Đường dẫn truy cập

‘Truyền ngôi’ cho Hun Manet và ảnh hưởng ngoại giao


Ông Hun Manet
Ông Hun Manet

Bất chấp các tuyên bố gây chóng mặt của Samdech Hun Sen, hy vọng Campuchia sẽ có nội các mới trong tháng 8. Phương Tây kỳ vọng gì từ chính phủ do cựu sinh viên West Point cầm đầu? Bất hòa tiềm ẩn với Việt Nam láng giềng liệu có được hóa giải và tân nội các sẽ đối mặt với di sản của Hun Sen ra sao?

Phương Tây kỳ vọng gì ở nội các mới?

Ông Hun Sen từng giải thích rằng việc chuyển giao quyền lực cho con trai ông không phải do quan hệ gia đình, mà là để duy trì hòa bình và ổn định tại Campuchia. Năm 2021, Samdech Hun Sen còn tuyên bố, con trai Manet của ông sẽ chưa đảm nhận ghế thủ tướng trước năm 2028, thậm chí trước 2030. “Tôi vẫn đứng vững, vậy con trai tôi làm thủ tướng có ích lợi gì?”, ông chất vấn như thế Nhưng sau một thời gian, Hun Sen lại thay đổi ý định tại vị và cho biết sẽ sớm “nhường ngôi cho thái tử” (1). Việc chuyển giao quyền lực có thể diễn ra muộn nhất là ba hoặc bốn tuần sau cuộc bầu cử ngày 23/7/2023. Tuy nhiên, ngày 3/8/2023, tại lễ khánh thành đường vành đai ở thủ đô Phnom Penh, Thủ tướng Hun Sen, một lần nữa, lại “xoay như chong chóng” khi tuyên bố, ông sẽ quay trở lại ghế lãnh đạo chính phủ nếu Hun Manet, con trai và cũng là người kế nhiệm ông gặp nguy hiểm tính mạng (2).

“Khmer Times”, dẫn lại tuyên bố của Hun Sen: “Tôi muốn cảnh báo rằng, nếu con trai tôi có nguy cơ tử vong, khả năng cao là tôi sẽ trở lại làm thủ tướng. Nếu Hun Manet gặp nguy hiểm đến tính mạng, tôi sẽ phải trở lại làm thủ tướng một thời gian, sau đó tôi sẽ quyết định ai có thể đảm đương chức vụ này”. Nhà lãnh đạo Campuchia giải thích thêm, điều này sẽ giúp cho đất nước tránh rơi vào hỗn loạn và đảm bảo hạnh phúc bình yên cho người dân. Ông Hun Sen cũng tiết lộ, bản thân đã thông báo cho Ủy ban thường vụ của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) về quyết định này từ tháng 12/2021. Sau khi đảng CPP giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử ngày 23/7, ông Hun Sen hôm 26/7 thông báo sẽ từ chức thủ tướng và người kế nhiệm ông sẽ là con trai trưởng, Tướng Hun Manet, Phó tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoàng gia, kiêm Tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia. Sau khi rời ghế thủ tướng, ông Hun Sen, 70 tuổi dự kiến sẽ trở thành Chủ tịch Thượng viện kiêm Chủ tịch Hội đồng Tôn vương Vương thất Campuchia, cơ quan gồm 9 thành viên chịu trách nhiệm lựa chọn Quốc vương (3).

Triển vọng về một tân thủ tướng ở Campuchia và một nội các mới tập trung vào giới trẻ – một số người, như Hun Manet, được giáo dục ở phương Tây – đã khiến một số nhà bình luận phỏng đoán rằng đất nước này sẽ có thể trải qua quá trình thiết lập lại chính sách ngoại giao. Hun Manet, 45 tuổi, được đào tạo ở Mỹ và Anh, nói tiếng Anh lưu loát và thường có hình ảnh quốc tế hơn cha mình, lớn lên trong bối cảnh Mỹ can dự vào Campuchia trong những năm 1970. Về phong cách, một chính quyền non trẻ do Hun Manet lãnh đạo, nhiều khả năng sẽ muốn có bang giao tốt hơn với các nền dân chủ phương Tây, vốn cũng quan tâm đến việc cải thiện quan hệ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là ít chú ý hơn đến các vi phạm nhân quyền và suy thoái dân chủ ở Campuchia, các nhà phân tích nói với “Asia Times”. Đảng CPP cầm quyền lâu năm đã thắng thêm một cuộc tổng tuyển cử rõ ràng là có gian lận hôm 23/7, chiếm tất cả trừ năm ghế tại Quốc hội trong một cuộc tranh cử mà đảng đối lập khả thi duy nhất (đảng Ánh Nến) bị cấm cạnh tranh và có gần nửa triệu phiếu bất hợp lệ (4).

