Bắt Phạm Thanh Bình, rồi tái cơ cấu bằng cách đổ nợ (xấu) của Vinashin cho những tập đoàn khác trong số 11 Tập đoàn kinh tế (TĐKT) ở Việt Nam có phải là cách giải quyết món nợ khổng lồ khoảng 86 nghìn tỉ đồng (trên 4 tỉ USD) không? Ông Bình, kỹ sư đóng tàu, người Minh Hải (Cà Mau), đồng hương của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hẳn chỉ là vật tế thần. Còn giãn nợ thì là đánh bùn sang ao, bùn vẫn bùn, và thời điểm thanh khoản nợ cả vốn lẫn lãi mà không trả được thì, như chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nhận xét, Vinashin trên thực tế đã vỡ nợ. Vật tế thần và đánh bùn sang ao, cùng chuyện tái cơ cấu Vinashin, có thể chỉ nhằm làm yên công luận, tạo sự an tâm tối thiểu để tiến hành Đại hội lần thứ 11 của ĐCSVN vào đầu năm tới. Sự kiện Vinashin vỡ nợ trầm trọng hơn những động thái ngắn hạn. Nhìn sâu, chúng ta hẳn tự hỏi sở hữu chủ của TĐKT là ai, tập thể nào bày ra chính sách xây dựng những TĐ này, nhằm mục đích gì, và tại sao thực tế lại khác xa những điều vẽ vời qua những chiến lược kinh tế, những mục tiêu dân giàu nước mạnh… được tung hô ầm ĩ?
Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng được giao trách nhiệm tái cơ cấu Vinashin, xé lẻ nợ bằng cách trao một số “công ty con” cho các tập đoàn khác gánh nợ. Gánh “nợ” thật, bởi vì các “chủ nhân mới,” cũng là những tập đoàn của đảng và nhà nước. Ðó là một cách đánh bùn sang ao, xí xóa vết tích và trách nhiệm trong sự thất bại, từ trên xuống dưới. Trong món nợ khổng lồ nay được biết là 4,6 tỉ USD, 750 triệu USD là Nhà Nước Việt Nam vay dưới hình thức trái phiếu phát hành cách đây gần 3 năm, và 600 triệu USD là do Vinashin vay riêng, không nói đến khoản vay qua trái phiếu 150 triệu USD trong thị trường tài chính nội địa. Dĩ nhiên Nhà Nước Việt Nam trách nhiệm với số 750 tỉ USD trái phiếu, nhưng cái nợ còn lại kia Nhà Nước có bảo lãnh hay không? Nếu có, Nhà Nước phải thanh khoản khi đến thời hạn. Nếu không, thì là nợ một tập đoàn kinh tế tư riêng, và Vinashin phải giải quyết với chủ nợ nước ngoài.
Trút hết tội lỗi lên đầu một nhóm, tiêu biểu là Phạm Thanh Bình, người đứng đầu cả đảng ủy và ban quản đốc, chắc chắn không xóc được nợ mà trách nhiệm là chủ sở hữu Vinashin, tức ĐCSVN… Một cá nhân như Phạm Thanh Bình, 57 tuổi, làm sao có khả năng đi vay 4 tỷ đô la trong vòng hơn ba năm, từ khi Vinashin được thành lập cho tới năm nay? Tiền nợ hơn 4 tỷ sẽ do công quỹ cả nước Việt Nam phải trả, nghĩa là 87 triệu người dân phài oằn người ra gánh.
Hiện nay, Việt Nam vẫn theo chính sách kinh tế quốc doanh kiểu Đỗ Mười. Ngân sách Nhà Nước lấy trực tiếp từ các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) TĐKT, Tổng công ty (TCT), hàng ngàn DN quốc doanh), là “của công” do đảng lãnh đạo, Nhà Nước quản lý.
