Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) hoan nghênh việc nhà báo độc lập Mai Phan Lợi được ra tù trước thời hạn 18 tháng, đồng thời kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho 39 nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí khác đang bị giam cầm.
“Lẽ ra ông ấy không nên bị bắt chứ đừng nói đến việc bị kết án tù vì những cáo buộc bịa đặt”, ông Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương của RSF, cho biết trong thông cáo ngày 15/9.
Vụ thả nhà báo Mai Phan Lợi bất ngờ xảy ra cùng ngày với chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày 10/9. Trước đó vài ngày, RSF và 7 tổ chức nhân quyền khác đã gửi tới Nhà Trắng một bức thư ngỏ kêu gọi Tổng thống Mỹ lên tiếng về tình trạng nghiêm trọng về tự do báo chí và quyền được thông tin ở nước này, trong đó có trường hợp của ông Lợi.
Sáng ngày 10/9/2023, nhà báo tự do Mai Phan Lợi được phóng thích từ một trại giam ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, sớm hơn 18 tháng so với dự kiến. Nhà báo 52 tuổi này bị giam giữ từ tháng 7/2021, và sau đó bị kết án 4 năm tù vì cáo buộc “Trốn thuế”, sau 7 tháng bị giam giữ, theo RSF.
Hai ngày trước chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Biden, nhà hoạt động tự do tôn giáo Nguyễn Bắc Truyển, được chính quyền Việt Nam hôm 8/9 phóng thích và cho sang Đức sống lưu vong.
Your browser doesn’t support HTML5
Vào tháng 7/2021, ông Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng khoa học của Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), bị bắt sau khi được cho là đã nộp đơn xin làm thành viên Ban Cố vấn trong nước (DAG) của EU, nhóm gồm các tổ chức xã hội dân sự độc lập, được hình thành theo qui định của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Vietnam (EVFTA).
Ngoài ông Lợi, ông Đặng Đình Bách, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPDS), cũng bị kết án tù với cùng tội danh. Cả hai đều là thành viên ban điều hành của mạng lưới các tổ chức NGO Việt Nam về EVFTA (VNGO-EVFTA) do EU tài trợ.
Mạng lưới này gồm bảy tổ chức xã hội dân sự về phát triển và môi trường được thành lập để nâng cao nhận thức về EVFTA và thành phần xã hội dân sự của hiệp định này tại Việt Nam.
EU và Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi nay yêu cầu bình luận của VOA về việc ông Lợi ra tù trước thời hạn.
Truyền thông nhà nước Việt Nam không loan tin về việc ông Lợi được tự do.
Khi đưa tin về phiên phúc thẩm xử ông Lợi vào tháng 8/2022, truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho rằng ông chỉ đạo nhân viên “không lập hóa đơn giá trị gia tăng các dịch vụ, công việc đã thực hiện”, “không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ theo quy định pháp luật, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp…”.
Sau khi ông Lợi bị bắt, một số chính phủ phương Tây và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi trả tự do cho ông.
Tổ chức RSF trước đó nói rằng bản án “Trốn thuế” đối với ông Lợi “chỉ là cái cớ để bịt miệng một nhà báo đã cố gắng thực hiện công việc của mình để thông tin chính xác”.
XEM THÊM: Nhóm nhân quyền: Việt Nam vũ khí hóa pháp luật để truy tố các nhà hoạt động môi trườngÔng Mai Phan Lợi là người thứ hai trong “Bộ Tứ” các nhà hoạt động môi trường Việt Nam bị bắt với cáo buộc “Trốn thuế” mà các quốc gia phương Tây cho là do họ tham gia tích cực hoạt động nhằm giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào than đá và cam kết thực hiện chính sách phát thải ròng 0 carbon vào năm 2050.
Một báo cáo của The 88 Project (Dự án 88) vào tháng 4/2023 nói rằng việc truy tố hình sự “Bộ Tứ” này “có động cơ chính trị”.
Ông Ben Swanton, đồng giám đốc Dự án 88, cho biết trong báo cáo: “Thật hoàn toàn phẫn nộ khi chính phủ Việt Nam đang tùy tiện sử dụng luật hình sự để bức hại những người đi đầu trong cuộc chiến cứu hành tinh này”.
Nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh GreenID, ra tù trước thời hạn ở Việt Nam hôm 12/5/2023 khi đang thụ án 21 tháng tù. Hai người còn lại, Đặng Đình Bách và Bạch Hùng Dương, bị tuyên lần lượt 5 năm tù và 27 tháng tù.