Thời sự nước Pháp: Cuộc thăm dò dư luận làm chấn động phái hữu và phái tả

Bà Marine Le Pen, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc (FN)

Chuyện thăm dò dư luận là chuyện thông thường hàng ngày trên báo chí Pháp. Vậy mà nửa tháng nay dư luận Pháp không ngớt bàn luận sôi nổi về một cuộc điều tra dư luận của cử tri Pháp đối với các ứng cử viên tương lai trong cuộc bầu tổng thống sẽ diễn ra trong tháng 4 và tháng 5–2012.

Các hãng thăm dò dư luận chuyên nghiệp IFOP và CSA vừa công bố trên báo France Soir và báo Marianne kết quả thăm dò 1 ngàn người vào cuối tháng 2-2011, cho thấy bà Marine Le Pen của Mặt trận Dân tộc (le Front National – FN) đạt một tỷ lệ khác thường, trên 20%.

Vì sao tin này lại chấn động, làm cho các đảng thuộc cánh hữu cũng như các đảng thuộc cánh tả giật mình, tìm cách đối phó?

FN là một đảng cực hữu, chủ trương phân biệt chủng tộc, chống hủy bỏ án tử hình, chống nạo thai, chống đám cưới đồng tính và nổi bật nhất là chống người di cư, nhập cư vào nước Pháp, chủ trương «nước Pháp là của người Pháp».

FN được thành lập từ năm 1972 bởi ông Jean Marie Le Pen, một sỹ quan đơn vị Lê dương, từng ở chiến trường Đông Dương trở về. Ông từng là đại biểu Quốc hội Pháp, năm nay 83 tuổi, là chủ tịch suốt gần 30 năm, hiện là chủ tịch danh dự của FN.

Mới đây, từ tháng 1-2011, Marine Le Pen, con gái thứ 3 của ông Jean Marie Le Pen được cử lên thay ông làm Chủ tịch FN. Bà Marine Le Pen là luật sư, năm nay 43 tuổi, tham gia lãnh đạo FN từ hơn 10 năm nay, ăn nói mềm dẻo hơn ông bố. Một số nữ thanh niên và phụ nữ thuộc tầng lớp trên và trung gian có cảm tình với Marine.

Cách đây hơn 20 năm, vị trí của FN rất thấp, thường đứng hàng thứ 6, thứ 7 trong hàng ngũ các đảng. FN đứng sau đảng của tướng de Gaulle, nay là UMP, sau đảng Xã hội PS, sau đảng cánh trung MoDem (Movement démocrate - Phong trào Dân chủ), sau đảng Cộng sản PC, sau cả đảng Xanh và đảng trotskyist Công nhân Độc lập (Parti ouvrier indépendant - POI). Thường FN chỉ đạt tỷ lệ 4 đến 6 % phiếu bầu. Từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ, rồi khối Cộng sản Đông Âu tan vỡ, nhất là sau khi Liên Xô giải thể, chiến tranh lạnh chấm dứt, các đảng phái tả gặp nhiều khó khăn, FN tăng ảnh hưởng khá nhanh.

Năm 2002, trong cuộc bầu tổng thống, FN đã làm nên chuyện bất ngờ, ứng cử viên Jean Marie Le Pen đứng thứ nhì, chỉ sau tổng thống đương nhiệm Chirac (19%), đứng trên ứng cử viên của đảng Xã hội Léonel Jospin. Từ chỗ chỉ đạt chừng 5 đến 7 hay 8 % số phiếu trong các cuộc bầu tổng thống trước, lần này số phiếu bỏ cho ông Le Pen tăng vọt lên 17%, đứng thứ nhì trong 16 ứng cử viên, cao hơn ông Jospin của đảng Xã hội (16%), cao hơn ông Bayrou của đảng cánh trung MoDem, bỏ xa ông Robert Hue của đảng Cộng sản (2,5%). Năm 2007, trong cuộc bầu cử tổng thống, ông Le Pen bị sút phiếu, chỉ còn hơn 10% phiếu bầu, đứng thứ tư, sau ông Nicolas Sarkozy (31%), sau bà Segolene Royal (25%) và sau ông Bayrou (18%).

