'Sự cáo chung của tự do báo chí ở Hong Kong' - Chủ tịch Next Media bị bắt

Tỷ phú truyền thông Hong Kong Jimmy Lai, giữa, người thành lập nhật báo Apple Daily, bị cảnh sát bắt giữ theo Luật An ninh mới ở Hong Kong, ngày 10/8/2020. (AP Photo)

Tỷ phú Hong Kong Jimmy Lai trở thành nhân vật nổi bật nhất bị bắt theo Luật an ninh Hong Kong hôm thứ Hai 10/8. Hơn 200 cảnh sát ập vào tòa soạn báo Apple Daily, lục soát các văn phòng của tờ báo này. Cùng bị bắt với ông là con trai cả, Timothy Lai, và con trai thứ trong gia đình, Ian Lai, cùng với 4 lãnh đạo cấp cao khác của công ty. Cảnh sát nói họ bị bắt về nhiều tội danh, trong đó có ‘tình nghi cấu kết với các lực lượng nước ngoài’. Hiện ông Jimmy Lai đã được tại ngoại hầu tra.

Ông Jimmy Lai là ai?

Ra đời ở đại lục, năm 12 tuổi, Jimmy Lai được đưa lén sang Hong Kong trên một tàu đánh cá. Không một xu dính túi, ông đã phấn đấu để làm nên sự nghiệp và hiện là một tỷ phú có tài sản ước lượng hơn 1 tỉ đôla. Thoạt tiên làm giàu trong lĩnh vực may mặc, sau này ông đi xông xáo vào ngành truyền thông và lập ra báo nhật báo Apple Daily, tờ báo thường xuyên chỉ trích lãnh đạo Hong Kong và lãnh đạo Hoa lục.

Năm 2019, Apple Daily là nhật báo có nhiều độc giả nhất tại Hong Kong, cả báo in lẫn báo mạng, theo Đại học Hong Kong.

Trong khi tờ báo có khi bị chỉ trích là đăng ‘tin giật gân’, nhưng Apple Daily vẫn là một trong các cơ sở truyền thông hiếm hoi mà chủ nhân không có lợi ích gắn liền với đại lục.

Tờ báo kỷ niệm 25 năm thành lập trong năm nay. Lãnh đạo tờ báo tuyên bố sẽ in ấn bản đặc biệt theo đúng kế hoạch, nhưng hiện không biết liệu tờ báo, vốn đã gặp khó khăn tài chính, có sẽ sống sót sau khi chủ nhân của nó bị bịt miệng?

Hoạt động dân chủ

Trùm truyền thông Jimmy Lai (thứ 3 từ trái), và các ủng hộ viên cuộc biểu tình, dẫn đầu đêm thắp nến tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An môn năm 1989 ở Bắc Kinh, trước Tòa án West Kowloon, Hong Kong


Ông Lai, Chủ tịch của Next Media, còn là một trong những nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, tiếng nói chỉ trích việc Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng siết chặt kiểm soát tại đặc khu này. Năm 2019, ông mạnh mẽ ủng hộ các cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ và trực tiếp tham gia các cuộc biểu tình.

Jimmy Lai dưới mắt Bắc Kinh

Ông Lai, 71 tuổi, quốc tịch Anh, bị Bắc Kinh gọi là một ‘kẻ phản quốc’. Ngày ông bị bắt, tờ Hoàn cầu Thời báo mô tả ông là một “kẻ ủng hộ bạo loạn”, và tố cáo tờ báo do ông xuất bản “khích động hận thù, lan truyền tin đồn đại và bôi nhọ chính quyền Hong Kong và chính quyền ở đại lục ròng rã nhiều năm trời.”

Jimmy Lai là một người thường xuyên chỉ trích chính quyền ở Hong Kong lẫn ở Bắc Kinh giữa lúc Trung Quốc ngày càng tăng cường sự hiện diện tại đặc khu Hong Kong.

Vì những hoạt động của ông, truyền thông nhà nước Trung Quốc gọi ông là thủ lãnh của “Bộ Tứ khích động bất ổn ở Hong Kong”.

Bắc Kinh đặc biệt phẫn nộ khi ông Jimmy Lai gặp gỡ Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi năm ngoái.