Giới quan sát cho rằng một khi nắm quyền, Hun Manet và chính quyền mới trẻ trung của ông có thể sẽ thay đổi một số cách tiếp cận của Campuchia, ít nhất là về giọng điệu, đối với Hoa Kỳ và phương Tây. Manet được đào tạo tại Học viện Quân sự ưu tú của Mỹ ở West Point, New York, và sau đó học tại Đại học New York và Đại học Bristol ở Anh. Ông đã tham gia một số cuộc tập trận do phương Tây chỉ huy trong thời gian làm Tư lệnh quân đội. Một số quan chức trẻ khác dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng vào tháng này, khi nội các mới được thành lập, cũng đã được đào tạo từ phương Tây. Chhay Rithysen, người có khả năng trở thành Bộ trưởng Kế hoạch nông thôn tiếp theo, từng học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ưu tú của Mỹ (5). Tuy nhiên, vẫn còn đó một số hoài nghi cho rằng, con trai các nhà độc tài sẽ ít độc tài hơn các bậc cha chú. Theo Giáo sư từ Đại học Griffith Lee Morgenbesser, không nhất thiết được giáo dục ở phương Tây thì nhà cai trị sẽ ôn hòa hơn. Giáo sư Morgenbesser cho rằng: “Con trai của một nhà độc tài kế vị nhà độc tài, thì câu chuyện luôn là anh ta là một nhà cải cách tiềm năng, một người ôn hòa tiềm năng, một người tiến bộ tiềm năng, vì anh ta được giáo dục theo phương Tây. Nhưng tôi chưa bao giờ thấy những điều này trên thực tế cả!” (6)

Xung khắc Cam – Việt sẽ được hóa giải?

Không ai hy vọng, những xung khắc từ quá khứ để lại sẽ được giải quyết dưới thời tân Thủ tướng Hun Manet. Thứ nhất, 16% đường biên giới trên bộ chưa được cắm mốc, dù bản đồ của Pháp và Liên Hiệp Quốc đã nêu rất rõ… Vấn đề biên giới giữa hai nước là chủ đề nhạy cảm tại Campuchia và nhiều nhân vật trong chính trường đã lên tiếng phản pháo. Ở Campuchia từng có niềm tin rằng, quốc gia này đã để mất Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ) và đảo Koh Tral (đảo Phú Quốc hiện nay) vào tay Việt Nam. Theo Tiến sĩ Heng Kimkong, vẫn còn các bộ phận cư dân Campuchia nhất định tin vào điều này, và thường xuyên lặp lại cáo buộc chính phủ Campuchia đang vận hành dưới tầm ảnh hưởng của Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam giúp Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, tuy nhiên sau khi duy trì sự hiện diện quân sự từ năm 1979 đến 1989 đã tạo những cái nhìn khác nhau trong giới đối lập với đảng cầm quyền CPP của ông Hun Sen. Vấn đề vướng mắc thứ ba trong quan hệ hai nước là hàng chục ngàn người lao động gốc Việt phải chịu cảnh sống 'vô chính phủ' tại Campuchia khi không được nhập quốc tịch. Năm 2022 có hơn 100.000 người Việt đang sinh sống tại Campuchia, theo truyền thông Việt Nam (7).

Nhưng có lẽ vướng mắc sẽ còn dài dài giữa Campuchia và Việt Nam là vấn để Căn cứ hải quân Ream ở Campuchia do Trung Quốc xây dựng và sắp hoàn thành một bến tàu có thể neo đậu một hàng không mẫu hạm. Hình ảnh thương mại của vệ tinh cho thấy, việc xây dựng Căn cứ Ream tương tự một cách đáng kinh ngạc với một bến tàu mà quân đội Trung Quốc sử dụng tại căn cứ hải ngoại duy nhất của họ ở Djibouti. Dennis Wilder, cựu chuyên gia hàng đầu của CIA về quân đội Trung Quốc, cho biết căn cứ Ream sẽ có giá trị chiến lược lớn nhất một khi căng thẳng trên Biển Đông có thể dẫn đến đối đầu quân sự. Evan Medeiros, một chuyên gia khác về Trung Quốc tại Đại học Georgetown, cho biết: “Căn cứ hải quân ở Campuchia làm tăng ảnh hưởng khu vực của Trung Quốc ở Đông Nam Á, cho thấy thế giới đang phát triển theo hướng nhanh chóng trở thành đấu trường cho cuộc cạnh tranh quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” (8).

