Một tòa án ở thành phố Hồ Chí Minh hôm 12/7 tuyên thêm bản án hàng chục năm tù đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong phiên tòa xét xử vắng mặt người từng là chủ tịch AIC và hiện đang bị công an Việt Nam truy nã quốc tế, theo truyền thông trong nước.
Bà Nhàn, từng là chủ tịch Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC), đã bị kết án tổng cộng 30 năm tù trong các vụ xét xử trước đây. Các tòa án ở Việt Nam đã đưa bà ra xét xử vắng mặt vào năm ngoái trong các vụ án liên quan đến vi phạm đấu thầu và đưa nhận hối lộ tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh.
Trong vụ xét xử mới nhất diễn ra tuần này, bà Nhàn nhận thêm 24 năm tù vì tội “vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và đưa hối lộ” trong vụ án liên quan đến công ty Việt Á xảy ra tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, theo Tuổi Trẻ. Hội đồng xét xử xác định rằng bà Nhàn đã thông đồng với lãnh đạo Việt Á trong việc đấu thầu mua sắm thiết bị cho 12 phòng thí nghiệm ở TPHCM.
Bà Nhàn và 13 bị cáo khác cùng bị xét xử trong vụ án này bị hội đồng xét xử cho là đã “thực hiện hành vi đưa - nhận hối lộ, thông thầu gian lận không đảm bảo công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu,” gây thiệt hại 94,6 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, theo Tuổi Trẻ. Tờ báo này cho biết, bà Nhàn bị buộc phải chấp hành chung của các bản án là 30 năm tù.
Bộ Công an Việt Nam đưa ra lệnh truy nã quốc tế đối với bà Nhàn, người được cho là một nhân vật quan trọng trong việc thúc đẩy và môi giới các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Israel và Việt Nam, vào tháng 5/2022. Họ cho rằng nữ doanh nhân, từng được trao nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, đã bỏ trốn.
Tuy nhiên trong một phiên tranh luận tại tòa hôm 12/7, các luật sư biện hộ cho bà Nhàn nói rằng chỉ là không biết rõ bà đang ở đâu chứ không phải bà bỏ trốn.
Theo VietNamNet, các luật sư – gồm 3 do gia đình mời và 2 do tòa án chỉ định – cho rằng bà Nhàn xuất cảnh ra nước ngoài ngày 19/6/2021 mà không bị áp dụng bất kỳ hạn chế nào từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền như tạm hoãn xuất cảnh hay cấm đi khỏi nơi cư trú. Do đó, theo các luật sư, không có căn cứ để khẳng định bà Nhàn biết được việc mình bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và cần thiết nhận định tình trạng của bà là không biết rõ đang ở đâu chứ không phải bỏ trốn.
Các luật sư nói rằng trường hợp không xác định được bị can ở đâu thì buộc phải tạm đình chỉ vụ án đối với bị cáo. Họ cũng cho rằng chưa có căn cứ vững chắc để cáo buộc bà Nhàn đã thực hiện hành vi phạm tội như cáo trạng đã quy kết.
Nhưng Viện kiểm sát cho rằng “không rõ nơi cư trú” tương đồng với “bỏ trốn”, theo Tuổi Trẻ. Viện kiểm sát khẳng định việc bà Nhàn và 3 đồng phạm đã xuất cảnh và bị truy nã là phù hợp. Do đó, Viện kiểm sát không tạm đình chỉ mà truy tố bà Nhàn cùng 3 đồng phạm và Tòa án Nhân dân TPCHM quyết định mở phiên tòa xét xử vắng mặt “là đúng quy định theo pháp luật.”
Viện kiểm sát cũng bác bỏ quan điểm cho rằng bà Nhàn và các bị cáo đang bỏ trốn không còn tồn tại hay đã chết là không có căn cứ, theo VietNamNet. Cơ quan thực hành quyền công tố này cho biết chỉ khi có đủ căn cứ thì mới không điều tra, truy tố và xét xử vụ án.
Bà Nhàn chưa bao giờ công khai lên tiếng về việc bị xét xử vắng mặt ở Việt Nam.
Theo tiết lộ của báo Taz vào tháng 8 năm ngoái, bà Nhàn đã tới Đức sinh sống. Tờ báo của Đức cho biết Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ nữ doanh nhân này lên Sở Tư pháp Liên bang Đức nhưng bị cơ quan này từ chối.
Cũng vào tháng 8, các lãnh đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam khẳng định quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nhàn về nước. Các mật vụ của Việt Nam bị Đức cáo buộc đã đến Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh hồi tháng 7/2017 và đưa về nước xét xử. Vị lãnh đạo của ngành dầu khí sau đó bị tuyên 2 bản án tù chung thân.