Mấy ngày Tết, buồn buồn, tôi mang tập Thơ chữ Hán của Nguyễn Du ra đọc lại. Thỉnh thoảng tôi lại ngừng lại, chẳng đọc được gì cả. Chỉ vì nhớ bạn: họa sĩ kiêm điêu khắc gia Lê Thành Nhơn (1940-2002).[1]
Kể từ lúc Lê Thành Nhơn qua đời vào cuối năm 2002 cho đến nay, tôi vẫn thường nhớ đến anh. Có khi nỗi nhớ đến một cách bất chợt, tự phát. Nhưng nhiều nhất là lúc tôi chọn cà vạt. Mấy năm trước ngày anh mất, sau một chuyến đi Pháp về, Nhơn có tặng tôi một chiếc cà vạt màu vàng. Đó không phải là chiếc cà vạt đẹp nhất hay cái màu tôi thích nhất. Tuy vậy, sau khi anh mất, mỗi lần chọn cà vạt, giữa hàng chục cái cà vạt đủ màu và đủ loại treo trong tủ áo, tự nhiên tay tôi hay mân mê chiếc cà vạt màu vàng nhạt ấy nhất. Thoạt đầu, tôi cũng không hiểu tại sao. Sau, một vài người bạn của tôi nhận xét: Chọn cà vạt vì nhớ bạn. Lúc ấy, tôi mới nhận ra điều đó. Một điều lẩn lút đâu từ trong vô thức.
Tết này, tôi không đi đâu nên không cần cà vạt. Tôi nhớ Lê Thành Nhơn vì một lý do khác: Tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Trước, tôi có hai cuốn. Cũng không nhớ vì sao. Nhưng tôi thấy cũng tiện: một cuốn để ở nhà và một cuốn để trong văn phòng. Bất cứ khi nào cần, cũng có thể với tay cầm cuốn sách ấy lên được. Một lần, Lê Thành Nhơn đến tôi chơi, mang theo mấy chục bức tranh minh họa Kiều bằng bút chì của anh.[2] Bức nào cũng đẹp. Hôm ấy, chúng tôi vừa nhâm nhi uống rượu vừa bàn về Truyện Kiều và về tranh minh họa Kiều của Nhơn cả mấy tiếng đồng hồ. Một lúc, nổi hứng, tôi lấy trên kệ xuống tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du do Lê Thước và Trương Chính sưu tầm và dịch thuật, tặng anh với ý nghĩ: để anh đọc thêm về Nguyễn Du, từ đó, có hứng vẽ thêm những bức tranh khác về Truyện Kiều. Sau này, anh khoe với tôi là rất thích tập thơ ấy. Cứ đọc đi đọc lại mãi.
Nhớ đến Lê Thành Nhơn, tôi cũng nhớ đến một người bạn khác: Huỳnh Bội Trân (còn có tên khác: Boitran Huynh-Beattie).
Thứ Sáu, ngày 13/1, khoảng hơn 11 giờ đêm, lúc tôi đang ở Canberra, một người bạn của tôi, Võ Quốc Linh, từ Sydney gọi điện thoại báo cho tôi biết là Bội Trân bị tai biến mạch máu não ở Singapore, nơi chị đang dự một cuộc hội nghị quốc tế về mỹ thuật. Anh nhấn mạnh thêm: Tình trạng rất nguy kịch, có lẽ sẽ không qua khỏi được. Mà đúng như vậy, mấy ngày sau, cũng Võ Quốc Linh báo tin Bội Trân đã qua đời. Chỉ một tuần trước Tết.
Tôi quen với Bội Trân là qua Lê Thành Nhơn. Khi làm luận án tiến sĩ về lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ sau năm 1925,[3] Bội Trân tập trung chủ yếu vào mỹ thuật miền Nam trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, ở đó, chị đặc biệt chú ý đến Lê Thành Nhơn. Chị gặp và phỏng vấn Lê Thành Nhơn khá nhiều lần. Trong đám tang Lê Thành Nhơn ngày 10 tháng 11 năm 2002, tôi đã mời chị lên phát biểu về sự nghiệp của Nhơn. Chị nói rất cảm động, vừa nói vừa giàn giụa nước mắt, đôi lúc dừng lại vì nghẹn ngào. Từ đó, tôi cảm thấy gần gũi hơn với Bội Trân. Chị thường tâm sự với tôi biết những dự án liên quan đến mỹ thuật Việt Nam mà chị đang thực hiện. Mà những dự án ấy khá nhiều. Người nhỏ nhắn và yếu đuối, nhưng chị lại làm việc gần như không biết mệt mỏi. Lúc nào cũng nghe nói chị đang làm một cái gì đó.[4]
Để tưởng niệm cả hai người, tôi xin đăng lại dưới đây một bài viết của Huỳnh Bội Trân về Lê Thành Nhơn đã được đăng trên Tiền Vệ (http://tienve.org).
Đọc lại để nhớ người bạn đã qua đời gần 10 năm về trước và để thương một người bạn khác vừa mới mất. - NHQ
***
Lê Thành Nhơn trong Việt Nam Diaspora
(Huỳnh Bội Trân)
Người ta sẽ nhớ gì về một tác giả sau khi tác giả đã qua đời? Dĩ nhiên trước hết là tác phẩm. Đó là căn cước cụ thể trung thực chứng minh cho tài năng. Lê Thành Nhơn thao lược từ điêu khắc, hội họa cho đến gốm; cái nào anh cũng làm “hết mình”, chữ của anh, đến nỗi người ta có thể tin rằng, một cách dị đoan, anh đã sống hơn một kiếp người với chừng đó tài năng; 62 năm hiện hữu của anh là một sự cô đặc.