Một vài di sản khác “hậu Hun Sen”

Nếu nhìn quanh các nhà độc tài châu Á trong lịch sử, thật khó có thể xếp Hun Sen vào loại nào? Ông có giống Park Chung-hee, người từng hứa “sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công, dù chỉ một đồng… và sẵn lòng chết cho lý tưởng mà mình đã đề ra”? Chắc chắn là không! Cha con ông Hun Sen có giống cha con Tưởng Giới Thạch, dù vẫn độc đảng, nhưng bắt đầu cởi mở hơn với các phong trào chính trị đối lập? Về cuối đời, Tưởng giảm bớt sự kiểm soát của chính quyền với các phương tiện truyền thông, cũng như cho phép người bản địa Đài Loan tham gia nắm quyền (người kế nhiệm con ông, Tưởng Kinh Quốc, là Lý Đăng Huy). Chúng ta có thể so sánh tiếp với cha con Lý Quang Diệu… để thấy rằng, các nhà độc tài Á Đông trước đây có chung một đặc điểm, họ độc tài không phải để bám giữ quyền lực, mà họ muốn tập trung sức mạnh trong tay để lấy các quyết định nhanh chóng và dứt khoát. Họ biết cách lắng nghe và biết cách huy động trí thức cùng với các tầng lớp dân cư trong xã hội để phấn đấu thành cường quốc bậc trung trong thời gian ngắn nhất. Lý Quang Diệu ra đi chỉ để lại một căn nhà cho các con.

Dẫu rằng mọi so sánh đều tương đối, nhưng hậu thế chắc chắn sẽ không xếp Hun Sen vào hàng ngũ các bậc tiền bối nói trên. Thủ tướng Hun Sen và phu nhân Bun Rany có 6 người con, trong đó ba con trai gồm Manet, Manith và Many là những gương mặt nổi bật trên chính trường Campuchia. Tổ chức phi chính phủ Global Witness (Anh) đưa ra thông tin, chỉ tính một mình con gái lớn của Hun Sen là Hun Mana, đang nắm giữ hàng chục công ty, và được đánh giá là nhân vật quan trọng nhất trong “đế chế kinh doanh” của gia đình. Khoảng 27 người thân của ông Thủ tướng được cho là có liên quan tới các công ty có giá trị vốn cổ phần nhiều trăm triệu USD. Giới phân tích cho rằng, những con số này còn xa với thực thực tế (9). Tuy nhiên, có sự khác nhau thú vị giữa độc tài CPP và ĐCSVN. Một bên là độc tài cá nhân, Hun Sen có một “bàn tay sắt” trong quản trị đất nước, còn ĐCSVN là “độc tài tập thể”, “vua tập thể” … Đứng về tính hiệu quả, đặc biệt là sự độc lập trong chính sách đối ngoại, vênh nhau tương đối giữa CPP và ĐCSVN cũng là một điều bất ngờ và dễ nhận ra.

(1) https://www.voanews.com/a/cambodia-s-longtime-ruler-hun-sen-says-son-can-become-pm-in-3-4-weeks/7190511.html.

(2) https://www.rfa.org/english/news/cambodia/hun-sen-hasty-08032023161709.html

(3) https://www.aljazeera.com/news/2023/7/26/cambodia-leader-hun-sen-to-stepdown-hand-over-power-to-son.

(4 – 5) https://asiatimes.com/2023/07/will-hun-manet-reset-ties-with-the-west/.

(6) https://www.reuters.com/world/asia-pacific/like-strongman-like-son-cambodias-hun-manet-makes-political-debut-2023-07-20/.

(7) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/crgr8d8kk3do

(8) https://www.ft.com/content/cec4bbb9-8e92-4fc1-85fb-ded826a735c5

(9) https://vietnamthoibao.org/vntb-campuchia-co-tham-nhung-nhieu-nhu-viet-nam-khong/

  • 16x9 Image

    Hoàng Trường

    Hoàng Trường là bút hiệu một nhà báo tại Hà Nội. Tác giả hiện đang công tác tại một tạp chí nghiên cứu tại Việt Nam. Các bài viết của Hoàng Trường là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG