Hôm 15/7, Tòa Hình sự Bangkok quyết định lùi lại ngày tiến hành phiên tranh tụng về việc dẫn độ nhà hoạt động cho tự do tôn giáo Y Quynh Bdap, cũng là một người Việt đang tị nạn ở Thái Lan, tổ chức bảo vệ nhân quyền Cross Cultural Foundation có trụ sở ở Bangkok cho hay trong một thông cáo báo chí đề ngày 16/7.
Hai ngày tranh tụng mới sẽ là mùng 1 và 19/8, thông cáo của Cross Cultural Foundation viết, theo đó, trong ngày đầu, tòa sẽ nghe phần trình bày của 4 nhân chứng do bên công tố đưa ra, và ngày còn lại là dành cho 4 nhân chứng của bên biện hộ. Sau đó, tòa sẽ phán quyết ông Bdap sẽ bị dẫn độ về Việt Nam hay không.
Như VOA đã đưa tin, ông Y Quynh Bdap là nhà tranh đấu nổi bật về tự do tôn giáo cho các nhóm dân tộc thiểu số, ông đã thành lập Tổ chức Công lý người Thượng (MSFJ) để đào tạo người Thượng tại Việt Nam về luật pháp trong nước và quốc tế, về xã hội dân sự cũng như cách thu thập và báo cáo thông tin về đàn áp tôn giáo tới Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế.
Cross Cultural Foundation ghi nhận rằng ông Bdap đã giúp chuẩn bị nhiều báo cáo cho LHQ về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam và những báo cáo này đã hình thành nên cơ sở của các “thư cáo buộc” do LHQ đưa ra.
Sau khi trốn sang Thái Lan vào năm 2018, ông Bdap được Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cấp quy chế tị nạn. Ngày 11/6, ông bị cảnh sát xuất nhập cảnh Thái Lan bắt giữ sau khi bị một tòa án Việt Nam kết án vắng mặt về tội khủng bố liên quan đến vụ tấn công ở tỉnh Đắk Lắk vào tháng 6/2023.
Ông Bdap kiên quyết phủ nhận chuyện ông có bất kỳ liên quan gì đến vụ đó và liên tục khẳng định ông chỉ vận động cho nhân quyền một cách ôn hòa và bất bạo động. Như tin VOA đã đưa, nhiều tổ chức quốc tế và cả giới chức Mỹ lâu nay bày tỏ lo ngại về khả năng ông bị dẫn độ về Việt Nam, ở đó, ông có thể phải đối mặt với việc bị tra tấn, bị đối xử vô nhân đạo và cưỡng ép mất tích.
Theo thông cáo của Cross Cultural Foundation, trong phiên tranh tụng hôm 15/7, luật sư của ông Bdap đã đề nghị hoãn tiến trình này lại, với các lý do là ông nhận được hồ sơ về dẫn độ rất muộn, bị trở ngại về ngôn ngữ và thời gian ông gặp luật sư bị hạn chế, đó là những điều cản trở việc chuẩn bị tốt cho phiên tranh tụng.
Do tính chất gay go và phức tạp của vụ việc, đồng thời để đảm bảo quyền được xét xử công bằng của ông Bdap theo luật Thái Lan, tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa đến ngày 1 và 19/8.
Cũng trong ngày 16/7, Dân biểu liên bang Mỹ Michelle Steel cho biết trong một thông cáo rằng bà đang gây áp lực với Đảng Cộng sản Việt Nam để dừng việc dẫn độ ông Bdap, người đã được LHQ cho hưởng quy chế tị nạn.
Thông cáo gửi đi từ thủ đô Washington của Mỹ viết rằng bà Michelle Steel đã gửi thư tới Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng trong đó thúc giục Việt Nam thôi theo đuổi yêu cầu dẫn độ ông Bdap.
“Nỗ lực hiện nay nhằm đè bẹp tự do tôn giáo của những người Thượng Việt Nam theo Công giáo quả là vô đạo đức và vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền. Vì người Thượng bản địa và các nhóm tôn giáo thiểu số bấy lâu nay vẫn là nạn nhân bị nhà cầm quyền Việt Nam tra tấn và bỏ tù, tôi đề nghị phía quý vị dừng nỗ lực nhằm dẫn độ và đẩy trả lại ông Y Quynh Bdap”, một đoạn trong thư của Dân biểu Steel gửi Đại sứ Dũng viết.
Hồi tuần trước, bà Steel, dân biểu đại diện cho đông đảo người Mỹ gốc Việt trong cộng đồng Little Saigon thuộc Quận Cam, bang California, đã đề nghị các nhà ngoại giao Mỹ và Thái Lan giúp đỡ để ông Bdap và những người tị nạn Việt Nam khác được trả tự do.
Bà Steel nêu ra trong thông cáo rằng tuy phiên tranh tụng về dẫn độ ông Bdap vừa được hoãn lại ở Thái Lan, song vì tình trạng tị nạn của ông, điều rất cần thiết là quy trình dẫn độ phải chấm dứt và ông được cho phép xin tị nạn một cách an toàn ở nước thứ ba.
Theo quan sát của VOA, Việt Nam chưa có phản ứng gì về những diễn biến mới nhất nêu trên cũng như về thông cáo của Dân biểu Mỹ Michelle Steel.