Những TĐKT, theo cách nói ấn tượng, là những quả đấm thép trong công cuộc hiện đại hóa công nghiệp, và chẳng hạn như Vinashin, thành tích đứng thứ 8 trên thế giới trong công nghệ đóng tàu được tung hứng trên truyền thông báo chí. Mới nghe, hình như đây có vẻ là những bước “tiến lên” chế độ Tư Bản Nhà Nước (TBNN), và những TĐKT là đòn bẩy đẩy Việt Nam lên đà phát triển để hội nhập nền kinh tế thế giới. Thế nhưng hiện tình cùa nền TBNN ở ta ra sao?
Quay về trường hợp Vinashin, hiện TĐ này có trên 200 tàu “ nằm bến” vì không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Tệ hơn, để có nhiều hợp đồng quốc tế, Vinashin đã ký nhận đóng tàu dưới giá thị trường, chịu lỗ để nghi binh “dương oai”. Thế thì để thực sự xây dựng TBNN, phải có Nhà Nước đúng nghĩa, tức là có trách nhiệm quốc thái dân an, có chính sách phát triển.
Hầu như công cuộc xây dựng này có vấn đề... Theo thiển ý, đảng cử những đảng viên có khả năng kỹ trị ( có thể như ông Bình) để lãnh đạo TĐKT rất “vướng”. Lấy thí dụ những chaebol Nam Triều Tiên, ta thấy khi TT Park Chung-hee mời ông Chung Ju-yung phát triển công ty Hyundai thành một công ty đóng tàu thủy vào năm 1962, chính ông phải chinh phục các ngân hàng quốc tế về khả năng đóng tàu để vay tiền; tuyển dụng người có khả năng, nhập cảng các kỹ thuật mà nước ông chưa biết; rồi tìm cách “bán hàng”.
Một số ngân hàng Anh Quốc đã cho vay; năm nước Âu Châu chịu cung cấp máy móc thiết bị, và một công ty hàng hải Hy Lạp đặt mua 3 chiếc tàu thủy đầu tiên, vì giá hạ so với tàu Nhật Bản. Sau ba năm, Hyundai đã làm xong chiếc tàu thủy đầu tiên, trong khi đó Vinashin đi mua khá nhiều tầu cũ về tân trang, chứng tỏ thiếu chẳng những khả năng kỹ thuật mà còn cả tầm nhìn thị trường quốc tế.
Trên cơ cở một doanh nghiệp đi vay vốn với những ngân hàng quốc tế, hiệu quả kinh tế được so đo, để đánh giá khả năng trả nợ. Vinashin được dùng một phần lớn vốn từ trái phiếu quốc gia, và quyết định của những cơ quan tài trợ quốc tế cho vay hay không đều thẩm định trên khả năng một quốc gia, không dính dáng trực tiếp đến hiệu quả của những dự án kinh tế do những DN trong quốc gia đó quyết định.
Ông Phạm Thanh Bình là đảng viên được giao trọng trách. Nhưng yếu tố nào khiến ông đạt được vị trí này tất tùy thuộc “hậu trường” quyền lực, xin miễn bàn. Tuy nhiên phải nói, một kỹ sư không phải là một doanh nhân, và nhất là một doanh nhân dày dạn kinh nghiệm như ông Chung Ju-yung.
Và có lẽ ông Chung không chịu nhiều ràng buộc như ông Bình, không có đảng lãnh đạo, và chắc ít được Nhà Nước “quản lý”. Có thể vì thế mà sau ba năm, Nam Triều Tiên xuất tàu biển, và rồi có một ngành công nghiệp hạng nhất nhì thế giới, trong khi Vinashin ở vực bờ vỡ nợ.
Nhưng Vinashin đa ngành (sáng tạo rất phe “ta”), đầu tư vào đất đai, du lịch, nông nghiệp, hàng tiêu thụ, và nhất là vào công nghệ “dự án” chẳng cần gì khác hơn là những chữ ký. Ký ra tiền, nhưng tiền cho ai thì…ta lại phải bàn về quốc nạn tham nhũng trong một nền kinh tế TBNN kiểu Việt Nam.
[1] Vì một “vinashin mới”, nguồn Bauxite Việt Nam, 24/08/2010
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.