Người đời sẽ nhớ đến Lê Thành Nhơn nhiều, nhiều hơn cả mức người ta có thể hình dung. Anh là nhân chứng đứng ở một ngả rẽ lịch sử của Việt Nam, và đồng thời anh là một tác nhân trong dòng lịch sử đó. Việc di tản của những người Việt Nam sau 1975 đã mở ra một hiện thực mới, một Diaspora Việt Nam – cộng đồng Việt Nam tha hương ở khắp các lục địa trên thế giới, Hoa Kỳ, Pháp hay Australia. Diaspora Việt Nam này cho thấy sức mạnh của tính Việt Nam, và Lê Thành Nhơn biểu lộ nó qua công việc của mình. Anh là bằng chứng rực rỡ nhất cho một Diaspora Việt Nam sống đàng hoàng trong một nền văn hoá khác, đi vào nền văn hoá khác bằng cổng chào. Năng lượng của một Diaspora Việt Nam ở chỗ nó không mất đi sắc thái của mình khi hội nhập vào xã hội định cư mà còn làm phong phú thêm chính mình và môi trường văn hoá chủ nhà. Anh là một trong những nhân tố trong Diaspora Việt Nam, và là nhân tố trội. Sự có mặt của Lê Thành Nhơn ở đất nước Kangaroo này là một “fair play”; anh không những đóng thuế như một công dân Úc, như mọi công dân khác, mà còn để lại những cái đẹp ngoài sức mong đợi của miền đất cưu mang. Anh là đối trọng của những nhân vật “ngày nào cũng ngồi chờ ăn giỗ ở nhà mẹ” (chữ của Lê Thành Nhơn) khi nhân danh bảo vệ truyền thống mà thực ra chỉ bào mòn nó.
Nhưng trước hết, người ta nhớ đến anh, vì anh nói lên tiếng nói của con người: lòng tin, niềm hoan lạc, nỗi trăn trở, tình yêu, sự khao khát, đam mê…
Lê Thành Nhơn làm việc nhiều, tác phẩm của anh ở trong nhiều bộ sưu tập của chính phủ và tư nhân khác nhau. Một màn điểm danh đầy đủ tác phẩm của anh sẽ cần đến một công trình nghiên cứu dài. Cái gì đã làm nên một dấu ấn Lê Thành Nhơn, hay phong cách Lê Thành Nhơn? Cái gì là mẫu số chung của những tác phẩm của anh từ điêu khắc, gốm sang đến hội họa? Có thể có nhiều ý kiến khác nhau. Riêng tác giả bài viết này tin rằng tính biểu tượng (Symbolism) và sự biểu cảm (Expressiveness) là hai thành tố có mặt trong mọi tác phẩm của Lê Thành Nhơn. Lê Thành Nhơn quí trọng truyền thống, nhưng không “ăn mày truyền thống” theo nghĩa sao chép những motif ngày xưa để vỗ ngực nói về một tính Việt Nam bất biến. Anh hiểu được mỹ thuật truyền thống của Việt Nam nằm trong khả năng khai thác tính biểu tượng, việc dùng một hình ảnh để miêu tả căn nguyên của một sự kiện khác, do đó khiến tác phẩm ôm ấp nhiều lớp nghĩa khác nhau. Đồng thời mỹ thuật sẽ không còn là mỹ thuật nếu nó không bộc bạch được cảm xúc và mang lại cho người ta cảm xúc. Vậy thì, biểu tượng và biểu cảm có thể so sánh với “lý” và “tình” mà người nghệ sĩ phải cân bằng khi muốn đưa tác phẩm của mình vào một cuộc đời lâu bền.
----------------
Chú thích (của Bội Trân): Những chữ trong ngoặc kép là chữ của anh Lê Thành Nhơn.
Chú thích (của NHQ):
[1] Có thể xem tiểu sử và tác phẩm của Lê Thành Nhơn trên Tiền Vệ: http://tienve.org/home/authors/viewAuthors.do?action=show&authorId=63
[2] Tất cả các bức này đã được đăng trên Tiền Vệ, dưới nhan đề chung “Vẽ Kiều”. Có thể xem trên http://tienve.org/home/visualarts/viewVisualArts.do?action=viewArtwork&artworkId=4899
[3] Nhan đề luận án là “Vietnamese Aesthetics from 1925 onwards”, đệ trình tại University of Sydney năm 2005. Có thể xem trên http://ses.library.usyd.edu.au/handle/2123/633
[4] Có thể xem tiểu sử đầy đủ của Bội Trân trên http://www.austlit.edu.au/run?ex=ShowAgent&agentId=AajG; http://www.engagingwithvietnam.com/speakers/dr-boitran-huynh-beattie; http://diacritics.org/2012/obituary-dr-boitran-huynh-beattie-1957-2012?utm_source=rss&utm_medium=rss&utm_campaign=obituary-dr-boitran-huynh-beattie-1957-2012