Với một tin nhắn trên Twitter vào đầu tháng 1 năm nay rằng “Việc này sẽ không xảy ra!”, ông Donald Trump lúc đó chưa tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, đã tạo ra một cuộc đối đầu để ngăn Triều Tiên phát triển một phi đạn đạn đạo mang vũ khí hạt nhân có thể bắn tới đất liền nước Mỹ.
Trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống, ông Trump làm các nước đồng minh châu Á lo ngại với phương châm ‘Nước Mỹ Trên hết’ đe dọa rút các lực lượng Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản, trừ phi hai nước tăng gia đóng góp quốc phòng và ông bày tỏ mong muốn thương thuyết với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Áp lực tối đa
Tuy nhiên, sau khi nhậm chức, ông Trump đưa vấn đề chấm dứt đe dọa hạt nhân của Triều Tiên lên ưu tiên hàng đầu của an ninh quốc gia, và áp dụng chiến lược “áp lực tối đa” áp đặt những chế tài mạnh mẽ lên chính phủ Kim Jong Un với mối đe dọa quân sự hậu thuẫn.
“Ông đã nâng cao tất cả những hy vọng về điều ông sẽ làm đối với Triều Tiên. Và nếu ông không làm những điều này thì uy tín ông bị đe dọa nghiêm trọng, ” nhà phân tích John Delury thuộc Trường đại học Yonsei ở Seoul nói.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Trump nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách cứng rắn của ông về Triều Tiên từ một đồng minh châu Á quan trọng.
Vào tháng 2 năm nay, tân Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đến Tokyo và Seoul để tái xác nhận cam kết của Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ trong vùng, trong khi giảm nhẹ những chỉ trích trước đây của ông Trump về chi phí quốc phòng.
Vào tháng 4, cùng ngày Tổng thống Trump ăn tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở khu nghỉ mát Mar-a-Lago ở Florida, ông đã ra lệnh đơn phương tấn công bằng phi đạn vào Syria vì nước này bị cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân.
Việc biểu dượng lực lượng quân sự của ông Trump, những người ủng hộ nói, đã gởi một thông điệp cho ông Tập, rằng nếu Trung Quốc không hành động để ngăn chặn những khiêu khích của Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ hành động.
Ngoại trưởng Rex Tillerson lẫn Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã đến thăm vùng này, cảnh báo là Hoa Kỳ không loại trừ việc tấn công phủ đầu để hủy diệt mối đe dọa hạt nhân ngày càng tăng của Triều Tiên đối với đất liền Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Hàn Quốc sau khi luận tội Tổng thống bảo thủ Park Geun-hye đã bầu Tổng thống cấp tiến Moon Jae-in. Ông này mạnh mẽ chống lại việc sử dụng lực lượng quân sự tấn công tại bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Moon lại ‘sánh vai’ chặt chẽ với Hoa Kỳ về những hành động ngăn chặn và những chế tài trong khi nỗ lực của ông muốn giảm bớt căng thẳng khu vực bằng giao tiếp và đối thoại bị Triều Tiên bác bỏ.
Trong năm, Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như đã dịu giọng, chuyển sang ủng hộ các cuộc thảo luận vô điều kiện với các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, bỏ đòi hỏi là Triều Tiên phải từ bỏ trước tiên chương trình hạt nhân của nước này.
Thế nhưng, Tổng thống Trump liên tiếp bác bỏ chính sách của ông Tillerson, công khai viết trên Twitter hồi tháng 10 rằng ông Tillerson “mất thì giờ” khi nỗ lực tái tục các cuộc thảo luận với Triều Tiên.
Ông Tillerson sau đó minh định lại lập trường là Triều Tiên chỉ có thể đến bàn hội nghị sau khi ngưng các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân.
Bất chấp những đe dọa của Washington và những chế tài kinh tế gia tăng, Bình Nhưỡng trong năm tiếp tục thử nghiệm phi đạn đạn đạo, cải tiến đáng kể tầm bắn và khả năng kỹ thuật của phi đạn.
Vào tháng Hai, tính cách tàn bạo của chế độ Bình Nhưỡng bộc lộ rõ ràng khi những điệp viên của Triều Tiên bị truy tố với cáo buộc dùng chất độc ám sát Kim Jong Nam, anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh tụ Kim Jong Un, tại phi trường Kuala Lumpur ở Malaysia.
Và vào tháng 6, người Mỹ phẫn nộ khi Triều Tiên trả tự do cho sinh viên Mỹ Otto Wambier trong tình trạng bất tỉnh. Wamber bị bắt vào năm 2016 vì đã lấy cắp một bích chương tuyên truyền trong khách sạn, nơi anh ở trọ. Wamber chết không lâu sau khi được trả về Mỹ.
Để đáp trả, quốc hội Mỹ thông qua luật cấm du hành đến Triều Tiên.