Những học sinh Tây Tạng đang giải trí trong giờ chơi, vào một ngày tháng Tư đẹp trời. Các em mặc trang phục cổ truyền của một quê hương chưa từng nhìn thấy.
Đây là Dharamsala, Ấn Độ, nơi vị lãnh đạo tinh thần, Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã đến vào năm 1959, cùng hàng chục ngàn tín đồ, và thành lập một thủ đô tỵ nạn.
Trang phục và nỗ lực sử dụng tiếng Tây Tạng là một phần của ngày “Thứ Tư Trắng”. Điều này phản ánh một phong trào phản kháng thụ động song hành với những vùng của cư dân Tây Tạng nằm dưới quyền kiểm soát của Trung Quốc. Mới đây, các em còn được biết thêm một loại hình phản kháng khác -- bởi những người Tây Tạng chọn hành động tự thiêu.
Trong năm vừa qua, đã có ít nhất 34 vụ tự thiêu chết người để phản kháng các chính sách của Trung Quốc tại Tây Tạng.
Bà Dolma Nyima, giáo viên, phải cố gắng giảng giải cho các em vì sao người ta lại phải sử dùng tới cách thức khủng khiếp đó. Bà nói:
“Trong lúc tụ họp, chúng tôi cho các em xem những hình ảnh về hành động tự thiêu diễn ra thế nào. Khi xem hình, các em rất xúc động. Điều đó thay đổi mọi sự biểu lộ của các em. Một số em hỏi, cô ơi, chúng em có phải làm như thế không?”
Anh Jamphel Yeshi, 27 tuổi, đã trở thành người đầu tiên của loạt tự thiêu của người Tây Tạng đã bỏ mình trên đất Ấn Độ.
Anh đã chạy trên những đường phố New Delhi như ngọn đuốc sống vào ngày 26 tháng 3, chỉ ít ngày trước chuyến thăm Ấn Độ của chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Những bích chương dán khắp Dharamsala vinh danh anh như một người “tử đạo.”
Cô Tenzin Choekyi, Tổng thư ký Đoàn Thanh Niên Tây Tạng, giúp in những bích chương. Cô nói:
“Tôi biết là trong xã hội tây phương những hình ảnh này không được phép đưa ra cho các trẻ em xem. Nhưng tại đây chúng tôi làm như vậy, đó là thực tế.”
Các học sinh nhỏ cũng cùng hàng ngàn người lớn tham gia tang lễ của anh Jamphel Yeshi qua các đường phố Dharamsala. Cô Choekyi bày tỏ:
“Người tham gia đưa đám rất đông, đó là điều chúng tôi dự kiến. Và tôi cũng biết sẽ có mặt các em học sinh. Nhưng bạn biết đấy, hình ảnh các em cầm cờ đưa tiễn anh Jamphel Yeshi khiến tôi vô cùng xúc động.”
Chính phủ Hoa Kỳ đã tài trợ cho một trung tâm tiếp nhận tại Dharamsala dành cho người tỵ nạn Tây Tạng phải chạy trốn cảnh ngược đãi ngay trên quê hương của họ.
Một thanh niên Tây Tạng 24 tuổi, mới đến đây chứng 1 tháng rưỡi, không muốn tiết lộ danh tính vì sợ gia đình tại quê nhà bị trừng phạt, cho biết rằng người Tây Tạng bị khai trừ khỏi sự thịnh vượng kinh tế mà Bắc Kinh nói là đã mang lại cho khu vực Tây Tạng. Tuy vậy, động cơ chính khiến anh phải ra đi là do đàn áp văn hóa:
“Tôi chỉ đeo một tấm hình nhỏ xíu của Đức Đạt Lai Lạt Ma quanh cổ, lính Trung Quốc đã giựt và quăng đi. Họ đánh tôi trước sau đó mới hỏi cung.”
Những người Tây Tạng lưu vong tự xem mình như là chắc chắn sẽ là kẻ thắng trong cuộc đấu tranh lịch sử về lòng kiên trì chống lại đảng cộng sản Trung Quốc.
Nhưng thời gian dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, 76 tuổi, để Ngài có thể hồi hương, không còn bao lâu nữa.
Nếu Đức Đạt Lai Lạt Ma qua đời trước khi có thể trở về, thì câu hỏi rõ ràng sẽ đặt ra là liệu những người trẻ Tây Tạng lưu vong hoặc trong nước, có kiềm chế nổi sự căm phẫn của họ hay không.
Tháng trước, một thành viên cộng đồng lưu vong Tây Tạng tại Ấn Độ đã là người gần đây nhất tự thiêu, trong một loạt những vụ tự thiêu phản kháng chế độ Trung Quốc tại Tây Tạng. Thông tín viên của VOA đã gặp những người lưu vong Tây Tạng tại Dharamsala, Ấn Độ, để tìm hiểu phản ứng của họ về các vụ tự thiêu đó.