Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ họp vào ngày 21/3 để thảo luận về vấn đề “nhân sự” trong lúc có thông tin về khả năng từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và những đồn đoán về một cuộc cải tổ trong giới lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản.
Một bản sao bức thư gửi các đại biểu Quốc hội, mà VOA xem được, cho thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội “quyết định triệu tập” Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV “để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.” Theo bức thư được Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường ký gửi các đại biểu, phiên họp bất thường sẽ diễn ra tại Nhà Quốc hội ở Hà Nội sáng ngày 21/3/2024.
Reuters và Bloomberg cũng đưa tin về việc Quốc hội Việt Nam triệu tập phiên họp bất thường trong tuần này qua thông tin từ bức thư gửi tới các nhà lập pháp trong nước.
Một quan chức Việc Nam thông báo về vấn đề này đã xác nhận với Reuters về cuộc họp nhưng báo chí do Nhà nước quản lý chưa đưa ra bất kỳ thông tin nào về kỳ họp bất thường này. VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội khóa XV diễn ra hồi tháng 1 vừa qua, trong đó các nhà lập pháp thông qua một số luật gồm Luật Đất đai (sửa đổi) và đưa ra quyết định về các vấn đề tài chính, ngân sách.
Hãng tin Reuters của Anh và Bloomberg của Mỹ trích dẫn các nguồn tin riêng cho biết các đại biểu trong cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 21/3 có thể thảo luận về việc Chủ tịch Thưởng từ chức. VOA không thể độc lập kiểm chứng các thông tin này.
Reuters là hãng tin đầu tin đưa ra thông tin về cuộc họp bất thường và khả năng từ chức của ông Thưởng hôm 17/3.
Các đồn đoán về khả năng ông Thưởng từ chức xuất hiện giữa lúc chính phủ Việt Nam, do Đảng Cộng sản cầm quyền, đang tăng cường nỗ lực loại bỏ những hành vi sai trái của các quan chức cấp cao trong Đảng và Chính phủ trong bối cảnh chiến dịch chống tham nhũng, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo.
Thông tin Quốc hội Việt Nam triệu tập kỳ họp bất thường được đưa ra sau khi Hoàng gia Hà Lan thông báo về về việc Việt Nam yêu cầu hủy chuyến thăm cấp nhà nước của Vua và Hoàng hậu vốn được dự kiến diễn ra vào tuần này theo lời mời của ông Thưởng.
Thông cáo báo chí mà Hoàng gia Hà Lan đưa ra hôm 12/3 cho thấy Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima sẽ thăm Việt Nam từ 19 đến 22 cùng một phái đoàn gồm 140 doanh nhân và được lên lịch gặp cả 4 lãnh đạo cao nhất ở Hà Nội, gồm cả ông Thưởng. Tuy nhiên, trong một thông báo đưa ra sau đó 2 ngày, Hoàng gia Hà Lan cho biết chuyến thăm đã bị hủy bỏ vì “những lý do nội bộ” của Việt Nam.
Vào tháng 1 năm ngoái, Quốc hội Việt Nam cũng tiến hành họp phiên bất thường để xem xét miễn nhiệm chức danh Chủ tịch nước của ông Nguyễn Xuân Phúc. Ông Phúc, như truyền thông trong nước đưa tin, đã xin thôi chức khi chưa hết nhiệm kỳ trong bối cảnh biến động chính trường chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam lúc đó.
Ngoài ông Phúc, hai phó thủ tướng từng dưới thời ông, là Phạm Bình Minh và Võ Đức Đam, cũng phải thôi chức vì trách nhiệm liên đới trong các đại án tham nhũng, gồm chuyến bay giải cứu và Việt Á.
Ông Thưởng, 53 tuổi, là người lên thay ông Phúc trên cương vị chủ tịch nước từ tháng 3/2023 và được coi là nhân vật quyền lực thứ 2 ở Việt Nam sau tổng bí thư Đảng. Ông Trọng từng kiêm nhiệm chức chủ tịch nước, sau khi ông Trần Đại Quang bất ngờ qua đời, cho đến khi ông Phúc được bầu vào vị trí này sau một nhiệm kỳ làm thủ tướng.
Chiến dịch “đốt lò” ngày càng sâu rộng ở Việt Nam, khiến cả chủ tịch nước mất chức, được nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước xem là sự đấu đá và tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng dưới cái tên trấn át tham nhũng.