Tổng thống Iran sẽ phát biểu 'ôn hòa hơn' tại LHQ

  • Scott Stearns

Tổng thống Iran Hassan Rouhani.

Diễn tiến chương trình hạt nhân của Iran

Các diễn biến mới nhất:

2012

Tháng 1: IAEA xác nhận Iran đang tinh chế uranium đến mức 20% thuần chất nguyên tử.
Tháng 2: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc chấm dứt đàm phán ở Tehran mà không thanh tra địa điểm quân sự gây tranh cãi ở Parchin.
Tháng 4: Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad cam kết Iran sẽ không từ bỏ quyền về hạt nhân của mình.
Tháng 5: Các thanh sát viên Liên Hiệp Quốc báo cáo đã tìm ra các dấu vết uranium được nâng cấp đáng kể tại một địa điểm của Iran.
Tháng 7: EU bắt đầu cấm toàn bộ nhập khẩu dầu của Iran. Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp chế tài.
Tháng 9: IAEA đòi ra vào Parchin, Iran gọi các biện pháp chế tài của EU là “vô trách nhiệm.”
Tháng 12: IAEA cho biết đã đạt được tiến bộ trong các cuộc đàm phán với Iram. Hoa Kỳ áp đặt thêm các biện pháp chế tài.

2013

Tháng 1: Iran cho biết sẽ tăng tốc công tác nhiên liệu hạt nhân.
Tháng 2: Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khameini bác bỏ các cuộc đàm phán hạt nhân trực tiếp với Hoa Kỳ. Iran và các cường quốc thế giới họp và đồng ý mở thêm đàm phán.
Tháng 5: IAEA nói Iran đã mở rộng hoạt động hạt nhân.
Tháng 9: Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố Iran sẽ không mưu tìm vũ khí có sức tàn sát hàng loạt.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ phát biểu tại Ðại hội đồng Liên hiệp quốc lần đầu tiên trong phiên khai mạc hôm nay. Thông tín viên Scott Stearns của đài VOA tại Bộ Ngoại giao tường trình rằng dư luận đang có những kỳ vọng ở nhà lãnh đạo mới của Iran, người có cách tiếp cận ít hung hăng hơn về đàm phán hạt nhân.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry nói rằng tân tổng thống Iran có thể đưa ra dấu hiệu của một cách thức mới để tiến tới.

"Theo tôi, những phát biểu của ông Rouhani tỏ ra rất tích cực, nhưng mọi thứ cần phải được kiểm chứng. Chúng ta chờ xem tình hình sẽ ra sao."

Chương trình hạt nhân của Iran chính là mối bận tâm hàng đầu của Hoa Kỳ, bởi vì Washington tin là Tehran đang tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân. Iran nói rằng các hoạt động hạt nhân của họ chỉ nhắm đến các mục tiêu hòa bình.

Tổng thống Rouhani đã đi đầu trong nỗ lực xoa dịu những mối căng thẳng đó. Ông nói rằng nước ông không phát triển vũ khí hạt nhân và muốn “một sự giải quyết nhanh chóng nhất về vấn đề này dựa trên các chuẩn mực quốc tế.”

Đó là một thay đổi lớn so với những tuyên bố của cựu Tổng thống Mahmoud Ahmedinejad, người thường xuyên đe dọa những nước nào phản đối chương trình hạt nhân của Iran. Cựu Ðại sứ Hoa Kỳ Adam Ereli nói cách tiếp cận của ông Rouhani có tính chất ngoại giao nhiều hơn.

"Ông Rouhani có một cá tính rất khác với ông Ahmedinejad. Ông là người tinh tế hơn nhiều, là người nhìn rộng ra thế giới hơn nhiều. Ông là một chính trị gia hơn là một người theo chủ nghĩa dân túy."

Nhưng ông Ereli nói rằng điều đó mang tính hình thức nhiều hơn là thực chất bởi vì quyền lực thực sự ở Iran nằm trong tay các nhà lãnh đạo tôn giáo.

"Các nguyên lý cơ bản của chế độ này không thay đổi. Và chủ trương của chế độ vẫn không thay đổi, bất kể là chương trình hạt nhân của họ, hay đó là chủ trương ủng hộ khủng bố của họ."

Israel lâu nay vẫn thúc giục quốc tế có hành động cứng rắn hơn đối với chương trình hạt nhân của Iran và họ không tin là Tổng thống Rouhani sẽ đưa ra điều gì mới mẻ. Người phát ngôn Mark Regev của chính phủ Israel nói.

"Điều đáng tiếc là những gì mà chúng ta nghe từ giới lãnh đạo Iran chỉ là những ngôn từ đường mật. Những ngôn từ với chủ ý đánh lừa. Những ngôn từ để ru ngủ cộng đồng quốc tế."

Những đề nghị của Tổng thống Rouhani làm cho Washington giảm bớt mức độ đối đầu với Iran trong lúc tình hình đang bất ổn ở Syria và Ai Cập, theo như nhận định của nhà phân tích Doug Bandow của Viện Cato.

"Tôi biết chắc là họ muốn tạm gác lại việc này. Theo tôi, một chính phủ mới của Iran là lý do thích hợp nhất để họ làm như vậy. Ðể họ có thể nói rằng ‘Tuy chúng tôi không biết tình hình sẽ đi về đâu, nhưng hiện đang có một mối hy vọng lớn hơn nhiều khi có một nhân vật ôn hòa hơn ngay trong hệ thống của Iran."

Cựu Ðại sứ Ereli không tin ông Rouhani là một người ôn hòa.

"Với ông Rouhani, chúng ta có một địch thủ có nhiều năng lực hơn, chứ không phải là một đối tác có trách nhiệm hơn. Và do đó chúng ta phải cảnh giác gấp đôi đối với ông ấy và đối với những gì ông ấy làm cho chế độ Iran bởi vì ông ấy sẽ làm việc đó tốt hơn."

Trong lúc chưa có kế hoạch cho Tổng thống Rouhani và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gặp nhau ở Liên hiệp quốc, ngoại trưởng của Iran sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và các nhà ngoại giao quốc tế khác trong các cuộc họp của Hội đồng Bảo an về chương trình hạt nhân của Iran.