Các sinh viên đến từ Việt Nam thuộc diện ưu tiên tuyển sinh hàng đầu của các trường đại học ở Mỹ trong nỗ lực của họ về đa dạng hóa sinh viên quốc tế và giảm sinh viên từ Trung Quốc, theo một báo cáo mới được Viện Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ (IIE) đưa ra.
Theo báo cáo, các trường ở Mỹ vào mùa xuân năm nay ưu tiên các nỗ lực tuyển sinh bậc đại học từ Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Brazil.
Ấn Độ đứng đầu nhóm thị trường ưu tiên tuyển sinh của các trường Mỹ khi chiếm 57% trong khi Việt Nam đứng thứ 2 với tỷ lệ 48%, trên Hàn Quốc ở mức 41% và Brazil ở mức 40%.
Mức ưu tiên này cũng phù hợp với số lượng học sinh quốc tế từ các nước này đang theo học ở Mỹ, theo báo cáo. Nhưng IIE lưu ý rằng số lượng sinh viên quốc tế lớn nhất tới Mỹ học vẫn là Trung Quốc, trong khi về mức độ ưu tiên, nước này chỉ đứng thứ 6, ở mức 39%, trong danh sách các thị trường ưu tiên tuyển chọn sinh viên nước ngoài của các trường Mỹ.
“Điều này chỉ ra rằng các trường đang tìm cách đa dạng hóa các chiến lược tuyển sinh đại học của họ từ các thị trường bên ngoài Trung Quốc”, IIE nói trong báo cáo. “Hơn một nửa số trường (55%) cũng tập trung nỗ lực tuyển chọn sinh viên quốc tế đang học tại các trường trung học ở Mỹ”.
Ở bậc trên đại học, Ấn Độ cũng là thị trường ưu tiên hàng đầu của các trường Mỹ về tuyển sinh cho năm học 2023/2024, với 77% số trường tuyển dụng đề cập đến sinh viên từ nước này. Trung Quốc và Nigeria bị bỏ xa ở phía sau khi đứng thứ 2 và thứ 3, lần lượt với tỷ lệ 42% và 37%.
Việt Nam là thị trường được nhắm mục tiêu thứ 4 với 35% các trường tuyển chọn nhắc đến sinh viên từ quốc gia Đông Nam Á trong thống kê của IIE.
Trong năm học 2021/2022, Trung Quốc vẫn là nước có số lượng sinh viên sau đại học nhiều nhất ở Mỹ và chiếm 30,5% lượng sinh viên nước ngoài ở đây. Tuy nhiên, lượng tuyển sinh là người Trung Quốc của các trường Mỹ giảm 8,6% trong khi lượng tuyển sinh từ Ấn Độ tăng 18,9% trong năm đó.
IIE dự báo rằng tỷ lệ sinh viên Ấn Độ ở bậc cao học sẽ tăng lên trong những năm tới từ mức 21% của năm học 2021/2022 trong khi sinh viên bậc cao học từ Trung Quốc sẽ giảm.
Báo cáo không cho biết vì sao các trường ở Mỹ chuyển ưu tiên tuyển chọn sang các nước không phải Trung Quốc. Việc này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách giảm sự phụ thuộc và ảnh hưởng từ Trung Quốc khi hai cường quốc ngày càng cạnh tranh gay gắt không chỉ trong an ninh, chính trị, thương mại mà cả văn hóa.
Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có số lượng học sinh nhiều nhất đang theo học ở Mỹ, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc và Canada, lần lượt từ trên xuống, theo báo cáo.
Thống kê của Báo cáo “Open Doors” được Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội trích dẫn đưa ra hồi năm ngoái cho thấy số lượng sinh viên Việt Nam đến học ở Hoa Kỳ tăng ở hầu hết các bậc học, khiến Việt Nam lọt nhóm 5 nước có nhiều sinh viên quốc tế nhất tại đây, vươn lên một hạng so với 1 năm trước đó. Trong số khoảng 948.000 sinh viên quốc tế theo học ở Mỹ năm 2021-2022, có hơn 20.700 sinh viên Việt Nam, chiếm 2% lượng sinh viên quốc tế và đóng góp cho nền kinh tế Mỹ 721 triệu USD.
Báo cáo mới của IIE cho biết các sinh viên quốc tế tiếp tục là một ưu tiên cho ngành giáo dục ở bậc cao học ở Mỹ khi họ đóng góp 32 tỷ USD cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm 2022.