Sáng hôm sau vừa thức dậy là tôi chạy ngay xuống reception để hỏi xem họ có thể giúp tôi mua vé máy bay để bay lên Mandalay, Bagan, hoặc Kalaw ngay trong ngày hay không. Đây là những địa danh nổi tiếng nằm về phía bắc của Miến Điện cách Yangon khoảng một giờ bay. Mandalay từng là cố đô. Bagan là nơi có vô số chùa chiền, thắng cảnh cổ. Riêng Kalaw là nơi dành cho những ai thích lên đèo, leo núi, vào làng chung sống với những dân tộc thiểu số và nếu thích có thể trong hai ngày đi thẳng đến Inle Lake nơi mà quyển Lonely Planet miêu tả là đáng đến nhất để… nghỉ lấy lại sức.
Và chắc các bạn cũng có thể đoán là chỉ trong vòng vài phút tôi đã quyết định là mình sẽ bay lên Kalaw. Thứ nhất vì tình thật mà nói tôi không mặn mà gì lắm với chùa chiền, lăng tẩm. Cũng có thể vì tôi đã đi khá nhiều, thấy cũng khá nhiều. Vả lại tôi cũng không phải là một thằng sùng đạo mặc dù ở nhà cả ba lẫn đứa em gái tôi những khi rãnh rỗi họ đều đến… chùa.
Thứ hai và tôi nghĩ đây mới là lý do quan trọng nhất, khi làm bất cứ việc gì chúng ta nên chọn điều làm cho chúng ta cảm thấy thích thú nhất, hạnh phúc nhất. Chứ không phải là điều dễ làm. Hoặc thoải mái, cho giống người ta. Tìm đến thiên nhiên là cái thú mà tôi không thể nào cưỡng lại được ngay cả khi hoàn cảnh không cho phép như hiện tại. Vì tôi chỉ có vỏn vẹn 4 ngày nghỉ phép trước khi phải bay sang châu Âu tham dự một hội nghị về môi trường. Nếu bay lên Kalaw hôm nay thì qua hôm sau tôi sẽ phải tìm đường leo núi ngay để kịp đến Inle Lake 2 ngày sau đó. Để rồi còn đủ thời gian để bay ngược về lại Yangon trước khi bay sang châu Âu.
Thế mới khổ thân tôi!
Đã vậy trời còn phụ lòng người vì cả 3 hãng máy bay nội địa đều không còn vé để bán. Nếu muốn đi Kalaw tôi phải đợi đến ngày hôm sau. Hoặc nếu không thích chờ thì tôi có thể đi ngay bằng xe bus. Từ Yangon đi Kalaw chỉ cần ngồi độ chừng 15 tiếng là đến.
Nói thật vừa nghe phán câu “15 hours non stop” là tôi đã thấy mệt. Nói chi đến việc phải ngồi 15 tiếng ròng để ngay sau đó là leo 2 ngày núi. Thôi! Chắc là mình nên đi máy bay chuyến sớm nhất ngày mai để còn có thời gian tìm hiểu thêm về thủ đô này.
Bước chân ra khỏi khách sạn tuy lúc ấy chỉ mới hơn 9 giờ sáng nhưng nắng đã lên cao, cái nóng nó đã bắt đầu hừng hực, hâm hấp như thể tôi vừa mới bước vào phòng tắm hơi. Trông thấy tôi và cô bạn bước ra một số tài xế taxi đang đứng chờ khách trước cổng đã vội chạy lại hỏi xem chúng tôi có muốn họ chở đi đâu hay không. Đi thăm ngôi chùa nổi tiếng và linh thiêng nhất của người Miến hay là đi xuống phố mua sắm, đổi tiền. Chỉ tốn 2 đô thôi và xin nhớ là ở Miến Điện nếu bạn muốn đổi tiền dễ nhất và được giá nhất thì bạn phải đổi ở Yangon, họ thi nhau mời mọc.
Tôi nhìn quanh và quyết định ngay. Mình nên chọn anh chàng taxi trẻ đang đứng bên cạnh. Vì qua kinh nghiệm cá nhân tôi thấy ở những nơi bị kềm kẹp, áp bức như Miến Điện, thường chỉ có những người trẻ mới dám nói, dám tâm sự với người lạ. Chứ còn những chú bác nào độ trên 4 chục ngoài thì… vô phương.
Một phần cũng có thể vì họ bị hạn chế về khả năng ngoại ngữ. Nhưng phần lớn tôi nghĩ vì họ sợ. Sợ mất những gì họ đã tạo dựng nếu bị bắt. Sợ phải xa gia đình, con cái, anh em. Sợ bị vợ la khùng sao mà chỉ biết lo ba cái chuyện tầm phào vậy anh!
