Chính phủ Quân nhân Thái Lan dự định mở các cuộc đàm phán với các tổ chức ly khai ở miền nam Thái Lan để tìm cách chấm dứt một thập niên bạo động đã làm hơn 6.000 người thiệt mạng. Các chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng về tiến bộ có thể đạt được sau khi các cuộc đàm phán trước đây bị ngưng trệ. Thông tín viên VOA Ron Corben tại Bangkok ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.
Chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đang thiết lập các sắp xếp an ninh mới tại các tỉnh biên giới phía nam nhiều biến động, với quân đội kiểm soát cả các giới chức an ninh địa phương lẫn các cuộc thương nghị với phe nổi dậy.
Các cuộc đàm phán bắt đầu hồi tháng 2 năm ngoái dưới thời chính phủ dân sự của Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã khựng lại trong tháng 10, sau khi không đạt được tiến bộ nào đáng kể.
Các chuyên gia cho rằng dưới thời chính phủ Yingluck, chia rẽ ngày càng đào sâu giữa các nhà hành chính dân sự và quân đội gây phương hại cho các nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công bạo động.
Quân đội Thái Lan đã thành lập một ủy ban hành pháp và một ủy ban đối thoại hòa bình để xúc tiến các cuộc hoà đàm. Một uỷ ban chính sách hành pháp sẽ do Thủ tướng Prayuth làm chủ tịch. Theo kế hoạch dành cho miền nam, chính phủ cũng dự kiến bổ nhiệm một trưởng đoàn thương thuyết mới.
Tướng Prayuth nói cần phải có thêm sự tham gia của các nhóm nổi dậy trong các cuộc đàm phán thoạt tiên được đặt dưới sự lãnh đạo của nhóm ly khai BRN tức Mặt trận Giải phóng Dân tộc, và cũng được hậu thuẫn chính thức của nước láng giềng Malaysia.
Ông Panitan Wattanayagorn, một chuyên gia phân tích quốc phòng của trường Ðại học Chulalongkorn, cho rằng các động thái hướng tới một cơ chế thương nghị và an ninh thống nhất hơn được sự hưởng ứng.
Ông Panitan cho rằng sẽ có được một cơ chế thống nhất lần đầu tiên từ trên xuống dưới, vì thế mà một mặt thì đó là một sự kiện rất mới mẻ, nhưng thành quả thực sự phải có được trên thực tế, cho dù việc thực thi từ trên xuống dưới có thể đạt được thành quả hay không.
Bà Angkhana Neelapaijit, một nhà hoạt động cho nhân quyền, nói xã hội dân sự và các tổ chức nhân quyền kêu gọi có một vai trò lớn hơn trong các cuộc đàm phán cho phụ nữ, là giới thường bị tác động nặng nề bởi bạo lực và xung đột và các nhóm bên ngoài quân đội.
“Có một điều xã hội dân sự không bàn luận một cách nghiêm túc là cách thức chúng ta có thể khuyến khích phụ nữ tham gia vào tiến trình hòa bình và đưa ra các đề nghị, bởi vì nam giới nói về vấn đề chia quyền, họ nói về chính quyền, nhưng khi phụ nữ nói chuyện thì họ nói về phẩm chất sinh hoạt, về các dịch vụ y tế, về an sinh xã hội.”
Vụ tấn công gây chết chóc mới đây nhất xảy ra hồi cuối tháng 7, khi một quả bom cài trong xe phát nổ gần một khách sạn ở thị trấn Betong miền nam, thuộc tỉnh Yala gần biên giới giáp với Malaysia, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng và trên 30 người bị thương.
Hơn 6.000 người - cả Phật giáo lẫn Hồi giáo – đã bỏ mình trong các cuộc bạo động tái phát vào năm 2004 sau một thập niên bạo động lắng dịu.
Các sĩ quan thuộc Bộ chỉ huy Chiến dịch An ninh ISOC nói quân đội Thái Lan một lần nữa đang tìm hiểu thêm về các cuộc nổi dậy trong khu vực, như ở Aceh bên Indonesia, Mindanao ở Philippines và Bắc Ireland.
Ở cả tỉnh Aceh của Indonesia lẫn vùng Mindanao của Philippines, các chính phủ liên hệ cuối cùng đã đồng ý với một mức độ tự trị.
Cho đến nay, Quân đội Thái Lan đã cưỡng lại mọi lời hô hào đòi tự trị, thay vì kêu gọi chấm dứt bạo động trước khi bắt đầu các cuộc đàm phán có thực chất.
Nhưng chuyên gia quốc phòng của trường Ðại học Chulalongkorn, ông Panitan cho rằng quân đội có thể phải chấp nhận một giải pháp chính trị, kể cả một mức độ tự trị, nếu như các cuộc đàm phán được sự hậu thuẫn của Tướng Prayuth đạt được thành quả.
Ông Panitan cho rằng còn phải chờ xem họ có đưa ra được một giải pháp chính trị hay một sách lược chính trị thành công như đã làm được trước đây hay không. Chung cuộc sau khoảng 3 đến 6 tháng giải quyết vấn đề thì ông Prayuth có thể phải nhận ra và thực sự giải quyết vấn đề miền nam với một giải pháp chính trị.
Trong các thập niên 1970 và 1980, các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan, cùng với hậu thuẫn của Malaysia, đã đạt được thành quả trong việc chấm dứt một thời kỳ bạo động nổi loạn kéo dài qua sự phối hợp giữa các cuộc đàm phán và các đề nghị ân xá cho các chiến binh nổi dậy.