Làn sóng những người di dân kéo đến những bờ biển miền nam Italy từ Bắc Phi tiếp tục tăng cao. Sau chuyến hải trình đầy nguy hiểm ở Địa Trung Hải, giờ đây họ đang phải đối mặt với một tương lai mờ mịt ở châu Âu. Tại thành phố Catania ở Sicily, Italy, có một nhà hoạt động đang cống hiến hết sức mình để giúp đỡ những người tỵ nạn với chuyến hành trình của họ.
Your browser doesn’t support HTML5
Trong đám đông những người tỵ nạn Syria ở trạm Catania, số lượng những em bé có mặt ở đây khiến người ta không khỏi giật mình. Có những em bé chỉ mới được một vài tuần tuổi. Những người Syria này đã chạy trốn khỏi cuộc nội chiến và vừa lênh đênh ngoài biển suốt 20 ngày trên một chiếc thuyền đánh cá cũ kỹ.
Kiệt sức, trên người chỉ còn một chút tiền và tư trang, họ lại chuẩn bị một chuyến hành trình mới lên phía bắc, trên một chuyến tàu đêm đến thành phố Milan.
Tuy vậy, những câu chuyện kinh hoàng xảy ra ở Syria vẫn đeo bám họ. Anh Ahmad Anwar Fares kể lại điều khiến anh buộc phải rời bỏ nhà cửa ở Rif Al Sham, gần Damascus:
“Họ ném bom trúng nhà tôi, con gái mới bốn tháng tuổi của tôi đã chết khi một mảng trần nhà rơi trúng con bé. Tôi còn hai đứa con trai nữa và ngay lúc đó tôi đã phải bế thốc chúng lên và bỏ chạy.”
Nhưng ở ngay tại đây, người ta có thể thấy đang có ít nhất một gương mặt thân thiện đang đứng chờ. Cô là Nawal Soufi, một phụ nữ Ý gốc Maroc được biết với tên gọi “Thiên sứ của Người di dân.” Cô và bạn bè của cô phân phát đồ ăn trẻ em và quần áo, kèm theo đó là những lời khuyên và động viên:
“Tôi yêu tất cả các bạn. Các bạn là gia đình của tôi. Chúa ban phước lành cho các bạn và cầu chúc cho các bạn thực hiện được giấc mơ của mình.”
Cô Soufi là một nhà hoạt động thuộc nhóm những người sát cánh cùng những di dân ở Italy, được biết tới với tên gọi “la rete” hay có nghĩa là mạng lưới. Cô Soufi giải thích rằng một phần công việc mà họ làm là giúp đỡ những di dân tránh bị những kẻ xấu lợi dụng:
“Như trong ngày hôm nay, có một nhóm những kẻ xấu chuyên dụ dỗ những di dân sẽ lái xe đưa họ lên phía bắc với chỉ 500 euro mỗi người. Tôi phải giải thích với các di dân rằng họ có quyền đi tàu và cảnh sát không thể cấm họ làm điều đó.”
Cô Soufi giải thích lý do tại sao cô tận tụy giúp đỡ các di dân như vậy:
“Tôi làm vậy để tôi có thể cảm thấy mình đang là một con người khi trở về nhà mỗi tối, để tôi không cảm thấy rằng mình là một phần của thảm kịch này, để tôi không cảm thấy rằng bàn tay mình đang nhuốm máu của những người di dân này.”
Sau khi bắt đầu khởi hành từ Bắc Phi, những người di dân thường gọi cho cô Soufi từ một chiếc điện thoại vệ tinh để cô có thể báo cho lực lượng tuần duyên. Và cô có cái tên gọi “Quý cô SOS” từ đó.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, gần 900 di dân đã thiệt mạng khi chiếc thuyền của họ chìm ở bờ biển Libya. Cô Soufi nói rằng việc châu Âu không có hành động gì đã gây ra một sự phẫn nộ:
“Việc châu Âu không thể bảo đảm một hành lang nhân đạo từ Syria, với việc mỗi quốc gia sẽ nhận lấy một phần trách nhiệm đối với những di dân này, là việc không thể thực hiện được sao? Châu Âu được coi là nhóm những quốc gia dân chủ, nơi mọi người đều biết tới nhân quyền, mặc dù bây giờ thì điều đó có lẽ chỉ còn tồn tại trên giấy tờ mà thôi, bởi vì 900 người không chỉ đơn thuần là một con số.”
Những di dân ở thành phố Catania đã sống sót sau chuyến hành trình chết chóc vừa qua, nhưng giờ đây họ sẽ phải đối mặt với những nỗi sợ và thách thức mới.
Chuyến tàu chở những di dân giờ đây lại bắt đầu khởi hành. Cô Nawal Soufi vẫy chào họ với một lá cờ Syria trong tay và động viên họ hãy luôn mạnh mẽ. Ngày mai cô sẽ quay trở lại nơi đây để sẵn sàng giúp đỡ một đợt những người di dân mới đang tuyệt vọng chuẩn bị đặt chân lên bờ biển phía nam châu Âu này.