Thương chiến Mỹ-Trung leo thang, Việt Nam tiếp tục hưởng lợi

Lao động Việt Nam hiện rẻ hơn lao động Trung Quốc

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ xô vào các khu công nghiệp của Việt Nam trong lúc cuộc chiến mậu dịch giữa Mỹ và Trung Quốc gần bước sang năm thứ hai, theo bài phân tích đăng trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 8/5.

Tác giả bài báo dẫn lời các nhà phân tích cho rằng lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang tranh chấp thương mại với Trung Quốc sẽ đẩy nhanh dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong các ngành chế tạo, nhưng các nhà đầu tư chọn cách ‘chờ xem’ có thể đối diện với môi trường cạnh tranh hơn khi các khu công nghiệp bị chiếm hết chỗ.

Nhiều nhà chế tạo ở Trung Quốc, vẫn theo bài báo, đã xem xét chuyển một số hoạt động sản xuất đến đông nam Á sau khi Mỹ và Trung Quốc trả đũa qua lại về thuế quan do lo sợ tác động của mức thuế cao hơn đánh vào hàng chế tạo của Trung Quốc nhập vào thị trường Mỹ.

Việt Nam đã trở thành một địa điểm được ưa thích của các nhà đầu tư rút khỏi Trung Quốc do giá nhân công tăng cao và nguy cơ hàng Trung Quốc bị đánh thuế.

“Cuộc chiến thương mại đang thúc đẩy một xu hướng đã diễn ra lâu nay – chuyển các nhà máy ra khỏi Trung Quốc vốn đan ngày càng đắt đỏ,” bài báo dẫn lời ông Adam McCarty, kinh tế gia trưởng của Mekong Economics ở Hà Nội, cho biết.

“Khó mà biết được sẽ có bao nhiêu xí nghiệp mới sẽ chuyển đến Việt Nam nếu không có chiến tranh thương mại.”

Đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các ngành công nghiệp chế tạo nhẹ và thâm dụng lao động, đã bùng nổ kể từ năm ngoái.

Các khoản đầu tư mới được đăng ký ở Việt Nam đã tăng 81% và nguồn vốn xây dựng các cơ sở sản xuất mới đã tăng 215%, theo số liệu của chính phủ từ tháng Tư.

Xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ cũng tăng 28,8% trong năm 2019 so với năm ngoái.

Xu thế này dự kiến sẽ có thêm xung lực trong quý ba và quý tư năm nay khi các xí nghiệp vừa được xây dựng đi vào hoạt động, ông Maxfield Brown, chuyên viên cấp cao tại hãng Dezan Shira & Associates ở Sài Gòn, được tác giả bài phân tích trích dẫn.

Tuy nhiên sự tăng trưởng đầu tư cũng gây ra một số hậu quả vốn được dự đoán sẽ thêm xấu đi trong tương lai gần, nhưng những nhà đầu tư nào không chuyển đi sớm sẽ gặp khó khăn hơn nhiều sau này.

“Những ai có thái độ chờ xem trong năm 2018 đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các đối thủ cạnh tranh vốn đã dời sản xuất đi nơi khác. Có khả năng cao hơn họ sẽ làm theo nếu chiến tranh thương mại tiếp tục kéo dài,” ông Brown nói.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng mạng lưới cơ sở hạ tầng của Việt Nam, lực lượng lao động và các nhà cung cấp tại chỗ tất cả đều ‘bị đẩy đến giới hạn’ khi đầu tư tiếp tục tăng cao ở những trung tâm chế tạo truyền thống xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Mỹ nói sẽ tăng mức thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc – hành động leo thang sau nhiều tháng không xảy ra đánh thuế qua lại giữa hai nước, gây ra quan ngại rằng cuộc chiến thương mại mà đến gần đây còn được cho là sắp kết thúc sẽ kéo dài.

Nếu chiến tranh thương mại tiếp diễn, Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi, mặc dù một số hoạt động giao thương với Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng, theo ông Carty.

“Ngoại lệ là những công ty Việt Nam được phía Trung Quốc thuê để làm nhà cung cấp cho dây chuyền lắp ráp ở Trung Quốc. Họ sẽ chịu thiệt hại.”

Bài phân tích trên SCMP dẫn lời ông Lê Anh Tuấn, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu ở Quỹ đầu tư Dragon Capital ở Hà Nội, nói rằng mặc dù đầu tư tiếp tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, quy mô dân số Việt Nam – chưa tới 100 dân – gần tương đương với dân số tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc – sẽ hạn chế năng lực hấp thu dòng đầu tư này.”

“Cần phải nói rõ: Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là trung tâm chế tạo lớn nhất thế giới – không nghi ngờ gì về điều đó.”

“Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng việc lan tỏa từ Trung Quốc sang các nước khác, nhất là Việt Nam, đang tăng lên,” ông Tuấn nói thêm.

Ông Tuấn cho rằng các con số chính thức về đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có thể bình ổn lại hay thậm chí là thu gọn lại so với sự tăng trưởng nhanh chóng vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành thâm dụng tư bản trong những năm trước nay.

Theo tác giả bài báo, nếu bỏ qua chiến tranh thương mại thì Việt Nam đã có thể thu hút đầu tư trong những ngành chế tạo điện thoại di động, chất bán dẫn và màn hình phẳng từ những hãng điện tử như Samsung.

Kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng với tốc độ 7% trong năm 2018 – tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập kỷ - mà chủ yếu nhờ vào 19 tỷ đô la đầu tư nước ngoài trực tiếp.

“Vào lúc này chúng tôi nhận được nhiều hoạt động chế tạo chuyển hướng sang từ Trung Quốc vốn không thâm dụng tư bản cho lắm cho nên chúng tôi có thể sử dụng lao động nhiều hơn, nhưng trong tương lại gần anh sẽ không thấy đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh,” ông Tuấn nhận định.

(Theo SCMP)