Hai thượng nghị sĩ có tiếng nói trong Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ mới lên tiếng kêu gọi Việt Nam theo chân Philippines, thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông, ngay sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết tuyên bố phần thắng nghiêng về Philippines.
Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cùng ông Dan Sullivan, một thành viên khác của ủy ban này, đã lên tiếng “khuyến khích các nước có tranh chấp ở biển Đông, như Việt Nam, mưu tìm một phương cách xử lý tranh chấp lãnh hải tương tự [như Philippines] thông qua tòa trọng tài cũng như thông qua đàm phán giữa các bên liên quan”.
Hai thượng nghị sĩ Mỹ kêu gọi Hà Nội sau khi Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc ra phán quyết được chờ đợi về vụ Philippines kiện Trung Quốc hôm 12/7, bác bỏ tuyên bố đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông của Bắc Kinh.
Tòa cũng tuyên bố rằng Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", và “đường đứt khúc 9 đoạn” này không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Khi được phóng viên VOA Việt Ngữ hỏi lý do vì sao Việt Nam nên có các bước đi tương tự như Manila, thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói: “Tôi nghĩ đó là cách thức để xử lý các thách thức của khu vực một cách hòa bình. Tôi muốn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ muốn các vấn đề [chủ quyền biển Đông] được giải quyết một cách hòa bình, và điều đó mang lại lợi ích cho tất cả các nước. Các quốc gia, nhất là Trung Quốc, đã hưởng lợi từ vùng biển Đông và biển Hoa Đông rộng mở".
Tôi nghĩ rằng vì quyền lợi chiến lược, sau phán quyết này, Trung Quốc nên ngồi vào bàn đàm phán với các nước để giải quyết vấn đề này. Nhưng nếu [Bắc Kinh] duy trì quan điểm bác bỏ, không quan tâm tới ý kiến của bất kỳ ai khác, và khẳng định chủ quyền về đường 9 đoạn, thì các nước khác sẽ đứng lên thách thức.Thượng nghị sĩ Dan Sullivan nói.
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng vì quyền lợi chiến lược, sau phán quyết này, Trung Quốc nên ngồi vào bàn đàm phán với các nước để giải quyết vấn đề này. Nhưng nếu [Bắc Kinh] duy trì quan điểm bác bỏ, không quan tâm tới ý kiến của bất kỳ ai khác, và khẳng định chủ quyền về đường 9 đoạn, thì các nước khác sẽ đứng lên thách thức”.
Trước đó, trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, ông Sullivan cho rằng Trung Quốc đang “tự cô lập mình” bằng các hành động khẳng định chủ quyền ở biển Đông.
Vị thượng nghị sĩ này cũng kêu gọi hải quân Mỹ duy trì sự hiện diện ở khu vực tranh chấp, đồng thời hối thúc chính quyền Washington củng cố quan hệ với các nước như Việt Nam.
Trong tuyên bố lên tiếng “hoan nghênh” phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhắc lại lập trường lâu nay của Hà Nội, là giải quyết các tranh chấp “bằng các biện pháp hòa bình” cũng như nhấn mạnh tới việc “duy trì tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông”.
Dù tuyên bố không đứng về phía nào trong tranh chấp, Hoa Kỳ bấy lâu nay đưa tàu chiến qua sát các đảo nhân đạo mà Trung Quốc bồi đắp ở vùng biển tranh chấp.
Về khả năng phán quyết của Tòa Trọng tài gây căng thẳng trên biển Đông, nhất là từ phía Trung Quốc, tiến sĩ Joseph Chinyong Liow của Trường Ngoại giao S. Rajaratnam ở Singapore nói với VOA Việt Ngữ rằng còn quá sớm để đưa ra nhận định.
Căng thẳng có leo thang hay không còn tùy thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Ngay từ đầu, Trung Quốc phản bác và không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, và tuyên bố sẽ theo đuổi hành động của riêng mình, dù phán quyết có như thế nào. Nay thì phán quyết đi ngược lại quyền lợi của họ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có các hành động khẳng định chủ quyền mạnh mẽ hơn hay không? Chúng ta chưa thể biết ngay được.Tiến sĩ Joseph Chinyong Liow của Trường Ngoại giao S. Rajaratnam ở Singapore nói.
Nhà nghiên cứu này nói thêm: “Căng thẳng có leo thang hay không còn tùy thuộc phần lớn vào Trung Quốc. Ngay từ đầu, Trung Quốc phản bác và không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài, và tuyên bố sẽ theo đuổi hành động của riêng mình, dù phán quyết có như thế nào. Nay thì phán quyết đi ngược lại quyền lợi của họ. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có các hành động khẳng định chủ quyền mạnh mẽ hơn hay không? Chúng ta chưa thể biết ngay được”.
Ông Liow nói thêm rằng Việt Nam sẽ xem các tác động từ phán quyết và sẽ “tính toán các bước” đi cụ thể sắp tới.
Phản ứng về kết quả vụ kiện, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố rằng Bắc Kinh “cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở biển Đông, nhưng sẽ không chấp nhận bất cứ quan điểm hay hành động nào dựa trên kết quả của Tòa Trọng tài về vụ tranh chấp”.
Hôm 11/7, nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa đưa tin trên mạng xã hội rằng các lực lượng dự bị của hải quân Trung Quốc đã được huy động, sau khi có tin đồn họ được gọi tham gia nhiệm vụ từ ngày 10 tới 22/7, trùng khoảng thời gian tòa ra phán quyết.
Trong khi đó, Chủ tịch Liên hiệp châu Âu Donald Tusk hôm nay, 12/7, thận trọng kêu gọi Trung Quốc tôn trọng “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.
Trả lời VOA Việt Ngữ lên lề hội thảo ở CSIS, ông Hank Hendrickson, Giám đốc Điều hành của Hội Hoa Kỳ và Philippines cho biết người Philippines ở Mỹ “vui mừng” vì phán quyết của tòa.
Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng tân chính phủ Philippines và chính quyền Trung Quốc cùng ngồi lại đàm phán để “giải quyết các khác biệt” cũng như “kiềm chế” không gây căng thẳng.
Your browser doesn’t support HTML5