Cuộc họp thượng đỉnh ngày 27/4 năm nay giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong Un sẽ đánh dấu đỉnh cao của một nền ngoại giao sóng gió đưa hai nước láng giềng bên bờ vực chiến tranh tới công khai thảo luận hòa bình.
Bài phân tích đăng trên Financial Times nói trong lúc tiến đến một thỏa thuận thiết lập nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Triều Tiên, ông Moon cũng lo ngại có thể lập lại những sai lầm trong quá khứ của hai người tiền nhiệm có lập trường cấp tiến từng gặp cố lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Il.
Hai hội nghị thượng đỉnh trước đây, chú trọng nhiều vào việc chấm dứt xung đột và mở rộng các trao đổi kinh tế, đều được tổ chức tại Bình Nhưỡng vào năm 2000 và 2007 và đã đạt được những thỏa thuận kinh tế và quân sự nhưng kết quả ít tiến bộ.
Financial Times dẫn lời ông Park Jung-jin, Giáo sư tại Trường đại học Kyungnam ở Hàn Quốc, cho rằng: “Những hội nghị thượng đỉnh trong quá khứ có tính cách biểu tượng cao vì những thỏa thuận được thi hành yếu kém. Điểm chính hiện nay là làm thế nào thực thi bất cứ thỏa thuận nào đạt được tại hội nghị thượng đỉnh tuần này.”
Các chuyên gia nói lần này là một dấu hiệu tiến bộ vì cuộc họp thượng đỉnh sẽ được tổ chức tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm—một vị trí trung lập tại vùng phi quân sự chia cách hai nước Triều Tiên—nhưng hai bên đều nói hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba sẽ phức tạp hơn những hội nghị thượng đỉnh trước đây.
Việc ngưng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã trở thành ưu tiên đối với Seoul và Washington vì Triều Tiên đã chứng tỏ có khả năng hạt nhân và phi đạn đạn đạo liên lục địa có thể đe dọa đến đất liền nước Mỹ.
“Hiện nay chúng ta đang ở một thế giới khác vì Triều Tiên đã có vũ khí hạt nhân, đe dọa an ninh thế giới lớn hơn trước. Đối với các quốc gia, rủi ro cũng lớn hơn trước,” ông Kim Tae-woo, cựu giám đốc Viện Thống nhất Quốc gia Triều Tiên, được Financial Times dẫn lời.
Sau cuộc họp thượng đỉnh lần thứ nhất vào tháng 6 năm 2000, cựu Tổng thống Kim Dae-jung được trao Giải Nobel Hòa bình vì “Chính sách Mặt trời” giao tiếp với miền Bắc. Trong 3 ngày thăm Bình Nhưỡng, ông Kim Dae-jung và nhà độc tài Triều Tiên Kim Jong Il, lúc bấy giờ, đã đồng ý tiến đến một nền hòa bình vĩnh cửu trên bán đảo Triều Tiên, cổ súy thống nhất và mở rộng những trao đổi nhân đạo và kinh tế.
Cuộc họp thượng đỉnh đó đã đưa đến một loạt các cuộc sum họp gia đình bị chia cách trong chiến tranh Triều Tiên và thành lập một nhà máy liên hợp chung tại thành phố Kaesong của Triều Tiên vào năm 2014. Tuy nhiên, thành tựu này sau đó bị hoen ố vì có tiết lộ là Seoul đã trả cho Bình Nhưỡng 500 triệu đô la để tổ chức hội nghị thượng đỉnh.
Vào năm 2007, một Tổng thống cấp tiến khác của Hàn Quốc là ông Roh Moo-hyun mở rộng chính sách giao tiếp của người tiền nhiệm, đi bộ qua biên giới được canh phòng cẩn mật đến gặp ông Kim Jong Il. Cuộc họp diễn ra giữa lúc có nhiều hoạt động ngoại giao để thi hành thỏa thuận, theo đó, Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế và năng lượng khổng lồ, cũng như cải thiện các mối quan hệ ngoại giao.
Hội nghị này đạt được một thỏa thuận 8 điểm, hai nhà lãnh đạo hứa thay thế lệnh ngưng chiến bằng một chế độ hòa bình lâu dài và thành lập một khu vực đánh cá chung dọc theo ranh giới biển tranh chấp ở phía Tây để ngăn ngừa những vụ xung đột hải quân đẩm máu.
Tuy nhiên, thỏa thuận đạt được trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ ông Roh ít tiến triển sau khi Tổng thống bảo thủ lên cầm quyền tại Seoul, chấp nhận một lập trường cứng rắn đối với Bình Nhưỡng và Triều Tiên đã giáng trả bằng một loạt vụ thử hạt nhân và phi đạn.
Tổng thống Moon hiện nay là chánh văn phòng của ông Roh lúc bấy giờ và có dính líu đến hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2017.
(Nguồn Financial Times)