Tình yêu

Lẽ ra tôi không nên chọn đề tài này hôm nay. Vì thứ nhất, tôi không nghĩ là tôi đã đủ già và đủ trưởng thành để bàn về một vấn đề mà không một ai có thể kết luận một cách nhất định.

Thứ hai, tôi tự thấy mình đã có đôi lần vấp ngã, chưa thành công trên con đường đầy hướng đi này thì có chi đủ thông suốt mà nói.

Tuy vậy, tôi lại nghĩ mỗi người định nghĩa hai chữ tình yêu khác nhau, có thể không hoàn toàn khác nhau nhưng khá khác nhau và rất riêng tư chỉ có thể áp dụng trong từng trường hợp một nên hôm nay trong một đêm tối trời ở Bangkok, nhân ngày lễ tết cổ truyền ở Thái Lan, tôi muốn chia sẻ với tất cả các bạn đọc xa gần một số ý nghĩ riêng tư của tôi về đề tài này. Tôi nghĩ đôi khi chúng ta cũng nên ngồi xuống tâm tình về những vấn đề cá nhân nho nhỏ chung quanh chúng ta. Hơn là bàn thảo về những vấn đề thời sự, những mục tiêu lớn ảnh hưởng đến tương lai của đất nước, dân tộc.

Bây giờ cho tôi xin phép vô thẳng vào đề tài luôn nhé!

Đầu tiên tôi có nhận xét như thế này: tình yêu có rất nhiều khía cạnh, mức độ và cách định nghĩa. Tình yêu dành cho ba mẹ, cho con cái không hẳn là giống nhau. Cũng như tình yêu trai gái hoặc tình thương dành cho bạn bè thân thiết. Hay nói xa hơn nữa là tình yêu dành cho quê hương, đất nước, giống nòi.

Mỗi người có một cái nhìn rất khác nhau về mỗi “loại” tình yêu mà tôi vừa đưa ra ở trên. Có người tôi thấy không hẳn là thương yêu gia đình cho lắm. Họ ít khi nghĩ đến người thân và cũng rất ít khi bận bịu với những khó khăn trong cuộc sống của gia đình.

Nhưng ngược lại, đối với những kẻ khốn cùng thì họ lại luôn có rất nhiều tình thương. Họ có thể sẵn sàng đánh đổi sự yên ấm, sung túc của gia đình để đạt được mục đích mà đối với họ nó “thanh cao” hơn. Mặc dù xét cho cùng thì đấy cũng chỉ là tình yêu, không hơn, không kém. Tình yêu mà họ dành cho đồng loại lớn hơn tình yêu mà họ dành cho gia đình. Thế thôi.

Tôi cũng nhận thấy có rất nhiều người mê say tình yêu ân ái của đôi lứa. Đối với họ đó là tất cả. Là lẽ sống của đời họ và nếu một mai họ lỡ có đánh mất thì họ sẽ cố tìm sao lại cho được cảm giác của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Với một người khác chẳng hạn.

Nhưng cũng có rất nhiều người sẵn sàng đánh đổi hạnh phúc của từng ngày, của những rung động ấy để đạt được tình nghĩa sau bao năm chia ngọt, sẻ bùi. Họ chấp nhận là tình yêu đôi lứa rồi thì cũng tự nó sẽ đổi thay. Có đó, rồi mất đó. Hay nó đã biến đổi theo dòng thời gian. Tim không còn đập mạnh khi cầm tay người mình yêu. Đã không còn những kỷ niệm chăn gối mặn nồng của một thời.

Nhưng họ đồng ý đánh đổi những mất mát ấy để trong tương lai họ tạo dựng được một khúc quanh mới trong tình yêu. Đó là sự đồng cảm cùng nhau chịu đựng, nhường nhịn lẫn nhau để có thể chia xẻ những biến cố lớn trong đời giữa hai người. Để thật sự cuối cùng họ sẽ trở thành hai người bạn đồng hành theo đúng nghĩa của nó. Và câu nói ‘for better or worse, till death do us part (cho dù có xấu hơn, hay tốt hơn thì chỉ có cái chết mới có thể chia cách chúng ta) đã được thực hiện một cách đúng nghĩa nhất.

