Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang khẳng định lập trường trung lập của Hà Nội trong quan hệ với các nước qua chính sách “Bốn không” đồng thời kêu gọi các quốc gia tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau khi phát biểu tại Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh ở Trung Quốc.
Theo truyền thông trong nước, Đại tướng Giang có bài phát biểu được xem là “quan trọng” ở phiên toàn thể của hội nghị lần thứ 10, khai mạc ở Bắc Kinh hôm 30/10, với chủ đề “Vai trò của các nước đang phát triển trong an ninh toàn cầu”.
Diễn đàn Hương Sơn được xem là sự đáp trả của Bắc Kinh dành cho Đối thoại Shangri-La ở Singapore có sự tham dự của các lãnh đạo an ninh hàng đầu trong khu vực, và là sự kiện quân sự đối ngoại hàng năm lớn nhất ở Trung Quốc.
Việc bộ trưởng quốc phòng Việt Nam tham dự diễn đàn này, cũng như Đối thoại Shangri-La hay Hội nghị an ninh quốc tế tại Moscow của Nga, là cơ hội để Việt Nam cùng các nước khác “tăng cường hợp tác, đối thoại, tạo dựng lòng tin chiến lược để đảm bảo an ninh khu vực và trên thế giới”, theo Quân đội Nhân dân.
Trong bài phát biểu được cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng đăng toàn văn, ông Giang nói rằng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp tài nguyên lãnh thổ, trong số nhiều những xung đột khác gồm cả chiến tranh, “đang diễn ra gay gắt ở nhiều nơi, với nhiều đặc điểm mới, tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi quốc gia, khu vực và toàn cầu”.
Vị đại tướng của Việt Nam không đề cập cụ thể đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở đâu nhưng nói rằng Việt Nam, cũng như nhiều nước khác, mong có an ninh và hòa bình, đồng thời cho rằng “an ninh của các quốc gia dù lớn hay nhỏ, phát triển hay đang phát triển đều cần được thấu hiểu, ghi nhận, tôn trọng”.
Trung Quốc đã bị Mỹ và các nước phương Tây chỉ trích là đã có những hành vi “bắt nạn” các nước láng giềng nhỏ hơn trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, đặc biệt qua việc “ức hiếp” các hoạt động thăm dò dầu khí trên Biển Đông. Việt Nam cũng nhiều lần phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình khi đưa tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của Hà Nội cũng như những hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh trên vùng biển nhiều tranh chấp, gây bất ổn cho an ninh khu vực.
Ông Giang kêu gọi các quốc gia “tuân thủ luật phát quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia của nhau” cũng như cùng “xử lý hiệu quả các vấn đề khu vực và an ninh toàn cầu”.
Ca ngợi vị thế và vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực không chỉ ở châu Á mà còn trên toàn cầu, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam nói rằng ông tin tưởng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc “mà hạt nhân là đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình”, Bắc Kinh sẽ đóng góp hơn nữa vào việc giải quyết các thách thức an ninh cũng như thể hiện vai trò và trách nhiệm đối với an ninh khu vực và thế giới.
Hoàn cầu Thời báo hôm 29/10 nói rằng Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh, sự kiện diễn ra trong 3 ngày với sự tham dự của các phái đoàn từ hơn 90 quốc gia, là nơi cho tất cả các bên được đối thoại “một cách thẳng thắn và đóng góp vào việc hiểu được quan điểm của nhau hơn và cho các giải pháp tốt hơn cho những vấn đề”.
Tổng thư ký Hiệp hội xúc tiến hữu nghị Tanzania-Trung Quốc, ông Joseph Kahama, được tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trích lời nói rằng vai trò truyền thống của Bắc Kinh là “không can thiệp vào việc của nước khác” và “muốn đối thoại thay vì gây chiến”.
Cũng tại diễn đàn, bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam khẳng định lập trường của Hà Nội trong quan hệ quốc tế với việc kiên định chính sách quốc phòng “Bốn không”, trong đó Việt Nam không chủ trương tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống lại nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Nhưng trong Sách Trắng Quốc phòng mới nhất của Việt Nam được đưa ra năm 2019, Hà Nội đã mở rộng các nguyên tắc này bằng cách bổ xung thêm “một tùy”, mà trong đó Việt Nam sẽ xem xét phát triển các mối quan hệ quốc phòng và sự cần thiết phù hợp với các nước khác tùy theo hoàn cảnh và điều kiện cụ thể. Theo các chuyên gia, sự mở rộng này được đưa ra sau nhiều năm có căng thẳng trong quan hệ Việt-Trung giữa tranh chấp chủ quyền trên biển.