Một triển lãm hội họa về Điện Biên Phủ đã bị giới chức thành phố Hà Nội yêu cầu tạm dừng ngay trước giờ khai mạc để thẩm định một trong các tác phẩm trưng bày được cho là vẽ cờ “quá rách” và anh bộ đội “không đẹp”, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Theo truyền thông trong nước, triển lãm mang tên “Điện Biên Phủ” dự kiến trưng bày tranh của họa sỹ Mai Duy Minh đã được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép nhưng ngay sát giờ khai mạc ngày 7/5 bị hoãn lại do có ý kiến từ Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm vì muốn lập hội đồng duyệt lại.
Sở VHTTDL Hà Nội được Tuổi Trẻ trích lời nói rằng một số bức tranh dự kiến được trưng bày tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam ở Hà Nội nhân kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, đánh dấu sự thất bại của quân đội Pháp ở Việt Nam, “dễ gây hiểu nhầm” và phải đợi sở thẩm định lại “trong một thời gian gần nhất có thể.”
Theo VTC News, nội dung văn bản của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm không nêu rõ các tác phẩm có sai sót gì mà chỉ yêu cầu đơn vị phê duyệt là Sở VHTTDL Hà Nội phải rà soát lại.
Còn theo Tuổi Trẻ, lý do triển lãm phải tạm hoãn được nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo – một thành viên hội đồng duyệt triển lãm thuộc Sở VHTTDL Hà Nội từng tham gia duyệt triển lãm này – cho biết là do có những ý kiến cho rằng bức tranh chính của triển lãm vẽ “lá cờ bị rách quá” và vẽ “anh bộ đội không đẹp, không đúng về giải phẫu.”
Nhân vật trung tâm trong bức ảnh, mà họa sỹ Mai Duy Minh mất 10 năm để sáng tác, là một anh bộ đội gầy gò, đứng trên đống đổ nát của chiến trường và vẫy một lá cờ bị rách.
Nhận định về việc vẽ “anh bộ đội không đúng về giải phẫu,” ông Bảo nói rằng trên thế giới có một trường phái như vậy. Còn việc vẽ là cờ bị rách, ông Bảo nói rằng đó là một trường phái hiện thực khách quan.
Tuy nhiên nhà phê bình mỹ thuật này cũng cho rằng “cờ trong trận chiến ác liệt như thế thì nó phải rách nhưng đây lại rách quá, đáng lẽ vẽ rách ít thôi,” theo Tuổi Trẻ.
Theo VTC, hình ảnh người lính Điện Biên trong khoảnh khắc chiến thắng được họa sỹ Mai Duy Minh khắc họa không có thân hình vạm vỡ, quân dung tươi tỉnh và trang phục chỉnh tề như các tác phẩm mỹ thuật quen thuộc trước đây và nhiều ý kiến cho rằng bức tranh này chính là nguyên nhân khiến triển lãm bị tạm dừng.
Việc tạm hoãn vô thời hạn triển lãm hội họa “Điện Biên Phủ” của họa sỹ Mai Duy Minh đã khiến nhiều người thất vọng và gây ra những tranh cãi trong cả công chúng lẫn giới họa sỹ và phê bình nghệ thuật.
Trong khi có những người ủng hộ thì nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Trung của Viện Mỹ thuật-Đại học Mỹ thuật Việt Nam nói với VietnamPlus của TTXVN rằng ông tiếc nuối về quyết định hoãn ngay trước giờ khai mạc triển lãm của người họa sỹ mà ông đánh giá là “gương mặt sáng của mỹ thuật Việt Nam hiện đại, tâm huyết với đề tài lịch sử.” Theo ông Trung, trận chiến Điện Biên Phủ là một chiến thắng “máu trộn bùn non” – như trong lời thơ của Tố Hữu – nên không thể mô tả tưng bừng, hân hoan mà thiếu đi màu sắc hiện thực khắc nghiệt.
Còn theo nhận định của ông Lê Trọng Nghĩa, giảng viên mỹ thuật tại Đại học Bình Định, “trong tâm thức rất nhiều người thì lá cờ không được rách.” Ông viết trong một đăng tải trên Facebook rằng: “Chấp nhận một sự rách của lá cờ quả là làm khó các quan chức kiểm duyệt. Đã vậy, vẽ khuôn mặt anh lính xấu đến dị dợm thì có thể chấp nhận được không? Quả là một thách thức với thói quen nhận thức lịch sử và nghệ thuật ở Việt Nam.”
Trước đó họa sỹ Mai Duy Minh chia sẻ với Tuổi Trẻ Online rằng anh muốn cố gắng đem đến cảm nhận chân thực nhất về một sự kiện lịch sử trong tác phẩm của mình. Theo anh cho biết, tác phẩm kể với người xem một hiện thực rằng "dân tộc Việt Nam đã phải hy sinh rất nhiều để có được chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu.”
Thu Anh Nguyen, một người dùng Facebook, viết rằng: “Tiếc cho vị họa sĩ, bỏ nhiều công sức vào tác phẩm, thế nhưng ông lại quên mất một điều quan trọng đó là vẽ ở xứ thiên đường cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt định hướng XHCN…” Trong khi đó một người dùng Facebook khác có tên Dang Dzung cho rằng: “Vô hình chung triển lãm lại được các FBker đưa lên miễn phí – ấy cũng là thành công.”