Một nhóm các thành viên của Ủy ban Thép tại Quốc hội Mỹ đã bày tỏ quan ngại của họ tới Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ về việc bộ này xem xét đưa Việt Nam ra khỏi danh sách nền kinh tế phi thị trường theo yêu cầu của quốc gia Đông Nam Á, mà các nhà lập pháp này cho là “một trong những quốc gia kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất thế giới.”
Việt Nam bị Mỹ xác định là nền kinh tế phi thị trường trong hơn 20 năm qua và Bộ Công thương Việt Nam hồi tháng 9 đã yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ đánh giá lại tình trạng này khi cho rằng họ cần được đưa ra khỏi danh sách vốn áp dụng cho các vụ kiện chống bán phá giá. Chính quyền Biden vào tháng 10 đã đồng ý xem xét lại tình trạng của Việt Nam và Bộ Thương mại Mỹ dự kiến đưa ra quyết định trong vòng vài tuần nữa.
Trong bức thư chung gửi Bộ trưởng Gina Raimondo, 37 thành viên của ủy ban lưỡng đảng, đại diện cho các khu vực có các nhà sản xuất thép, tại Quốc hội Mỹ viết rằng Việt Nam “vẫn là một ví dụ điển hình về nền kinh tế do chính phủ kiểm soát từ trên xuống và đã trở thành mối đe dọa đáng kể đối với các nhà sản xuất thép theo định hướng thị trường ở Hoa Kỳ.”
Theo các dân biểu của ủy ban, vốn thúc đẩy lợi ích của ngành công nghiệp và công nhân luyện thép Hoa Kỳ, dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và với sự trợ cấp lớn của chính phủ, ngành thép Việt Nam đã chuyển đổi “thành một nhà sản xuất thép lớn và là một trong những nước kinh doanh thép không công bằng tai hại nhất trên thế giới.”
Trích dẫn dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), các nhà lập pháp Mỹ cho biết một nửa sản lượng thép của Việt Nam là dành cho xuất khẩu.
“Ngành sản xuất thép của Mỹ đã chứng kiến những tác động tàn khốc từ việc mở rộng công suất thép phi thị trường của Việt Nam,” các nhà lập pháp nói trong bức thư. “Năm 2010, lượng thép nhập khẩu từ Việt Nam của Mỹ chưa đến 40.000 tấn. Đến năm 2018, lượng nhập khẩu từ Việt Nam vượt 1 triệu tấn.”
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của quốc gia Đông Nam Á.
Theo nhóm các dân biểu Mỹ của Ủy ban Thép tại Quốc hội, Việt Nam là nơi các nhà sản xuất thép từ các quốc gia khác như Trung Quốc tìm cách dịch chuyển sản xuất đến đây để tránh các lệnh phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ. Do đó, theo lập luận của họ, trao quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam mà không xem xét đầy đủ và công bằng theo các yếu tố được quy định trong Đạo luật Thuế quan Hoa Kỳ năm 1930 sẽ là “quá sớm và không chính đáng.”
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết qua email hôm 3/7 rằng “Bộ đã nhận được bức thư và sẽ trả lời qua các kênh thích hợp.”
Bộ Thương mại Mỹ vào năm 2020 đã khởi xướng một cuộc điều tra về nghi ngờ rằng các sản phẩm thép tấm không gỉ nhập từ Việt Nam là thép Trung Quốc được gia công tại quốc gia Đông Nam Á để xuất sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.
Chủ tịch Liên minh Các công ty Sản xuất Hoa Kỳ (AAM) Scott Paul nói với VOA trong một lần trả lời phỏng vấn trước đây rằng “có nhiều chỉ dấu cho thấy Trung Quốc có thể đang sử dụng Việt Nam làm nền tảng để xuất khẩu sang Hoa Kỳ và điều này rõ ràng khiến các công ty ở [Mỹ] lo ngại”. AAM cũng đã gửi phản đối lên Bộ Thương mại Mỹ về việc xem xét cấp cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường.
Hàng chục nghị sĩ Mỹ trước đây cũng đã đưa ra quan điểm tương tự về việc Bộ Thương mại xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Họ đã kêu gọi Bộ này không nâng cấp Việt Nam lên kinh tế thị trường khi cho rằng việc này sẽ làm trầm trọng thêm những sự méo mó thương mại đang diễn ra cũng như đe dọa người lao động và các ngành công nghiệp Mỹ.
Dù các nhà sản xuất thép và tôm ở Mỹ phản đối nhưng các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, hàng nhập khẩu của Việt Nam sẽ được giảm thuế chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Tại buổi điều trần hồi tháng 5, ông Ted Osius, người đứng đầu Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, nơi ủng hộ việc nâng cấp cho Việt Nam, nói rằng “Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường.”
Việt Nam đã lập luận khi yêu cầu Mỹ đưa ra khỏi danh sách 12 nước bị coi là kinh tế phi thị trường rằng họ đã có những cải cách về kinh tế trong những năm gần đây. Các quan chức Việt Nam, gồm cả Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, đã nói rằng việc giữ lại Việt Nam trong danh sách này là điều không tốt cho mối quan hệ ngày càng gắn bó giữa giữa hai nước, mà Washington coi là đối trọng với Trung Quốc.
“Chúng tôi hiểu mong muốn lớn hơn của Chính quyền trong việc hợp tác với các đồng minh và đối tác để giải quyết những thách thức do hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới,” các thành viên của Ủy ban Thép tại Quốc hội Mỹ viết trong bức thư. “Nhưng cả luật chống bán phá giá của Hoa Kỳ cũng như các ngành công nghiệp và người lao động phụ thuộc vào chúng đều không nên được coi là công cụ mặc cả cho những nỗ lực đó. Sinh kế của những người Mỹ làm việc chăm chỉ, bao gồm nhiều cử tri của chúng ta, phụ thuộc vào điều đó.”
Bộ Thương mại Mỹ cho VOA biết việc đánh giá NME "đòi hỏi phải phân tích chuyên sâu thực tế về 6 yếu tố mà luật pháp yêu cầu chúng tôi phải đánh giá để xác định mức độ tham gia của chính phủ vào nền kinh tế, dẫn đến hoạt động phi thị trường.” Bộ cho biết họ sẽ xem xét tất cả các ý kiến được gửi đến.
(Bản tin được cập nhật với phần trả lời của Bộ Thương mại Mỹ)