Nguyễn Văn Châu
Câu chuyện 1: DI ẢNH
Tôi vẫn đi phát ruốc, phát quà, rau như mọi ngày trong mấy tháng qua. Sáng nay lộ trình đi bao gồm Quận 4, Quận 5 và Quận 8. Ở Quận 8 chúng tôi ghé thăm gia đình chị An (xin tạm đổi tên). Chị An, một người khiếm thị nhưng đang phải nuôi 2 cháu ngoại, 14 và 4 tuổi, mồ côi, khu bến Bình Đông.
Cảnh nhộn nhịp trên bến dưới thuyền ở bến Bình Đông giờ chỉ còn diễn ra trong dịp Tết Cổ Truyền. So với trước kia thì con đường dọc bờ kênh giờ thông thoáng và đẹp hơn nhiều dù còn không ít ổ gà. Chị An gọi điện thoại cho tôi tuần trước và tôi đã cập nhật thông tin của chị vào danh sách những người khiếm thị. Đến hôm nay tôi mới có dịp qua Quận 8 gặp chị. Chúng tôi hẹn nhau trước giáo xứ Bình Minh.
Trước giáo xứ là một khoảng sân rộng kết nối với các hẻm thông. Một hẻm có dây căng và anh cảnh sát khu phố ngồi canh đối diện. Hẻm còn lại, thật may, chưa có dây. Cùng đợi với tôi có một cô hình như mang đồ ăn trưa cho người nhà trong khu có dây căng. Cô cho biết: “Khu ngay trước mặt không sao- nhưng khu bên trong có F0 nên hẻm bị giăng dây”.
Ngay lúc đó, một người từ ngoài chạy đến, tay cầm một khung ảnh, và từ trong hẻm, một người đàn ông đi bộ ra. Cả hai như đã hẹn trước nên trao đổi nhanh gọn. Người đàn ông đứng bên trong vòng dây cầm khung ảnh lên kiểm tra các mặt rồi gật gù ôm lấy khung ảnh quay người lại, đi vào trong hẻm.
Cùng lúc đó thì hai bà cháu chị An cũng lần từng bước ra đến khoảng sân trống.
Lúc này trong đầu tôi hiện lên một khung ảnh với hai nội dung khác hẳn nhau: Một bên là hình ảnh hai bà cháu đang bế tắc trong cuộc sống, trong hướng đi với bao nhiêu khó khăn đặc biệt là giai đoạn covid hoành hành khắp Sài Gòn; bên kia là hình ảnh người đàn ông đang gồng mình chấp nhận sự mất mát của người thân trong điều kiện khắc nghiệt nhất từ trước đến nay. Cả hai hình ảnh, hai hoàn cảnh có một điểm chung. Đó là thông điệp: PHẢI SỐNG!
Ảnh chụp lúc 10 giờ 30 sáng ngày 10/8/2021.
Câu chuyện 2: RÀO CHẮN
Tình cờ khi tìm đường đi trên Google Map, tôi dừng xe trước một hẻm có rào kẽm gai cuộn. Đứng giữa tôi và cuộn kẽm gai là anh bạn Grab trẻ tuổi đang chờ giao hàng cho khách trong khu cách ly.
Các con hẻm ở Sài Gòn hiện nay có nhiều loại rào chắn với cách giăng và chất liệu phong phú. Nhìn kỹ thì có ba loại chính: Nhẹ nhất là dây do người dân trong xóm tự căng lên để bảo vệ mình. Xem như là cách bảo vệ chủ động. Cách này mấy hôm nay còn có thêm bảng treo ghi nội dung: “Bảo vệ vùng xanh”. Nặng hơn là loại do địa phương rào và có cử người luân phiên canh gác. Người ta dùng đủ loại dụng cụ có sẵn để làm hàng rào: Dàn giáo, tủ lạnh, băng ghế đá, ghế nhựa... và loại nặng nhất là có nhiều F0 trong khu đó- được đánh dấu bằng cuộn kẽm gai.
Anh bạn Grab giao hàng xong thì lái xe đi ngay. Cô gái nhận hàng cũng đi vội về nhà. Lúc này bên trong hẻm có hai người đi ngược ra. Người đàn ông hình như nhà ngay cạnh hàng rào. Người phụ nữ hai tay cầm lỉnh kỉnh túi như vừa đi chợ hoặc lấy đồ ở đâu đó về. Hai người chắc đã trao đổi với nhau nên cùng bước lại cạnh cuộn dây gai. Người đàn ông như đã làm chuyện này nhiều lần nên cầm ngay miếng giấy nhỏ cạnh hàng rào và nắm sợi kẽm nhấc lên. Người phụ nữ chỉ chờ có thế là ngồi thụp xuống chui qua hàng rào. Chị này dù áo bị vướng vào gai nhọn vài chỗ nhưng vẫn xem như không có chuyện gì và thở phào nhẹ người khi ra khỏi hẳn bên ngoài vỉa hè.
Đứng chứng kiến từ đầu đến cuối tôi chỉ biết há hốc mồm ngạc nhiên và lấy vội điện thoại ra chụp lia lịa.
Thú thật là tôi không biết nói gì lúc đó. Dịch làm cho mọi sinh hoạt ở Sài Gòn bị đảo lộn. Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề đã đành nhưng sinh hoạt bị cản trở lâu làm cho người dân cảm thấy bức bối và sẵn sàng bước qua nó dù biết rằng các biện pháp hiện nay là nỗ lực của Nhà Nước nhằm kiểm soát tình hình và làm giảm số ca nhiễm tối đa.
Cách chống dịch hiện nay hiệu quả thế nào thì phải tổng kết lại mới biết rõ được tuy nhiên điều mà ai cũng nhìn ra là người dân bị mất mát nhiều nhất. Mọi thứ chung quanh họ như đang bị sợi dây mong manh kia siết lại ngày càng mạnh.
Ảnh chụp lúc 10 giờ sáng ngày 12/8/2021.