Tòa án do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn xét xử tội ác chiến tranh ở Campuchia đã bắt đầu phiên xử về tội diệt chủng nhắm vào hai thủ lãnh Khmer Đỏ còn sống. Thông tín viên Robert Carmichael của đài VOA tường thuật từ Phnom Penh.
Năm ngoái, tòa án đã kết tội hai thủ lãnh Khmer Đỏ còn sống về tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, nhưng cả hai ông này đều kháng cáo.
Tại phiên toà hôm thứ Hai phía công tố đã trình bày những bằng chứng để hậu thuẫn cho cáo trạng về tội diệt chủng, là một tội trạng khó chứng minh hơn nhiều. Đây là lần đầu tiên kể từ khi được thành lập cách nay 9 năm toà án này nghe những lời khai về tội diệt chủng.
Nhưng các cáo trạng về tội diệt chủng không liên quan đến những vụ giết hàng loạt thường dân Campuchia bình thường, là người sắc tộc Khmer chiếm đa số tại đất nước nằm dưới sự cai trị tàn bạo của Khmer Đỏ từ năm 1975-1979. Người Khmer cũng chính là những người chiếm phần lớn trong số các nạn nhân của chế độ này.
Thay vào đó, cáo trạng diệt chủng này dựa trên những hành động cá biệt của chế độ này đối với hai nhóm dân thiểu số là người Chăm theo đạo Hồi và người gốc Việt.
Ông Lars Olsen, phát ngôn viên của toà án đặc biệt, phát biểu như sau.
“Trên cơ bản thì nguyên nhân mà các cáo trạng về tội diệt chủng chỉ giới hạn ở hai nhóm người này là bởi vì định nghĩa pháp lý của tội diệt chủng khác với những gì mà nhiều người xem là tội diệt chủng”.
Theo lời ông Olsen, nói một cách đơn giản thì tội diệt chủng là có ý định loại bỏ một phần, hay tất cả, một nhóm người dựa trên chủng tộc, tôn giáo, sắc tộc và quốc tịch của họ.
“Rõ ràng là trong bối cảnh của Campuchia, nơi đa số người dân Campuchia thiệt mạng dưới chế độ Khmer Đỏ là bị giết bởi chính người Campuchia, tức người cùng sắc tộc. Đơn giản là định nghĩa pháp lý truyền thống của tội diệt chủng không bao gồm những hành vi loại này”.
Phía công tố cho rằng cuộc đàn áp của Khmer Đỏ đối với người Chăm theo đạo Hồi và người gốc Việt là phù hợp với định nghĩa đó. Hôm thứ Hai, tòa án đã nghe lời khai của ông It Sen, một nông dân người Chăm 63 tuổi.
Ông It Sen nói với tòa án rằng sau khi nắm quyền kiểm soát khu vực ông sống ở miền Đông Campuchia vào năm 1973, Khmer Đỏ đã cấm cư dân thực hành tôn giáo và phong tục, ngay cả ngôn ngữ của họ, và những ai vi phạm sẽ bị giết.
“Khi đó, chỉ có tiếng Khmer là được phép nói. Chúng tôi có thể nói tiếng Chăm, nhưng nói một cách lén lút, không được nói to. Nếu họ nghe chúng tôi nói tiếng Chăm, họ sẽ bắt đi và giết chết”.
Cuộc đàn áp của Khmer Đỏ đối với người Chăm, một nhóm sắc tộc có phong tục, tôn giáo riêng của mình, đã có đầy đủ hồ sơ. Khmer Đỏ coi người Chăm như kẻ thù và đối xử tàn nhẫn với họ.
Một số lượng lớn người Chăm theo đạo Hồi đã bị sát hại. Trong một huyện nọ, Khmer Đỏ đã bắt và giết tất cả người Chăm trong huyện.
Năm 1975, Pol Pot ra lệnh cho các cán bộ bắt buộc người Chăm phải nuôi heo và ăn thịt heo, những ai từ chối sẽ bị giết chết. Khmer Đỏ cũng phá hủy và làm ô uế đền thờ, đốt kinh Koran và các văn bản thiêng liêng, và hành quyết các nhân vật lãnh đạo của người Chăm.
Hầu hết những người Chăm không bị giết chết đã bị phân tán, bị buộc phải kết hôn với người thuộc các cộng đồng khác, và bị cấm thực hành tất cả mọi điều thuộc về văn hóa của họ, nếu vi phạm sẽ bị giết.
Tới lúc chế độ Pol Pot bị lật đổ vào đầu năm 1979, người ta cho rằng 1/3 dân số người Chăm của thời trước chế độ Khmer Đỏ, khoảng 300.000 người, đã bị giết chết.
Ông It Sen đã bị đuổi ra khỏi làng vào năm 1975. Ông là một trong số người hiếm hoi trong làng còn sống sót. Vợ và con ông đã không còn.
Trong buổi lấy lời khai, ông nói ông đã chính mắt nhìn thấy cảnh đồng bào ông bị giết hại trong một vụ thảm sát kéo dài cả ngày: Mấy mươi người bị trói dính vào với nhau, rồi dây trói được cột vào một chiếc tàu và các tù nhân bị kéo ra giữa dòng sông; và cứ như thế hết lượt này đến lượt khác.
Ông It Sen đã trốn ra khỏi căn nhà, nơi ông bị giam, và bơi xuôi theo dòng sông đến nơi an toàn.
Phía công tố cho rằng những gì đã xảy ra với ông It Sen và đồng bào của ông cấu thành tội diệt chủng; và những hành động của Khmer Đỏ chống lại người gốc Việt thiểu số ở Campuchia, trong đó những vụ giết hại và trục xuất hàng loạt, cũng là phạm tội diệt chủng Đến năm 1979, người gốc Việt ở Campuchia bị tiêu diệt gần hết.
Các nhân chứng đã được lên lịch để lấy lời khai trong những tuần lễ sắp tới. Phiên toàn phụ thứ hai để xử hai thủ lãnh Khmer Đỏ còn sống này có phần chắc sẽ kéo dài đến năm 2016.