Các mối quan ngại về vụ khủng hoảng tài chính Hy Lạp lan rộng và gây tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu đã châm ngòi cho tình trạng bán chứng khoán ồ ạt vào ngày hôm nay ở châu Á, trong khi các thị trường dễ biến động của Trung Quốc sẵn sàng đi vào tình trạng chứng khoán sụt giảm gây bi quan cho giới đầu tư chủ yếu vì các vấn đề trong nước.
Các thị trường chứng khoán trong vùng là khối đầu tiên phản ứng trước loan báo bất ngờ của chính phủ Hy Lạp yêu cầu mở một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc, đóng cửa các ngân hàng và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn sau khi Ngân hàng Trung ương Âu châu thông báo hôm Chủ Nhật rằng các ngân hàng Hy Lạp sẽ không được vay các khoản nợ khẩn cấp nữa.
Chuyên gia Erwin Sanft tại công ty Chứng khoán Macquarie ở Hồng Kông nhận định: “Đã có một cảm giác tự mãn trong các thị trường toàn cầu về khả năng Hy Lạp có thể rút ra khỏi khu vực sử dụng đồng Euro, nhưng rõ ràng sự tự mãn đó đang bị lung lay vào lúc này. Do đó, tôi cho rằng tình hình này sẽ tiếp tục ngự trị các thị trường trong tuần này”.
Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Tokyo sụt gần 600 điểm vào lúc thị trường đóng cửa hôm nay. Tỷ lệ sụt giảm gần 2,9%.
Chỉ số KOSPI của Nam Triều Tiên sụt hơn 1,4% trong ngày.
Cũng có những sụt giảm đáng kể trong các thị trường chứng khoán từ Australia cho đến Ấn Độ. Chỉ số BSE Sensex ở Mumbai vào đầu ngày giao dịch tụt xuống hơn 500 điểm trước khi phục hồi đôi chút với mức hạ 0,6% vào lúc đóng cửa.
Trung Quốc
Sự lo lắng dễ nhận thấy hơn trong các thị trường chứng khoán của Trung Quốc. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải được theo dõi sát dao động với tỷ lệ 10% số điểm, là mức dao động trong 1 ngày lớn nhất kể từ năm 1992.
Chỉ số chứng khoán Thẩm Quyến sụt gần 5,8%, trong khi chỉ số Hàng Sinh của Hồng Kông sụt 2,78%.
Một thông cáo vào giữa phiên giao dịch trên mạng truyền thông xã hội Sina Weibo của Ủy ban Điều hành Chứng khoán Trung Quốc đã chận được một phần hoảng sợ qua việc trấn án thị trường nội địa rằng: “Vào lúc này, các rủi ro liên quan đến việc bán tống bán tháo và việc vay tiền trung gian để mua chứng khoán nói chung đang nằm trong vòng kiểm soát”.
Tuy nhiên, vẫn còn một vấn đề cơ chế, theo ông nhận xét của ông Sanft thuộc công ty Macquarie, khi nói chuyện với đài VOA, “vị trí hay mức độ mượn tiền của trung gian vẫn cần phải hạ giảm vào một thời điểm nào đó”.
Vào cao điểm là ngày 12 tháng 6, Thượng Hải đã tăng vọt hơn 150% trong 12 tháng vừa qua và đã giảm bớt 20% kể từ đó.
Theo ông David Welch, người đứng đầu về giao dịch chứng khoán cho Tập đoàn Reorient ở Hồng Kông: “Trên nguyên tắc, đó là một thị trường đầy bi quan trong một thời gian tương đối ngắn”.
Cắt giảm lãi suất
Một sự cắt giảm lãi suất hôm thứ Bảy của Bắc Kinh đã không ngăn chặn được các hiện tượng giảm sút đáng kể trong tuần trước.
Từ nhiều tháng, các chuyên gia phân tích đã cảnh báo về bong bóng chứng khoán ở Trung Quốc với nhiều nhà đầu tự thiếu kinh nghiệm vận dụng mọi phương tiện để đầu tư sẽ gánh chịu thiệt hại.
Ông Welch nói với đài VOA: “Thực là đau lòng khi nói ra, tôi nghĩ rằng sự điều chỉnh chúng ta đã có trong 2 hay 3 tuần lễ vừa qua là lành mạnh bởi vì nó đã làm giảm bớt tình trạng dùng mọi phương tiện để đầu tư trong hệ thống”.
Ông Welch giải thích: "Chắc chắn sẽ có rất nhiều người đã mất đi một khoản tiền to lớn trong bối cảnh thị trường sụt giá 20% và nhiều người đã giao dịch bằng cách vận dụng mọi phương tiện vay mượn".
Các nhà điều hành của Trung Quốc đã nói về việc xây dựng một thị trường chậm về lâu về dài và “một phần của kế hoạch đó là không cho phép một quả bong bóng khổng lồ căng lên và cuối cùng nổ bùng”.
Trong thị trường giao dịch chỉ tệ ở châu Á, các triển vọng ngày càng tăng về việc Hy Lạp có thể bị buộc rời khỏi khu vực euro đã khiến chỉ tệ chung này sụt giá 3% so với đồng yen.
Vàng, theo lệ thường là phương tiện bảo vệ an toàn trong thời buổi bất định, tăng giá 0,8% lên tới mức 1.184 đôla một ounce.