Đường dẫn truy cập

Việt Nam thể hiện quyết tâm dẫn độ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn


Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC.

Các lãnh đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam hôm 16/8 khẳng định quyết tâm “dẫn độ bằng được” các đối tượng bỏ trốn như bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn về nước, ngay cả trong trường hợp Việt Nam chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp với quốc gia mà đối tượng đó đang cư trú, bằng việc xét xử vắng mặt họ để làm “cơ sở dẫn độ”, rồi từ đó nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng cho sau này.

Lời khẳng định của các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương được đưa ra trong buổi họp báo cung cấp thông tin về kết quả Phiên họp thứ 24 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực vào chiều 16/8.

“Đây là điểm mới, nổi bật trong phòng chống tham nhũng, là cơ sở dẫn độ tội phạm, nghiên cứu ban hành án lệ áp dụng trên cả nước về xét xử đối tượng bỏ trốn”, Vietnamnet dẫn lời Phó Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng nói tại buổi họp báo.

Khi được hỏi về trường hợp của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu chủ tịch AIC, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên nói quyết tâm truy bắt “rất cao” và “quyết liệt” của Ban Chỉ đạo và các cơ quan bảo vệ pháp luật, không chỉ với trường hợp bà Nhàn mà còn với tất cả các trường hợp bỏ trốn khác, Tuổi Trẻ tường thuật.

Theo quan chức này, có một bước tiến mới là cả những đối tượng bỏ trốn cũng bị xét xử vắng mặt.

“Quy định của pháp luật Việt Nam cho phép làm việc đó. Đối với tất cả những trường hợp có hành vi phạm tội, chứng cứ rõ, trốn đủ điều kiện thì có quyền xử, tuyên án. Đây là tiền đề để phục vụ cho truy bắt”, ông Yên nói thêm.

Theo ông, nếu người bỏ trốn chỉ là “đối tượng truy nã”, chưa có bản án, thì rất khó khăn trong hợp tác tư pháp quốc tế.

“Nhưng khi bản án tuyên có hiệu lực thì anh là tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tham nhũng, kinh tế thì thế giới này không có nước nào dung tha”, Vietnamnet dẫn lời ông Yên nói thêm.

Trong trường hợp với những nước chưa ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, ông Yên cho biết Việt Nam sẽ thực hiện nguyên tắc “có đi có lại”.

“Chúng ta sẽ cố gắng quyết tâm và tôi tin rằng sẽ có kết quả”, ông Yên nói thêm.

Lời khẳng định của các lãnh đạo Việt Nam được đưa ra sau khi tờ báo Đức Taz hôm 7/8 đưa tin cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã sang Đức được vài tháng nay và hiện đang sống tại một thành phố lớn của nước này. VOA tiếng Việt chưa thể kiểm chứng qua nguồn tin độc lập về thông tin này.

Tờ báo Đức cho biết Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị dẫn độ bà Nhàn, nhưng Sở Tư pháp Liên bang Đức đã bác công văn này.

Theo tờ báo này, kể từ khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào năm 2017, tất cả các yêu cầu dẫn độ về Việt Nam, theo nguyên tắc, đều bị từ chối.

Bộ Ngoại giao Đức được cho là đã cảnh cáo Việt Nam về những hành động bất hợp pháp tiếp theo. “Chính phủ Liên bang Đức sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự can thiệp nào của các quốc gia nước ngoài trên lãnh thổ Đức”, TAZ dẫn lời Bộ Ngoại Đức viết.

Trước đó, bà Nhàn được cho là đã trốn sang Nhật Bản rồi đến London, nơi con gái bà được cho là đang cư trú.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, 54 tuổi, được cho là từng đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ mua vũ khí từ nhiều quốc gia cho quân đội Việt Nam, bên cạnh các hoạt động “bề nổi” là xuất khẩu lao động và tham gia vào các dự án xây dựng trong nước của công ty AIC.

Bà Nhàn và 7 nhân viên đã bỏ trốn và bị truy nã quốc tế trong vụ án liên quan đến đấu thầu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

Vào ngày 4/1/2023, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC đã bị một toà án ở Hà Nội xét xử vắng mặt và tuyên phạt tổng cộng 30 năm tù với cáo buộc tội “Đưa hối lộ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với mức thiệt hại 152 tỉ đồng.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG