Tân Quốc hội Campuchia hôm 22/8 chuẩn thuận để tướng quân đội bốn sao Hun Manet làm thủ tướng, hoàn tất cuộc chuyển giao quyền lực lịch sử ở một đất nước đang thay đổi nhanh chóng do cha ông là Hun Sen lãnh đạo trong gần bốn thập kỷ qua, theo Reuters.
Ông Hun Manet, 45 tuổi, được đào tạo ở phương Tây, nhận được sự ủng hộ áp đảo của Quốc hội do Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông chiếm đa số, sau cuộc bầu cử hồi tháng 7 đã bị nước ngoài phản đối vì cho rằng đó là một trò giả hiệu và không có bất kỳ phe đối lập đáng kể nào.
Ông Hun Manet phát biểu với các nhà lập pháp rằng cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng, đồng thời hứa rằng ông sẽ thực hiện các chính sách của đảng CPP và đảm bảo hòa bình, tăng trưởng kinh tế, cơ sở hạ tầng tốt hơn và tăng lương cho công chức và công nhân may mặc.
Ông ca ngợi cha mình và thế hệ chính trị gia lớn tuổi đã chèo lái Campuchia từ những năm nội chiến tàn khốc sang kỷ nguyên hòa bình, phát triển và cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân.
“Trí tuệ sáng suốt, kinh nghiệm đa dạng, tính thực dụng và mức độ lão luyện, thông minh, sắc sảo mà (ông Hun Sen) và các nhà lãnh đạo kiệt xuất đã thể hiện… là một nghệ thuật lãnh đạo tinh thông mà thế hệ tương lai chúng ta chỉ có thể khao khát”, ông Hun Manet bày tỏ qua một bài diễn văn.
Ông Hun Sen, 71 tuổi, cựu quân du kích Khmer Đỏ và một nhân vật quyền uy theo phong cách tự ông hình thành, đã cam kết tiếp tục tham gia chính trị với các vai trò khác trong ít nhất một thập kỷ, điều mà các chuyên gia coi là động thái nhằm chống lại những thách thức tiềm ẩn đối với con trai ông.
Là một trong những nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất thế giới, ông Hun Sen bày tỏ mong muốn trở thành chủ tịch thượng viện vào năm tới.
Cho đến khi ông Hun Manet có bài diễn văn trước quốc hội hôm 22/8, người ta chỉ biết rất ít về tầm nhìn của ông về Campuchia, một quốc gia có 16 triệu dân, rất ít người trong số họ từng sống dưới sự lãnh đạo của một nhà lãnh đạo khác ngoài người cha của ông Hun Manet.
Những tháng đầu cầm quyền của ông Hun Manet sẽ được các cường quốc lớn theo dõi để tìm dấu hiệu liệu ông có ủng hộ cách tiếp cận tự do hơn và cải thiện mối quan hệ căng thẳng của Campuchia với phương Tây hay có kế hoạch giữ nguyên hiện trạng độc tài của cha mình và ở lại trong phạm vi ảnh hưởng của Trung Quốc hay không.
Liệu ông Hun Manet sẽ tiếp tục phong cách lãnh đạo mạnh mẽ của cha mình hay đưa ra những cải cách dân chủ cho Campuchia và cải thiện quan hệ với phương Tây?
Ông Hun Manet xuất thân thế nào?
Là con cả trong số 5 người con của ông Hun Sen, ông Hun Manet sinh năm 1977 ở vùng nông thôn Campuchia. Cha ông nói rằng con trai ông được sinh ra từ một linh hồn xuất hiện từ một cây đa trong một tia sáng.
Ông Hun Manet kết hôn với Pich Chanmony, con gái của một chính trị gia Campuchia nổi tiếng và có ba người con.
Không giống như cha mình, ông Hun Manet được học hành và có bằng cấp cao, trong đó ông có bằng thạc sĩ tại Đại học New York và bằng tiến sĩ tại Đại học Bristol của Anh, cả hai bằng đều về kinh tế.
Kinh nghiệm gì?
Tốt nghiệp học viện quân sự West Point ở Hoa Kỳ, ông Hun Manet, 45 tuổi, đã nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ lực lượng vũ trang Campuchia, lãnh đạo một đội chống khủng bố và giữ chức phó chỉ huy đơn vị cận vệ của cha mình, đồng thời là tư lệnh lục quân, phó tổng tư lệnh quân đội.
Trên mặt trận chính trị, ông đã lãnh đạo cánh thanh niên của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền và là thành viên của ủy ban thường vụ - những động thái ngày càng gia tăng đã nâng cao danh tiếng của ông trong các thế hệ trẻ.
Vào cuối năm 2021, ông Hun Sen tuyên bố rằng con trai Hun Manet sẽ là người kế vị được chỉ định của mình và sau đó ông Hun Manet được đảng CPP phê chuẩn là “thủ tướng tương lai”. Ông là một ứng cử viên trong một cuộc bầu cử vào tháng trước đã bị nhiều người phản đối vì họ cho rằng có khiếm khuyết do không có bất kỳ đối thủ đáng kể nào của CPP.
Chiến lược tiếp vị của ông Hun Sen?
Sau khi khống chế được những thách thức trong và ngoài nước trong suốt 38 năm cầm quyền, ông Hun Sen đã đảm bảo cho con trai mình được hưởng nền giáo dục và huấn luyện quân sự vô song, một động thái mà các nhà phân tích chính trị cho là nhằm đảm bảo sự kế vị là hợp pháp giữa công chúng, CPP và giới tinh hoa của đất nước và không bị xem là gia đình trị thuần túy.
Không nao núng trước những lời chỉ trích của phương Tây, ông Hun Sen đã điều hành một cuộc trấn áp kéo dài nhiều năm đối với các đối thủ của mình, với hàng loạt vụ bắt giữ hoặc bỏ tù vắng mặt, loại bỏ trên thực tế phe đối lập của ông và dọn đường cho một sự kế vị suôn sẻ.
Ông Hun Sen dự định đóng một vai trò chính trị tích cực trong ít nhất một thập kỷ, có thể nhằm mục đích bảo vệ con trai ông khỏi những thách thức nội bộ để cho phép ông xây dựng cơ sở quyền lực của riêng mình. Cựu thủ tướng có kế hoạch trở thành chủ tịch thượng viện.
Phong cách lãnh đạo của Hun Manet?
Người ta biết rất ít về tầm nhìn của ông Hun Manet đối với Campuchia. Ông không được quốc tế biết nhiều và ông hiếm khi trả lời phỏng vấn.
Nhiều lần xuất hiện trước công chúng trong những năm gần đây chỉ dừng ở mức gặp gỡ xã giao, chụp ảnh selfy với những người ủng hộ và vẫy tay, mỉm cười trước đám đông.
Ông có đưa ra một số lời phát biểu trong quá trình vận động bầu cử, tương tự như lời lẽ cay độc của cha ông, bao gồm cả việc gọi các đối thủ ở nước ngoài là “những kẻ cực đoan”.
Ông sẽ cầm quyền với phong cách khác?
Các cường quốc lớn sẽ theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu liệu ông Hun Manet sẽ duy trì nguyên trạng độc tài hay theo đuổi tự do hóa lớn hơn và một phong cách dân chủ phương Tây hơn.
Các cải cách dân chủ khó có thể sớm xảy ra và có thể yêu cầu ông từ bỏ một số quyền kiểm soát của CPP đối với các tổ chức độc lập quan trọng, đồng thời mở lại không gian chính trị cho các đối thủ và công đoàn.
Những động thái như vậy có thể khiến chính phủ của ông phải đối mặt với sự giám sát của công chúng, một điều lạ lẫm so với trước đây, và có nguy cơ làm đảo lộn mạng lưới ủng hộ và sự cân bằng quyền lực mà ông Hun Sen đã quản lý thành công trong nhiều năm.
Ông Hun Manet từ chối trả lời câu hỏi của một phóng viên trong cuộc bầu cử về việc liệu ông có cai trị khác với cha mình hay không. Trong bài phát biểu sau khi trở thành thủ tướng, ông hứa sẽ cải thiện nền kinh tế, pháp quyền và công bằng xã hội, cũng như phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu và tăng lương cho công nhân nhà máy và công chức.
Các cường quốc nước ngoài sẽ tìm kiếm manh mối về việc liệu những trải nghiệm của ông khi sống ở Anh và Mỹ có thể dẫn đến những cải thiện trong mối quan hệ đầy thử thách của Campuchia với phương Tây hay nỗ lực giảm sự phụ thuộc kinh tế và phụ thuộc chính trị vào Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN hồi đầu tháng này nói với Reuters rằng tổ chức này hy vọng sẽ sớm đón tiếp ông Hun Manet tại New York, đồng thời lưu ý rằng ông là “một người khác” so với người cha của ông.