Có người cho rằng tình yêu kiểu đó là “ăn gian”, không tính. Vì nếu hai người phải chịu đựng vì nhau thì đó không còn là tình yêu. Nhưng có phải chăng trong tất cả mọi quan hệ trong xã hội, mỗi người trong chúng ta đều phải luôn so đo, chọn lựa, cân bằng. Và đấy chính là sự “chịu đựng” mà trong tình yêu chúng ta thường nghe nhắc đến.

Tôi vẫn thường nghĩ trên cõi đời này không có gì là tuyệt đối cả.

Trong câu chuyện về tình yêu, sự thay đổi ấy mới chính là điều bình thường. Cố đừng mơ mộng, lãng mạn quá để có những nhận xét không chính xác và đầy đủ về tình yêu.

Hơn thế nữa, một điều quan trọng trong tình yêu mà trong những năm tháng sau này tôi mới nghiệm ra đó là ngay cả khi định nghĩa của hai chữ tình yêu không thay đổi, nhưng cá tính và cách đánh giá của mỗi người lại thường hay bị thay đổi theo năm tháng. Vì sự lớn khôn, trưởng thành và kinh nghiệm của mỗi người khác nhau.

Cũng chính vì vậy có người lúc ở tuổi thiếu niên rất thần tượng tình yêu đôi lứa nhưng hai, ba thập niên sau họ lại thấy tình nghĩa giữa hai người mới là điều đáng quý trọng nhất. Ngược lại, sẽ có người vẫn luôn giữ mãi một định nghĩa duy nhất về tình yêu, cho riêng họ, mà không có bất kỳ dấu vết thời gian nào có thể làm xóa mờ.

Câu chuyện về tình yêu của tôi hôm nay chỉ có thế.

Nếu một trong hai người thay đổi quan niệm về tình yêu, tình cảm và sự liên hệ của họ chắc chắn sẽ bị sứt mẻ. Nếu hai người cùng thay đổi nhưng không ở một mức độ giống nhau, tôi nghĩ mối liên hệ của họ cũng sẽ có vấn đề.

Thế thì làm cách nào để chúng ta, giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, trai với gái (hay trai với trai, gái với gái) có thể dung hòa để bớt xảy ra những hờn giận, tránh cứ, xa cách?

Tôi thấy rất khó. Và chắc các bạn cũng biết tại sao. Có rất nhiều lý do. Nhưng quan trọng và lớn hơn hết tôi nghĩ bởi vì câu nói “all you need is love” (tất cả những gì chúng ta cần là tình yêu) chỉ nói lên được sự lãng mạn. Chứ nó hoàn toàn không phải là một câu nói có tính chính xác và thực dụng trong cuộc sống. “All you need is understanding” (tất cả những gì bạn cần là sự thông cảm) mới chính là điều mà chúng ta ai cũng cần.

Và nhất là may mắn. Tôi có một niềm tin mãnh liệt là ai trong chúng ta cũng muốn có một người bạn đời mà người đó sẽ mãi mãi là của mình, sẽ cùng mình đi đến cuối trần gian. Nhưng bạn phải may mắn, phải thật may mắn mới bắt được nó và giữ mãi.

Vậy thì đối với những ai đã tìm được nửa hồn mình, tôi xin có lời chúc mừng, xin thành thật chia xẻ hạnh phúc cùng bạn.

Riêng đối với những ai vẫn mãi đang ngóng chờ một bóng hình của tình yêu vĩnh cữu, tôi mong là bạn sẽ sớm gặp được vận may.

Nếu được, bạn nhớ email cho tôi biết nhé: hoitrinh@hotmail.com

***

Rạng sáng của một năm mới ở Bangkok
Viết riêng gửi tặng người bạn thương mến của tôi.


* Blog của Luật sư Trịnh Hội là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.