Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói trong một năm mà hơn một nửa thế giới sẽ tổ chức bầu cử, các công nghệ mới bao gồm mạng xã hội và trí tuệ nhân tạo đã khiến thông tin xuyên tạc trở thành mối đe dọa lớn hơn bao giờ hết.
Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ lần thứ ba ở Seoul ngày 18/3, ông Blinken nhấn mạnh mặc dù những công nghệ đó đã thúc đẩy đáng kể môi trường thông tin vốn đã thay đổi nhanh chóng, nhưng chúng cũng “tạo ra chất xúc tác cho thông tin xuyên tạc, thúc đẩy sự phân cực, làm tăng thêm cảm giác bối rối chung mà mọi người phải đối mặt về thế giới xung quanh họ.”
Ông Blinken nói rằng trong đại dịch COVID-19, thông tin xuyên tạc đã ngăn cản hàng triệu người tiêm chủng, “đôi khi dẫn đến hậu quả tử vong”. Ông nói, biến đổi khí hậu là một ví dụ khác trong đó thông tin xuyên tạc đã khiến trì hoãn hành động giải quyết cuộc khủng hoảng.
Với số lượng các cuộc bầu cử được tổ chức trên toàn cầu, ông Blinken gọi năm 2024 là “một năm bầu cử đặc biệt ở hết quốc gia này đến quốc gia khác - nhưng cảnh báo rằng người dân và ứng cử viên sẽ phải đối mặt với “một loạt sự giả dối bóp nghẹt các cuộc tranh luận dân sự nghiêm túc.”
Ông nói những kẻ thù của nền dân chủ đang sử dụng thông tin xuyên tạc để khai thác sự khác biệt bên trong các quốc gia dân chủ bằng cách gieo rắc sự hoài nghi và bất ổn.
“Đưa nhóm này chống lại nhóm khác. Làm mất uy tín của các định chế của chúng ta,” ông Blinken nói.
Ngoại trưởng Mỹ chỉ ra một phúc trình năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Trung Quốc đã chi hàng tỷ đô la để tuyên truyền và trấn áp các cơ quan báo chí phương Tây.
Ông đưa ra ví dụ về việc Trung Quốc mua các nền tảng truyền hình ở châu Phi, loại trừ các kênh tin tức quốc tế khỏi các gói đăng ký và lén lút mua các công ty truyền thông ở Đông Nam Á – sau đó phát hành nhiều tin tức ủng hộ Trung Quốc.
Ông nói Nga đã sử dụng chiến thuật tương tự, “rửa” nội dung truyền thông Nga thông qua các kênh Mỹ Latin để phá hoại sự ủng hộ toàn cầu dành cho Ukraine.
Ông Blinken nói: “Bằng cách phát hiện và công khai các hoạt động gây ảnh hưởng này, chúng ta đã cho phép các chính phủ, các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự theo dõi và ngăn chặn chúng”. Về phần mình, ông nói, Mỹ đang cố gắng sử dụng ngoại giao để thúc đẩy các nguyên tắc chung và liên kết các đồng minh để chống lại sự thao túng truyền thông của các đối thủ nước ngoài.
Trong bài phát biểu của mình, ông Blinken cũng nhấn mạnh rằng các chính phủ cần duy trì quyền tự do báo chí và sự an toàn của các nhà báo kể cả các ký giả online bởi vì một nền báo chí độc lập và được trao quyền là nền tảng cho các nền dân chủ lành mạnh.
Hội nghị Thượng đỉnh vì Dân chủ, do Hoa Kỳ phát động vào năm 2021, tìm cách quảng bá các giá trị dân chủ và chứng minh các nền dân chủ phục vụ người dân của họ tốt hơn như thế nào.
Theo một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hơn 70 quốc gia đã tán thành Tuyên bố về Dân chủ của hội nghị thượng đỉnh này.