Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc sáng 10/5 cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 21/5 đến 28/5 trong chuyến công du thứ 10 của ông đến châu Á. Chuyến thăm sẽ nêu bật cam kết không ngừng của tổng thống với chiến lược tái cân bằng của Mỹ sang châu Á và Thái Bình Dương. Đây là chiến lược nhằm tăng can dự của Mỹ về ngoại giao, kinh tế và an ninh với các nước và nhân dân trong khu vực.
Tòa Bạch Ốc cho hay tổng thống Mỹ sẽ thăm Việt Nam trước. Ông sẽ gặp giới lãnh đạo Việt Nam để bàn thảo các cách thức để Quan hệ Đối tác Toàn diện thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, quan hệ giữa nhân dân hai nước, an ninh, nhân quyền, và các vấn đề toàn cầu cũng như khu vực.
Tại Hà Nội, Tổng thống Obama sẽ đọc bài diễn văn về quan hệ Mỹ-Việt. Tại các cuộc gặp và các sự kiện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tổng thống sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương trong năm nay. Tổng thống cũng sẽ gặp các thành viên của xã hội dân sự, chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh Trẻ Đông Nam Á, các chủ doanh nghiệp và cộng đồng kinh doanh.
Sau Việt Nam, ông Obama sẽ đến Nhật Bản tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Ise-Shima. Ông cũng sẽ có chuyến thăm lịch sử đến thành phố Hiroshima cùng thủ tướng Nhật để nêu bật cam kết không ngừng của ông đối với việc mưu cầu hòa bình và an ninh của một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Trước đó, tại một cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã nhận được câu hỏi liệu Tổng thống Obama có dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sau chuyến thăm hay không. Nhà ngoại giao Mỹ trả lời rằng “chưa có quyết định nào” về lệnh cấm này.
Tuy nhiên, vị trợ lý ngoại trưởng đặc trách Đông Á-Thái Bình Dương nói lệnh cấm vốn đã được áp đặt trong nhiều thập kỷ vẫn được xem xét định kỳ. Ông Russel nói Mỹ đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm này đối với Việt Nam trong năm 2014 để Việt Nam mua một số mặt hàng quốc phòng giúp bảo vệ vùng ven biển và mặt biển. Ông nhận xét rằng việc dỡ bỏ một phần thể hiện quan hệ an ninh-quốc phòng chiến lược đang tăng lên giữa hai nước.
Trợ lý Ngoại trưởng Russel lưu ý rằng Mỹ đã nói rõ hồi năm 2014 và hiện nay vẫn duy trì quan điểm rằng để đưa ra quyết định về lệnh cấm bán vũ khí, Mỹ xem xét các tiến bộ Việt Nam đạt được trong các vấn đề nhân quyền quan trọng.
Ông nói: “Chúng tôi đã nói rõ ở thời điểm đó và điều đó vẫn đúng ở thời điểm này, đó là một trong những yếu tố quan trọng có thể dẫn đến dỡ bỏ lệnh cấm là tiếp tục đà tiến trong việc Việt Nam đạt các tiêu chuẩn nhân quyền phổ quát cũng như đạt tiến bộ trong các cải cách tư pháp quan trọng. Với sự phát triển của Quan hệ Đối tác Chiến lược, chúng tôi sẽ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc”.
Việt Nam trong mấy năm gần đây nhiều lần kêu gọi Mỹ xem xét dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương. Việt Nam coi đó là biểu hiện về mối quan hệ hoàn toàn bình thường hóa giữa hai nước.
Hồi cuối tháng Tư, tại Austin, Texas, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh đã phát biểu tại một hội thảo về Chiến tranh Việt Nam rằng: “Việt Nam kêu gọi Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương, và tin rằng rào cản của quá khứ này nên được dỡ bỏ nhằm chứng tỏ sự bình thường hóa quan hệ toàn diện giữa hai nước bắt đầu hai thập kỷ trước, và mối quan hệ đối tác toàn diện diện nay”.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia về khu vực thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với VOA hôm 9/5 rằng ngay cả khi lệnh cấm được dỡ bỏ “điều đó không có nghĩa là Việt Nam có thể thực sự và sẽ được cho phép mua những mặt hàng cụ thể”. Ông nói Mỹ vẫn có thể từ chối các hồ sơ mua những vũ khí cụ thể nếu có những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.
Lời kêu gọi của Việt Nam về dỡ bỏ lệnh cấm xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng vì tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông.
Tại cuộc họp báo hôm 10/5, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel nói tình hình Biển Đông là mối quan tâm lớn của tất cả các nước, không chỉ đối với các nước có tuyên bố chủ quyền trong vùng biển này như Việt Nam, Philippines hay Malaysia mà còn là mối quan tâm của các nước khác trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
"Không chỉ là vấn đề một hòn đảo thuộc sở hữu của ai mà vấn đề là cách hành xử như thế nào trong vùng biển quốc tế và đây là mối quan tâm của toàn thế giới", ông Russel nói.
Ông Russel nhấn mạnh nhiều quốc gia đã bày tỏ quan ngại về các hành động của Trung Quốc trong việc cải tạo các thực thể, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông.
Nhà ngoại giao Mỹ nhắc lại Mỹ không đứng về phía nước nào trong số các nước tuyên bố chủ quyền, và Mỹ đứng về phía luật pháp quốc tế. Ông khẳng định các chuyến tuần tra tự do hàng hải của Hải quân Mỹ được thực hiện theo luật pháp quốc tế. “Đây là quyền của không chỉ Mỹ mà còn của tất cả các nước khác," Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói như vậy và bổ sung rằng “Mỹ không có tuyên bố chủ quyền, cũng như không có ý định chiếm đảo của ai cả, mà chỉ muốn làm 2 điều: đó là đảm bảo quyền tự do đi lại cho tất cả các bên liên quan, và đảm bảo quyền và luật pháp quốc tế không bị xói mòn”.
Your browser doesn’t support HTML5