Dù lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un nhiều lần khiêu khích và sẵn sàng khẩu chiến, các giới chức tình báo Mỹ nói ông ta không điên rồ.
“Kim Jong Un là một người rất tính toán,” Phó trợ lý Giám đốc Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) khẳng định ngày 4/10.
“Ngoài vấn đề khẩu chiến và huênh hoang, Kim Jong Un không muốn đối đầu cùng một lúc với lực lượng Hoa Kỳ và Hàn Quốc,” ông Yong Suk Lee phát biểu tại một hội nghị tình báo do CIA bảo trợ tại Washington.
“Kim Jong Un muốn điều mà tất cả các nhà cai trị chuyên chế đều muốn…đó là cai trị lâu dài và chết bình yên trên giường,” ông Lee nói.
Đánh giá của tình báo có vẻ như trái ngược với những lời nói được Tổng thống Donald Trump sử dụng.
Trong một loạt tin nhắn trên Twitter, ông Trump đã gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên là “Ông Rocket tí hon,” và trong một Twitter khác vào tháng trước, ông Trump gọi ông Kim “rõ ràng là một gã khùng.”
Tuy nhiên ông Lee và các giới chức CIA khác tin là có một “mục đích rõ rệt” về cách thức nhà lãnh đạo Triều Tiên hành xử trên sân khấu thế giới.
Những người này nói, mục đích của Bình Nhưỡng là được công nhận là một cường quốc hạt nhân chính và cuối cùng sẽ thương thuyết về một thỏa thuận với Hoa Kỳ về việc lực lượng Mỹ rời khỏi bán đảo Triều Tiên.
Các giới chức tình báo xem những cuộc thử nghiệm hạt nhân và phi đạn liên tục của Triều Tiên như là một phương cách để tạo một chỗ đứng và cho Bình Nhưỡng không gian để hoạt động giữa lúc nước này theo đuổi những mục tiêu trên bán đảo.
“Hắn ta muốn chúng ta ra khỏi sàn thử nghiệm của hắn,” ông Lee nói và phỏng đoán sẽ có một cuộc thử nghiệm khác hay khiêu khích xảy ra sớm nhất là vào ngày 9 tháng 10 đánh dấu ngày thành lập đảng cầm quyền, trùng hợp với Ngày Columbus ở Mỹ.
Các giới chức lo ngại về những nguy cơ tính toán sai lầm của Bình Nhưỡng.
Nhưng cựu đặc sứ Mỹ tại các cuộc đám phán 6 bên với Triều Tiên, ông Joseph Detrani, nói “Họ không tự sát.” Ông Detrani cảnh báo là Bình Nhưỡng đang chơi một trò chơi nguy hiểm, đặc biệt vào lúc Tòa Bạch Ốc bác bỏ mọi cuộc thương thuyết có ý nghĩa với chế độ Triều Tiên.
“Chúng ta có thể lâm vào cuộc xung đột,” ông Detrani nói. “Họ nghe Tổng thống Hoa Kỳ rõ ràng qua Twitter, nên việc này phải có một ảnh hưởng rõ rệt.”
Cũng có những nghi vấn về vai trò Trung Quốc trong việc này.
“Chính Trung Quốc cũng đang quan tâm về sự bất ổn định tại biên giới nước này, nhưng đồng thời cũng đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ bền vững với Hoa Kỳ,” Phó trợ lý Giám đốc CIA Michael Collins nói.
“Trung Quốc có thể làm được nhiều việc,” ông Collins nói. “Nhưng ảnh hưởng gì đến việc tính toán của Kim Jong Un lại là một vấn đề khác.”
Các giới chức cũng nói những nỗ lực của Hoa Kỳ làm việc với Trung Quốc bị cản trở vì chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh. Chiến lược này nhằm làm cho Hoa Kỳ giận giữ và hạn chế ảnh hưởng của Washington trong những lãnh vực mà hai nước không đối đầu trực tiếp.
Có một số chỉ dấu cho thấy ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Kim Jong Un bị hạn chế.
“Ông ta không sợ bị Trung Quốc bỏ rơi. Ông ta không sợ một cuộc tấn công của Hoa Kỳ,” ông Lee từ Trung tâm về các vấn đề Triều Tiên thuộc CIA nhận định.