đầu tiên Việt Nam triển khai máy bay đưa bác sĩ ra Trường Sa cứu người. Hồi đầu năm, theo báo chí trong nước, một binh sĩ đã “ngã và tràn máu ổ bụng”.
Sau đó, tin cho hay, Bộ tổng tham mưu và Quân chủng hải quân Việt Nam đã điều máy bay đưa kíp phẫu thuật hồi sức gây mê ra hỗ trợ phẫu thuật tại bệnh xá đảo Trường Sa Lớn.
Phản đối
Hồi tháng Tư năm nay, Việt Nam trao công hàm cho đại diện Đại sứ quán Trung Quốc, phản đối việc nước này đưa máy bay quân sự xuống một đảo nhân tạo ở Trường Sa để, theo lời Bắc Kinh, đưa ba công nhân bị bệnh bay về thành phố Tam Á thuộc đảo Hải Nam để điều trị.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, đại diện của Bộ này tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để "trao công hàm phản đối".
Ông Bình nói thêm: "Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không để tái diễn các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam".
Hãng tin Reuters trước đó đưa tin, máy bay quân sự Trung Quốc lần đầu tiên đáp xuống đường băng sân bay mới mà Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập thuộc khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Báo chí Trung Quốc đưa tin, máy bay này đang tuần tra trên vùng biển tranh chấp thì nhận được cuộc gọi khẩn cấp yêu cầu đáp xuống để sơ tán ba công nhân bị bệnh nặng trên đảo.
Sau đó ba người này được đưa đến máy bay vận tải trở về Đảo Hải Nam để chữa trị.
Theo Tuổi Trẻ, VnExpress, VTV, Reuters, MOFA