Chỉ còn hơn 1 năm, cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 4 và tháng 5 -2012. Nhưng ngay những ngày 20 và 27 tháng 3-2011 này, khắp nước Pháp sẽ diễn ra cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh. Cuộc bầu cử này rất quan trọng, bầu ra 4.039 đại biểu cho 100 Hội đồng cấp tỉnh, mỗi hội đồng có số đại biểu nhiều ít theo số dân, nhiều nhất là 79 đại biểu, ít nhất là 15. Nhiệm kỳ mỗi đại biểu là 6 năm. Cứ 3 năm lại bầu lại một nửa.

Điều quan trọng là qua cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh có thể nhận ra «sức khỏe» chính trị, uy tín, ảnh hưởng xã hội của mỗi đảng đang trong tình trạng ra sao, cao hay thấp, đi lên hay đi xuống, để làm cơ sở chuẩn bị cho cuộc vận động bầu tổng thống sang năm.

Chính do tình hình trên đây, cuộc thăm dò của IFOP và CSA cho thấy tín nhiệm của FN lên cao đến gần 20%, rồi trên 20%, đứng thứ nhì trong vòng đầu, vào được vòng 2, làm cho tất cả các đảng khác, hữu cũng như tả, phải giật mình. Cuộc thăm dò cuối tháng 2-2011 cho thấy đảng Xã hội dẫn đầu, hoặc với ông Dominique Strauss-Kahn - hiện là Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quộc tế (24%), hoặc là với bà Martine Aubry, Tổng bí thư đảng Xã hội (22%). Đảng UMP chỉ đạt 19%, nghĩa là bị loại. Các nhà lãnh đạo đảng cầm quyền UMP của đương kim tổng thống giật mình lo ngại. Trong khi ấy uy tín của Tổng thống Sarkozy tụt xuống thấp nhất, 27%, 24% rồi 21%. UMP thường tự hào là đảng của đa số, đảng số một của nước Pháp, nếu như bị đảng cực hữu FN qua mặt và bị loại ngay từ vòng đầu, thì còn gì là uy tín.

Đảng Xã hội tuy dẫn đầu trong các cuộc thăm dò nhưng vẫn lo ngại, vì khoảng cách trong vòng đầu cho thấy không lớn, chỉ 1 hay 2%. Điều lo ngại nhất là khi vào vòng 2 với FN, có thể một số ít cử tri các đảng khác dồn phiếu cho FN, chặn đường đảng Xã hội. Nếu điều đó xảy ra, thì tình hình không biết sẽ ra sao. Đã có một số đảng viên tự do trẻ tuổi của UMP tuyên bố nếu xảy ra một cuộc đọ sức giữa FN và đảng Xã hội trong vòng 2 thì họ chọn FN. Ban lãnh đạo UMP đe dọa rằng đảng viên UMP nào liên minh với FN sẽ bị khai trừ.

Về phía FN, được các hãng thăm dò đưa lên cao, các báo đưa tin bình luận rôm rả, 2 cha con Chủ tịch Danh dự và Chủ tịch FN Le Pen rất phấn chấn, liên tục xuất hiện trên truyền hình, ra sức vận động để giành nhiều thắng lợi trong cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh ngày 20 và 27-3 tới, nhằm tạo đà vươn lên nữa.

Trước mắt UMP cũng dồn sức cho cuộc bầu cử này, cố gắng giành nhiều ghế đại diện trong Hội đồng các tỉnh lớn như Val d’ Oise, Seine et Marne, Corrèze…

Tình hình cũng hối thúc đảng Xã hội mau cử ra một ứng viên tổng thống duy nhất, không nên để 5, 6 người đều ngấp nghé ứng cử. Xu thế ưu tiên thuộc về ông Strauss-Kahn, một giáo sư kinh tế thượng thặng, có vai vế quốc tế, người được thăm dò đạt mức ủng hộ cao nhất, do đó bà Aubry, bà Royal, ông Francois Hollande...được khuyên là nên sớm từ bỏ ý định ra tranh cử. Có vậy mới có thể vừa nâng cao cơ may giành thắng lợi cho đảng PS, vừa ngăn chặn đà vươn lên nguy hiểm của đảng cực hữu FN khét tiếng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, dân tộc cực đoan.

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.