Tờ Hoàn cầu Thời báo còn tường trình rằng hai người con trai của ông Jimmy Lai và hai quản trị viên cấp cao của Next Digital, cũng đã bị bắt giữ.

Cảnh sát xác nhận trên Facebook rằng 7 người đàn ông tuổi từ 39 đến 72 tuổi, bị bắt giữ vì bị nghi ‘cấu kết với các lực lượng nước ngoài, và nhiều tội danh khác.

Luật an ninh báo hiệu sự cáo chung của Hong Kong?

Vào ngày 30/6, ngày Luật an ninh Hong Kong được thông qua và có hiệu lực tức thời, ông Lai nói với BBC rằng động thái này “báo hiệu sự cáo chung của Hong Kong”.

Ông cảnh báo rằng Hong Kong sẽ trở nên tham nhũng không khác gì ở đại lục bởi vì “không có một nhà nước pháp trị, giới kinh doanh ở Hong Kong không được luật pháp bảo vệ”.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, ông Lai nói:

“Tôi sẵn sàng đi tù. Nếu bị đi tù, tôi sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách mà tôi chưa được đọc. Đó là điều duy nhất tôi có thể làm để giữ tinh thần tích cực.”

Ông bị bắt giữ giữa lúc Bắc Kinh đang phát động một chiến dịch trấn áp thành phần chống đối Bắc Kinh ở Hong Kong, làm dấy lên những lo ngại rằng quyền tự do báo chí và các quyền khác đã được cam kết khi Hong Kong được bàn giao cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.

Ngày ông bị bắt, đoạn video lan truyền nhanh lên mạng chiếu cảnh một lực lượng cảnh sát đông đảo xông vào tòa soạn báo Apple Daily, lục soát các văn phòng, và một lúc sau người ta thấy ông Jimmy Lai tay bị còng, bị cảnh sát áp giải.

Đối với nhiều người Hong Kong, đây là một cú sốc và là dấu hiệu cho thấy tình hình tại đặc khu này đang xuống cấp nhanh chóng.

Phản ứng

Các nguồn tin ẩn danh từ báo Apple Daily được BBC trích dẫn nói rằng công ty đang dàn xếp các luật sư, và coi các vụ bắt bớ này là những “hành động sách nhiễu không hơn không kém”.

Tổng Biên tập của tờ báo, ông Ryan Law, nói với Reuters rằng Apple Daily sẽ không nao núng, và sẽ tiếp tục làm nhiệm vụ truyền thông “như mọi ngày”.

Ông Steven Butler, phối hợp viên đặc trách chương trình Châu Á của Ủy ban Bảo vệ các Ký giả- CPJ, nói:

“Vụ bắt giữ ông Lai là một minh chứng cho thấy những lo sợ rằng Luật an ninh Hong Kong sẽ được dùng để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích và hạn chế các quyền tự do kể cả tự do báo chí, đã trở thành hiện thực.”

Đại diện của CPJ nói: “Hong Kong phải lập tức trả tự do cho ông Jimmy Lai, và hủy bỏ mọi cáo buộc.”

Nathan Law, một cựu thủ lãnh phong trào Dù Vàng, đắc cử vào Hội đồng Lập pháp Hong Kong nhưng bị tước quyền, không cho thi hành nhiệm vụ, đã chạy thoát khỏi Hong Kong và đang sống lưu vong ở Anh, viết trên trang Twitter của anh:

“Các vụ bắt giữ điên cuồng. Sự cáo chung của tự do báo chí ở Hong Kong. Luật an ninh đang đè bẹp quyền tự do trong xã hội chúng ta, để chính trị của sự sợ hãi lan rộng.”

Ông Vương Đan, nhà bất đồng chính kiến từng là thủ lãnh sinh viên trong các cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An môn năm 1989, nói:

“Vụ bắt giữ ông Jimmy Lai có thể “đoán trước” nhưng “rất đáng phẫn nộ bởi vì hai người con trai của ông Lai cũng bị bắt, rõ ràng đây là một đòn của chính quyền để bẽ gãy ý chí của ông Lai thông qua các liên hệ gia đình”.