Không phải tự nhiên mà từ Thiên An Môn, Yangon cho đến Cairo thoạt đầu đều do các thanh niên, sinh viên trẻ phát động phong trào, hô hào cải cách. Sau đó lần lượt những thành phần xã hội khác mới góp mặt. Tuổi trẻ tuy là có hời hợt, nông nổi thật. Tôi đồng ý. Nhưng không có máu của tuổi trẻ thì đố bạn thay đổi được bất cứ điều gì ở xã hội. Tây cũng như Ta.
Mà tôi đoán trúng quá đấy chứ. Vừa lên xe chỉ cần tôi hỏi mớm lời anh nghĩ gì về tình trạng đất nước Miến Điện trong hiện tại là anh đã kể cho tôi nghe biết bao những bất công, bất cập trong cuộc sống thường nhật. Từ việc lá cờ bị thay đổi, thủ đô bị dời đi mà không cần biết là nó có hợp lý, thuận lòng dân hay không cho đến việc anh đã ra trường nhưng không thể nào tìm được việc làm, quần quật cả ngày nhưng vẫn không có đủ tiền để dọn ra riêng.
Anh bảo: “They are stupid. All very stupid.” Họ đều là những thằng ngu xuẩn.
“But they have power”. Nhưng họ có quyền, tôi nhấn mạnh.
“Đúng, họ có quyền thật”. Anh gật đầu tỏ vẻ đồng ý với tôi nhưng ngay sau đó anh nói ngay:
Nhưng đấy chỉ là tạm thời thôi. Vì đối với chúng tôi, trong tim của tôi, lá cờ cũ vẫn là lá cờ của Myanmar. Yangon vẫn là thủ đô của Miến Điện. Trong một ngày không xa chúng tôi sẽ lấy lại được những gì thuộc về chúng tôi. Đó là điều chắc chắn.
Làm sao anh biết chắc được? Tôi gặng hỏi.
Nháy mắt nhoẻn miệng cười trước khi trả lời, anh bạn mới nhất của tôi giả xuống giọng trầm buồn chầm chậm vừa ngắt giọng, vừa giải thích:
Because…I know…that I will…live longer than them!
Tại vì...tao biết...là tao sẽ…sống lâu hơn tụi nó!
Thiệt, tếu ngay cả khi không thể nào tếu được. Vậy mới tếu.
Thế là coi như cả ngày hôm đó tôi đã may mắn tìm được cho mình một anh tài xế taxi thành thật, lại là một hướng dẫn viên du lịch xuất sắc và một người bạn địa phương tuyệt vời mà tôi rất thích từ tính tình cho đến cách suy nghĩ. Anh đã chở tôi đi mua vé máy bay, không có ở nơi này thì sang nơi khác đến khi mua được thì thôi. Sau đó anh chở tôi đi đổi tiền, đi mua một vài vật dụng cá nhân trước khi cùng đi ăn trưa chung. Và sau đó là đi thăm viếng ngôi chùa dát vàng Shwedagon linh thiêng nhất trên cả nước.
Nhưng có lẽ tôi cần tự thú là tôi thích vừa đi vừa nói chuyện về Miến Điện với anh bạn mới quen của tôi hơn là chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của ngôi chùa này. Vì trong mắt còn quá phàm tục của tôi ngôi chùa Shwedagon chỉ có hai điều làm cho tôi nhớ rõ.
Thứ nhất, đi đâu tôi cũng thấy có tượng Phật. Rất nhiều tượng Phật. Tượng to, tượng nhỏ, tượng đứng, tượng ngồi, tượng nằm. Đủ cỡ. Đủ kiểu.
Và thứ hai, mọi thứ đều vàng tóe. Rất tiếc đó lại không phải là màu tôi ưa.
Nhưng đổi lại tôi đã có được một ngày để thấy, nghe và học hỏi. Để biết thêm về đất nước và con người Miến Điện. Để cảm nhận được hơn những khó khăn lẫn hoài bão của họ. Đặc biệt là của một người trẻ dám nói, dám làm vì ngay sau khi rời chùa anh đã trực chỉ lái xe ngay đến nhà của “The Lady” là tên mà người dân Miến Điện âu yếm đặt cho bà Aung San Suu Kyi mỗi khi họ nhắc đến bà. Để cho tôi đỡ thèm, anh cười bảo.
Dĩ nhiên chúng tôi có dám ngừng xe vô đâu vì ở hai đầu đường đều có đồn canh, công an đang đứng gác. Nhưng ít nhất ra chúng tôi cũng đã hai lần chạy qua, sau đó chạy lại để thấy trên cánh cổng sắt cao là tấm ảnh của người anh hùng dân tộc, nhà ái quốc đã dành được độc lập cho Miến Điện từ tay Anh Quốc vào năm 1947. Đó là cố lãnh tụ Aung San và cũng là thân phụ của bà.
Thiệt đúng là hai thằng ở không nên chỉ biết làm những chuyện tầm phào, phải không bạn?
* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.